Nhật Bản thiếu nhân lực công nghệ thông tin: Cơ hội cho Việt Nam

00:00 12/10/2020

Sự thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) tại Nhật Bản sẽ mở ra nhu cầu hợp tác rất lớn cho các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản và Việt Nam thời gian tới. Đặc biệt, nguồn nhân lực công nghệ trẻ, giỏi là ưu điểm vượt trội của Việt Nam so với các nước khác.

 Nhật Bản là thị trường lớn của các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam

Nhu cầu nhân lực cao

Trong những năm gần đây, nhu cầu kỹ sư công nghệ ở Nhật Bản đã gia tăng nhanh chóng trong khi nguồn cung lao động trong lĩnh vực này có xu hướng giảm dần, điều này dẫn tới tình trạng thiếu hụt nhân lực CNTT. Theo điều tra của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, nước này đang thiếu hụt khoảng 171.000 kỹ sư và dự báo thiếu 369.000 kỹ sư, đặc biệt là 48.000 kỹ sư trong các mảng công nghệ mới như internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), robotics… vào năm 2020.

Tại Ngày CNTT Nhật Bản 2018 (Japan ICT Day) do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) và Câu lạc bộ hợp tác CNTT Việt Nam - Nhật Bản (VJC) tổ chức mới đây, ông Hironobu Kitagawa - Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội - cho biết, Nhật Bản xác định Việt Nam là một trong những thị trường rất tiềm năng để đầu tư cũng như thu hút nhân lực CNTT. Hiện Nhật Bản đã đầu tư 54 dự án thuộc lĩnh vực CNTT, chiếm 19,6% tổng số dự án đầu tư tại Việt Nam và làn sóng đầu tư của các DN Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Đoàn Hùng - Phó Chủ tịch VINASA - cho hay, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với những xu hướng công nghệ mới như IoT, AI, Big Data, chuyển đổi số, sự thay đổi trong mô hình kinh doanh hợp tác và nguồn nhân lực dồi dào của Việt Nam sẽ mở ra những cơ hội hợp tác lớn giữa DN Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian tới.

Tận dụng cơ hội

Theo nhận định của Bộ Thông tin và Truyền thông, Nhật Bản vẫn là thị trường lớn của các DN CNTT Việt Nam. Hầu hết các DN phần mềm Việt Nam đều có doanh thu tăng mạnh khi tham gia vào các hoạt động gia công, xuất khẩu phần mềm sang thị trường Nhật Bản. Đặc biệt, theo khảo sát của VINASA, trong hơn một năm trở lại đây, hợp tác giữa các DN CNTT Việt Nam và Nhật Bản có sự chuyển dịch mạnh mẽ, từ những công việc ủy thác phát triển dịch vụ CNTT đơn thuần, rất nhiều các dự án nghiên cứu và phát triển trên những nền tảng công nghệ mới như Big Data, Robot, IoT, AI… đang được DN hai nước hợp tác triển khai.

Ông Nguyễn Đoàn Hùng cho biết, lợi thế lớn nhất của Việt Nam trong hợp tác CNTT với Nhật Bản chính là nguồn lực trẻ và có ý chí cầu tiến, muốn học hỏi. Hiện tại, có 290 trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam đào tạo CNTT với khoảng 55.000 sinh viên CNTT theo học hàng năm. Theo đánh giá của website HackerRank - Hoa Kỳ, Việt Nam là đất nước mà khả năng của các nhà phát triển phần mềm xếp thứ 1 ở Đông Nam Á và xếp thứ 23 trên thế giới.

Tuy nhiên, để tận dụng tối đa những cơ hội trên, ông Tạ Sơn Tùng - Chủ tịch Công ty Rikkeisoft - cho rằng, Việt Nam cần mở rộng nguồn kỹ sư CNTT vừa biết tiếng Nhật, vừa giỏi kỹ thuật. Bởi hiện nay, các trường đại học tại Việt Nam vừa đào tạo tiếng Nhật, vừa đào tạo kỹ sư CNTT còn rất ít, mới chỉ có Đại học FPT, Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Đồng thời, các DN Nhật Bản trong tương lai có thể hợp tác cùng DN Việt Nam giải quyết bài toán nhân lực.

Ông Hironobu Kitagawa - Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội: Để bù đắp nguồn nhân lực CNTT thiếu hụt, các kỹ sư CNTT của Việt Nam là một trong những đích ngắm của DN Nhật Bản.

Quỳnh Nga