Nhật Bản trở thành nước tiếp theo đưa tiền số như một công cụ bổ trợ thay thế cho tiền mặt

21:55 27/11/2022

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đang làm việc với 3 ngân hàng hàng đầu Nhật Bản và một số tổ chức tài chính trong khu vực để thử nghiệm đồng yên điện tử vào mùa xuân 2023.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Theo tin từ tờ Nikkei Asia, chương trình thử nghiệm tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) kéo dài 2 năm. BOJ sẽ hợp tác để thử nghiệm hoạt động gửi và rút tiền từ tài khoản, đồng thời kiểm tra xem tiền ảo này có thể hoạt động tốt mà không cần internet trong trường hợp khẩn cấp hay không.

Tùy thuộc vào kết quả của cuộc thử nghiệm, họ sẽ quyết định có chính thức sử dụng tiền kỹ thuật số, sớm nhất là vào năm 2026, hay không.

Với cuộc thử nghiệm này, BOJ trở thành một trong những ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới, gồm ở Trung Quốc, Mỹ và châu Âu - đang khám phá tiền số như một công cụ bổ trợ hoặc có thể thay thế, cho tiền mặt, trong bối cảnh ngày càng nhiều hoạt động kinh tế đang được chuyển sang trực tuyến.

Năm ngoái, ngân hàng trung ương này cũng đã tiến hành một cuộc thử nghiệm nội bộ để kiểm tra các chức năng cơ bản cần thiết cho một đồng tiền số, ví dụ như việc phát hành và lưu thông. Vì vậy, chương trình trình sắp tới sẽ là thử nghiệm giai đoạn cuối để quan sát việc sử dụng tiền số trong thực tế.

Người đại diện từ BOJ cho biết các ngân hàng thương mại trong nước đều hào hứng tham gia chương trình này. Đồng thời, họ cũng đang chiêu mộ thêm các công ty và nhà cung cấp công nghệ thông tin để phát triển biện pháp an ninh cho đồng tiền số.

Bên cạnh đó, BOJ dự kiến vẫn tiếp tục phát hành đồng tiền vật lý kể cả nếu đồng tiền số được đưa vào lưu thông, vì ngoài các vấn đề về kỹ thuật, đồng tiền này còn cần phải được công chúng đón nhận cũng như có cơ sở pháp lý và hệ thống điều chỉnh chặt chẽ.

Ảnh minh BOJ trở thành một trong những ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới, gồm ở Trung Quốc, Mỹ và châu Âu - đang khám phá tiền số như một công cụ bổ trợ hoặc có thể thay thế, cho tiền mặt
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản trở thành một trong những ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới đang khám phá tiền số như một công cụ bổ trợ hoặc có thể thay thế, cho tiền mặt.

Theo các nhà phân tích, một đồng CBDC có thể mang lại nhiều sự tiện lợi hơn so với các phương thức thanh toán không tiền mặt đang được cung cấp trong khu vực tư nhân hiện tại. Trong khi các khoản thanh toán bằng thẻ tín dụng của khách hàng phải mất tới 1 tháng để về tài khoản bên bán, CBDC có thể được chuyển ngay lập tức - kể cả sau giờ hành chính hoặc vào cuối tuần. Điều này hứa hẹn giúp giảm chi phí giao dịch.

Và không giống với các dạng tiền điện tử hiện tại đang được triển khai tại một số lượng hạn chế các cửa hàng và nhà cung cấp dịch vụ giao thông ở Nhật, đồng Yên số có thể được sử dụng ở bất kỳ đâu mà tiền mặt được lưu thông với mức độ tiện dụng tương đương. Điều này có thể sẽ khuyến khích thêm nhiều đơn vị bán hàng chấp nhận thanh toán không tiền mặt - một điểm mà Nhật Bản đang theo sau các nước phát triển khác.

Một cuộc khảo sát của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho thấy khoảng 90% các ngân hàng trung ương trên thế giới “đang khám phá CBDC ở mức độ nhất định”.

Trước đó, Trung Quốc - nước đi tiên phong trong lĩnh vực này - đã tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm đồng nhân dân tệ số trong giao dịch thực tế. Ngoài ra, Cục Dự trữ Liên bang chi nhánh New York (Mỹ) mới đây cũng đã triển khai một dự án về tiền điện tử, trong đó có hợp tác với Citigroup.

Còn ở châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang làm việc với các đối tác trong lĩnh vực tư nhân, bao gồm Amazon, để thử nghiệm đồng euro số, và dự kiến triển khai đồng tiền này sớm nhất vào năm 2023.

Mai Anh (t/h)