Các tỉnh miền Tây kiến nghị tạm dừng tiếp nhận người dân tự di chuyển về quê, do nguy cơ bùng phát dịch cao

23:20 03/10/2021

Những ngày đầu tháng 10 vừa qua, sau khi nhiều chốt kiểm soát dịch được gỡ bỏ ở TP.HCM và một số tỉnh, người dân tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Sóc Trăng ... đang làm việc, học tập, lao động, sinh sống tại các tỉnh, thành phố, đặc biệt là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An di chuyển về quê với số lượng lớn. Nếu không có biện pháp kiểm soát nhanh chóng, hiệu quả, nguy cơ có thể dẫn đến bùng phát dịch Covid-19 trở lại.

Các khu cách ly ở các tỉnh Miền Tây quá tải, không còn khả năng tiếp nhận

Chiều ngày 3/10, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu, cho biết: 3 ngày đầu tháng 10, khoảng 30.000 người từ Long An, TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương về quê tỉnh Sóc Trăng bằng xe máy, nhiều nhất trong số tỉnh miền Tây. Riêng đêm 2/10 và sáng 3/10, hơn 20.000 người trở về, đa số chưa qua sàng lọc nên nguy cơ bùng phát dịch rất lớn. Hiện, tỉnh trưng dụng hết trường học nhưng không đủ chỗ cách ly. Nếu người về tiếp tục đông, công tác phòng chống dịch ở địa phương nguy cơ "vỡ trận".

Người dân từ các tỉnh Đông Nam Bộ về tới TP Sóc Trăng ngày 3/10. Ảnh: Nguyễn Xuân

Người dân từ các tỉnh Đông Nam Bộ về tới TP Sóc Trăng ngày 3/10. Ảnh: Nguyễn Xuân. 

Tại Kiên Giang, ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh có khoảng 42.000 người dân đăng ký về quê. Mấy ngày qua, hơn 20.000 người tự về quê bằng xe máy, đa số từ vùng dịch Long An, TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương.

"Với số lượng người về nhiều thế này, tỉnh không thể nào một lúc cách ly hết được. Vì thế sau khi xét nghiệm sàng lọc tất cả, những người dương tính với nCoV được đưa vào bệnh viện điều trị. Các trường hợp còn lại đưa về giao địa phương quản lý nghiêm ngặt", ông Thành nói.

Người về Kiên Giang được tập trung tại cửa ngõ ở huyện Tân Hiệp, sau đó được đưa về các địa phương, trưa 3/10. Ảnh: Nguyễn Phương

Người về Kiên Giang được tập trung tại cửa ngõ ở huyện Tân Hiệp, sau đó được đưa về các địa phương, trưa 3/10. Ảnh: Nguyễn Phương. 

Còn tại Hậu Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Thanh, cho biết: Trong hai ngày đầu tháng 10, địa phương tiếp nhận hơn 2.600 người dân trở về. Địa phương đã tận dụng nhiều điểm trường để cách ly nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Do đó, phương án tạm ngưng tiếp nhận người dân tự về quê trong 15 ngày rất cần thiết. Khi ổn định trở lại, tỉnh sẽ có kế hoạch tổ chức đón người dân muốn trở về.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt quyết định tạm ngưng việc trở lại trạng thái "bình thường mới" trên toàn tỉnh theo kế hoạch từ 4/10 vì lượng người về quê tự phát rất đông, quá tải tại các khu cách ly. Tỉnh cũng yêu cầu người dân không ra đường khi không thật sự cần thiết.

Trong 3 ngày qua, tỉnh An Giang tiếp nhận hơn 15.000 người về quê tự phát, Đồng Tháp trong 3 ngày cũng đón khoảng 20.000 người trở về. Cũng như các địa phương khác, hai tỉnh đang đứng trước nguy cơ dịch bùng phát khi các khu cách ly bị quá tải, khả năng y tế hạn chế...

Nguy cơ lây nhiễm rất cao

Theo tìm hiểu, đa số người dân di chuyển từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai ... phần lớn đã được tiêm ngừa vắc xin ngừa Covid-19 (ít nhất là 1 mũi), nếu bị nhiễm "mầm bệnh" trong người thì có thể sẽ không có chịu trứng hoặc triệu chứng nhẹ và không biết mình bị nhiễm bệnh, nếu không qua test sàn lọc kỹ lưỡng thì cũng khó phát hiện, trong khi đó, người dân sống ở quê nhà các tỉnh miền Tây thì phần lớn chưa được tiêm ngừa vắc xin Covid-19 (do lượng phân bổ vắc xin các tỉnh miền Tây còn hạn chế). Do đó, nếu không kiểm soát chặt chẽ người từ vùng dịch trở về, nếu họ không thực hiện tốt cách ly hoặc không tuân theo quy định của ngành y tế thì nguy cơ những người này lây nhiễm cho người thân và gia đình là rất cao khi tiếp xúc. 

CSGT tỉnh Đồng Tháp dẫn đường cho 102 người dân tự đi xe máy bị kẹt ở Long An trở về quê Đồng Tháp (cách ly theo quy định). Ảnh: Người Đồng Tháp.

CSGT tỉnh Đồng Tháp dẫn đường cho 102 người dân tự đi xe máy bị kẹt ở Long An trở về quê Đồng Tháp (cách ly theo quy định). Ảnh: Người Đồng Tháp. 

Theo thông tin ghi nhận tại Đồng Tháp: Sau khi tiếp nhận người dân từ các tỉnh, thành nói trên, ngành chức năng tỉnh Đồng tháp đã cho lấy mẫu xét nghiệm, kết quả cho thấy trong ngày 3/10, toàn tỉnh Đồng Tháp ghi nhận 35 ca mắc Covid-19, trong đó chỉ có 2 ca trong tỉnh, còn lại là 33 ca F0 trở về từ vùng dịch; Không dừng lại ở đó, sáng ngày 4/10, Đồng Tháp ghi nhận 18 ca mắc Covid-19 đều từ người trở về từ vùng dịch (chưa ghi nhận ca mắc của người đang sinh sống trong tỉnh)

Theo báo cáo của tỉnh Cà Mau, trong 2 ngày đầu tháng 10/2021, địa phương tiếp nhận khoảng 6.000 người về quê bằng xe máy, phần lớn từ vùng dịch Long An, TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương. Kết quả xét nghiệm 1.000 người trong số này có 25 trường hợp dương tính với nCoV.

Theo UBND tỉnh Sóc Trăng, ngày 3/10, toàn tỉnh có 19 ca mắc Covid-19, tổng số ca mắc tính đến ngày 3/10/2021 là: 1.348 ca.

Nhiều người dân bị ùn ứ trong đêm tại các chốt chặn, trong đó có nhiều phụ nữ mang thai và trẻ em (Ảnh KT)

Nhiều người dân bị ùn ứ trong đêm tại các chốt chặn, trong đó có nhiều phụ nữ mang thai và trẻ em (Ảnh KT). 

Còn tại An Giang, trong ngày 02/10/2021, phát hiện 147 trường hợp mắc COVID-19. Tổng số trường hợp mắc COVID-19 từ ngày 15/4 đến 2/10 là: 5.416 trường hợp (có 13 trường hợp tái dương tính). Theo ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết: Qua xét nghiệm, sàng lọc những người đi xe máy từ vùng dịch trở về quê trong ngày 1-10, đã có trên chục trường hợp dương tính COVID-19. Việc về ồ ạt, tập trung như hiện nay rất nguy hiểm trong công tác kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Nếu không khéo, cả vùng ĐBSCL sẽ trở thành vùng đỏ do dịch lây lan", ông Bình cho biết.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, lo lắng: Nếu dân về nữa các khu cách ly sẽ quá tải. Do vậy, ai có người thân nơi các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, TP.HCM… nên vận động người thân ở đâu ở yên đó để chia sẻ cùng tỉnh trong việc chống dịch và chăm lo cho số người đang tự về. Ông Bình cũng thống nhất để cảnh sát dẫn đường cho người dân chạy xe máy về lại địa phương để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, bởi lúc xét nghiệm những người đi xe máy về quê đã có 7 trường hợp quê ở Tri Tôn, Chợ Mới bị nhiễm Covid-19, kéo theo hàng trăm người tiếp xúc gần là F1.

Các địa phương ra "quyết sách" ứng phó khẩn cấp

Trước tình hình diễn biến phức tạp do người dân ồ ạt tự đi xe máy từ vùng dịch trở về, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đã chỉ đạo cho các địa phương trong tỉnh và yêu cầu Ban Chỉ đạo, Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch Covid - 19 các huyện, TP. trực thuộc thiết lập chế độ trực 24/24 để tiếp nhận thông tin, tổ chức đón, rước người dân về địa phương; vận hành đồng bộ các cơ sở điều trị, cơ sở cách ly của địa phương để sẵn sàng tiếp nhận người dân bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19; tiến hành rà soát, kịp thời phát hiện, quản lý các trường hợp tự phát về địa phương nhưng không thực hiện khai báo để quản lý chặt chẽ.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan: tăng cường tuyên truyền rộng rãi để người dân biết, khi có người thân hoặc phát hiện có người từ các tỉnh, thành phố khác về địa phương thì vận động hoặc báo tin cho Ban Nhân dân khóm, ấp, Tổ nhân dân tự quản, đoàn thể địa phương vận động, yêu cầu những trường hợp này đến các Trạm Y tế cấp xã để khai báo y tế và được tư vấn, hướng dẫn, theo dõi sức khoẻ và thực hiện các biện pháp cách ly theo quy định; Khẩn trương chỉ đạo rà soát từng hộ gia đình có người thân đang làm việc, sinh sống ngoài tỉnh có nhu cầu về quê để vận động gia đình thuyết phục thân nhân tiếp tục ở lại thêm thời gian nữa để được tiêm đầy đủ vắc xin phòng Covid-19 và làm việc. 

Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh Sóc Trăng cũng yêu cầu người dân hạn chế ra đường; chỉ đạo các địa phương trong tỉnh tạm ngưng việc cấp giấy đi đường cho người dân (trừ trường hợp đặc biệt). Các giấy đã cấp đều phải ngưng hiệu lực vào 9h ngày 3/10.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết: Đến 8h30 ngày 3-10, số người về tỉnh An Giang đã lên trên 15.000 người. Các huyện đã tổ chức đón về 5.221 người. Sáng ngày 3/9, còn lại 9.966 người chưa bố trí cho các huyện. "Chúng tôi tạm thời bố trí tất cả bà con tại các trường học hay nhà thi đấu đa năng của TP Long Xuyên để làm nơi tiếp nhận. Sau đó, tỉnh sẽ giao lại cho các huyện, thị, thành phố. Bà con về quê tự phát làm tỉnh quá tải sức chứa. Hầu như các trường học trong tỉnh đều trở thành khu cách ly", ông Bình chia sẻ.

Các huyện, thị, thành phố của An Giang sẽ cho cảnh sát dẫn đường để người dân tự chạy xe máy theo về để giảm nguy cơ lây nhiễm khi đưa về bằng xe khách. Ảnh: Hồng Hải/ Thanhnien.vn

Các huyện, thị, thành phố của An Giang sẽ cho cảnh sát dẫn đường để người dân tự chạy xe máy theo về để giảm nguy cơ lây nhiễm khi đưa về bằng xe khách. Ảnh: Hồng Hải/ Thanhnien.vn. 

UBND tỉnh An Giang sẽ thành lập nhanh "Tiểu ban tiếp nhận người về", do ông Lê Văn Phước - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban để đảm bảo công tác an toàn khi đón người. Việc cách ly tập trung giao cho các lãnh đạo các huyện, thị phối hợp Sở Y tế tự quyết. Theo đó, nơi nào cách ly tại nhà an toàn thì cho cách ly; đối với các trường hợp tiếp xúc gần F0 có nguy cơ cao thì phải giám sát chặt, xem trong nhà đó có người bệnh nền hay không, nếu có phải di chuyển nơi khác để tránh lây nhiễm, nhà nào có người cách ly phải dán bảng thông báo và giám sát không để người cách ly di chuyển tự do.

Riêng với các trường học được trưng dụng làm khu cách ly tập trung người dân về quê thì địa phương phải đảm bảo an toàn giãn cách xã hội, phân tán mỏng, người cách ly người, phòng cách ly phòng, không được tụ tập trò chuyện trong lúc cách ly và địa phương phải bảo vệ chặt chẽ không để người cách ly trốn ra ngoài. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang lưu ý địa phương trong tỉnh không để người dân đói. Tỉnh sẽ tạm thời xuất ngân sách hỗ trợ trong 7 ngày, sau đó tính tiếp.

Kiến nghị tạm dừng cho người dân tự về quê

Trưa 3-10, ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, ông cùng lãnh đạo 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã kiến nghị đến Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đề nghị tạm ngưng cho người dân tự về quê. 

"Thời gian tạm ngưng tiếp nhận 15 ngày. Trong thời gian này, các địa phương chuẩn bị mọi mặt và lo chu đáo cho số bà con đã về. Sau khi ổn định, tỉnh sẽ xin ý kiến tiếp", ông Lâu nói.

Người dân Sóc Trăng tự về quê đang chờ được đưa vào khu cách ly sáng 3-10 - Ảnh: KHẮC TÂM/ Tuổi trẻ online

Người dân Sóc Trăng tự về quê đang chờ được đưa vào khu cách ly sáng 3-10 - Ảnh: KHẮC TÂM/ Tuổi trẻ online. 

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết sáng ngày 3/10, tỉnh Đồng Tháp đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ cho các tỉnh miền Tây các sinh phẩm để test nhanh, xét nghiệm, sớm ưu tiên nguồn vaccine. Riêng các tỉnh thành nhiều lao động miền Tây cần vận động và có chính sách để người dân ở lại. Nếu dòng người tiếp tục đổ về, các tỉnh miền Tây rất khó kiểm soát được dịch.

Lượng người từ TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An tự về quê ở miền Tây đã được các chuyên gia và ngành chức năng dự báo từ cuối tháng 9 khi 4 tỉnh thành này nới lỏng giãn cách từ ngày 1/10. Theo thống kê của Bộ Công an, hiện có 3,5 triệu người các địa phương cả nước làm việc tại 4 tỉnh, thành nói trên, trong đó 2,1 triệu người muốn về quê. Bốn địa phương này có tỷ lệ tiêm vaccine cao, song các tỉnh Miền Tây thì tỷ lệ tiêm chủng còn rất thấp. Do đó, nếu không kiểm soát tốt, người dân đi lại sẽ có nguy cơ lây lan dịch./.

Lập Nguyễn (TH)