Nhân dân tệ kỹ thuật số tạo áp lực lên hệ thống tiền tệ các nước châu Á

16:55 02/07/2021

Giống như những chuyến hàng chở lụa đã từng thúc đẩy mạng lưới thương mại thế giới, nhân dân tệ kỹ thuật số được cho là có khả năng sẽ tạo nên một hệ thống tài chính quốc tế lâu dài.

 

Nhân dân tệ kỹ thuật số tạo áp lực lên hệ thống tiền tệ các nước châu Á
Nhân dân tệ kỹ thuật số tạo áp lực lên hệ thống tiền tệ các nước châu Á.

Những “con đường tơ lụa” đầu tiên đã bắt đầu thành hình khi các nền kinh tế đang phát triển chấp nhận giao dịch bằng nhân dân tệ kỹ thuật số, và các nền kinh tế giàu có hơn ở châu Á, dù muốn hay không, cũng đang nỗ lực khám phá tiền kỹ thuật số của riêng mình nhằm duy trì sức cạnh tranh với Trung Quốc.

“Nếu Trung Quốc giành chiến thắng với đồng kỹ thuật số của ngân hàng trung ương, họ sẽ tung nó ra khắp châu Phi, sang Đông Nam Á. Nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ trở thành đơn vị tiền tệ kỷ lục và đó là dấu chấm hết cho quyền bá chủ của Mỹ trên thế giới”, Don Tapscott, Chủ tịch điều hành Viện nghiên cứu Blockchain có trụ sở tại Toronto (Canada) nói.

DSR là một yếu tố quan trọng trong kế hoạch cơ sở hạ tầng toàn cầu Vành đai - Con đường (BRI) được công bố năm 2013 của Trung Quốc. Dù thiếu minh bạch, nhưng BRI vẫn có phạm vi rộng đáng kinh ngạc. Sáng kiến này là khoản thanh toán ước tính trị giá hàng ngàn tỉ USD của Trung Quốc cho các dự án đầu tư và phát triển kéo dài xuyên lục địa của “Con đường Tơ lụa ban đầu” nối liền từ châu Á đến châu Âu trong cuối thế kỷ 18.

Từ góc độ quản lý dự án, BRI và DSR có một điểm chung là cạnh tranh với hệ thống ngân hàng lỗi thời, kém hiệu quả. Stanley Chao, chủ tịch một công ty tư vấn về chiến lược kinh doanh châu Á có trụ sở tại Los Angeles (Mỹ) cho biết, Bắc Kinh coi nhân dân tệ kỹ thuật số là giải pháp cho vấn đề này, cũng như là cách để củng cố phạm vi hoạt động của cả hai dự án.

“Tại các thị trường mới nổi với hệ thống ngân hàng kém, có thể phải mất một tuần để giải quyết giao dịch, điều này gây ra sự chậm trễ. Trung Quốc coi tiền kỹ thuật số là một giải pháp. Thanh toán sẽ được thực hiện ngay lập tức. Phí giao dịch sẽ gần như giảm xuống bằng không vì không có bên trung gian. Tôi nghĩ vào một thời điểm nào đó, có những nước, không chỉ ở châu Á, mà còn ở châu Phi, Đông Âu và Nam Mỹ sẽ đi theo ý tưởng của Trung Quốc”, ông Chao nói.

Phỏng đoán trên đã thành hiện thực. Vào tháng 12.2019, để tạo điều kiện cho dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan trị giá 54 tỉ USD, Pakistan đã công bố nhân dân tệ là đồng tiền quốc gia thứ hai của mình, vai trò mà đồng USD chiếm giữ từ lâu. Sáu tháng sau, hãng viễn thông Thổ Nhĩ Kỳ Turkey Telekom cũng đồng ý sử dụng nhân dân tệ để thanh toán nhập khẩu.

Trên quan điểm của Trung Quốc, nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ giúp thúc đẩy một vòng lặp phát triển (virtuous cycle). Nếu càng nhiều nước nhìn thấy lợi ích của việc thanh toán bằng nhân dân tệ, thì hiệu ứng trong mở rộng quỹ đạo ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc càng lớn. Theo Cục Nghiên cứu châu Á, thanh toán thương mại bằng nhân dân tệ của Trung Quốc đã tăng từ gần 0 lên 1.100 tỉ USD từ năm 2000 đến năm 2015. Tuy nhiên, tính trong năm 2021, chỉ 2,5% thanh toán quốc tế trên toàn thế giới được giao dịch bằng nhân dân tệ, thấp hơn nhiều so với 39% giao dịch bằng đồng USD và 36% giao dịch bằng đồng euro. Điều đó khiến nhân dân tệ có một không gian lớn để tăng trưởng.

Bên cạnh những quốc gia lựa chọn nhân dân tệ kỹ thuật số, vẫn còn nhiều nước cảm thấy việc phát triển tiền kỹ thuật số của riêng mình là điều hấp dẫn hơn. Theo kết quả khảo sát hồi tháng 1.2021 của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (Bank of International Settlements), một tổ chức quốc tế của các ngân hàng trung ương, khoảng 86% trong số 65 thành viên cho biết đang khám phá ý tưởng tạo tiền kỹ thuật số, 60% đã bắt đầu thử nghiệm và 14% có tiền kỹ thuật số đang được giao dịch. Mối quan tâm này được chia sẻ giữa các nền kinh tế ở mọi quy mô và mọi trạng thái phát triển.

Theo South China Morning Post, vào tháng 10.2020, Bahamas đã thông báo về sự xuất hiện của “sand dollar”, một loại tiền kỹ thuật số ngân hàng trung ương (CBDC) được chốt với đồng USD. Trong cùng tháng, Campuchia cũng ra mắt một “CBDC kết hợp” hỗ trợ các giao dịch bằng cả đồng riel và USD. Tháng 5.2021, thống đốc ngân hàng trung ương Indonesia đã xác nhận nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á sẽ sớm tung ra một loại tiền kỹ thuật số. Hàn Quốc đang chuẩn bị cho CBDC sẽ được thử nghiệm vào tháng 8 năm nay. Singapore gần đây đã hoàn thành một thử nghiệm kéo dài 5 năm trong kiến trúc tài chính dựa trên blockchain, một trong những mũi nhọn liên quan đến mô hình thanh toán xuyên biên giới được phát triển bởi tập đoàn ngân hàng khổng lồ của Mỹ JPMorgan và công ty đầu tư toàn cầu Temasek của Singapore.

“CBDC của Trung Quốc thực sự đã tạo ra áp lực ngang hàng trong khu vực. Đó là sự thay đổi lớn cho thấy có sự điều chỉnh và chấp nhận về thể chế, quy định trong lĩnh vực tài chính”, Charles d’Haussy, Giám đốc điều hành khu vực châu Á của Consensys, công ty phần mềm blockchain đang thực hiện dự án CBDC cho các ngân hàng trung ương của Úc và Hồng Kông, nói.

Song, dù tiến về phía trước, một số ngân hàng trung ương đã bày tỏ thái độ miễn cưỡng khi nhận thức rằng họ đang bị buộc phải đuổi theo Trung Quốc. Trong một bài phát biểu tháng 3.2021 tại hội nghị thượng đỉnh công nghệ hằng năm do Nikkei đồng tổ chức, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda mô tả đồng yên kỹ thuật số là một nghĩa vụ hơn là một sự lựa chọn.

Nhật Bản không đơn độc khi cảm thấy bị kéo vào thời đại tiền kỹ thuật số. Ngay cả đối với một nền kinh tế được dự đoán sẽ lớn thứ ba thế giới vào năm 2030, Ấn Độ vẫn không theo kịp tốc độ công nghệ tiền kỹ thuật số với đối thủ Trung Quốc. Tháng 2.2021, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã phát hành một báo cáo cho biết CBDC “có nguy cơ gây mất trung gian hệ thống ngân hàng”. Tuy nhiên, quốc gia Nam Á gần đây đã bước vào thế giới tiền kỹ thuật số với thái độ cởi mở hơn khi thống đốc ngân hàng trung ương công khai thừa nhận đồng rupee kỹ thuật số “nhận được sự quan tâm đầy đủ của chúng tôi”.

Tốc độ nhanh chóng của các ngân hàng trung ương đối với sự phát triển của CBDC đã đặt ra một câu hỏi: việc số hóa các giao dịch và dàn xếp xuyên biên giới sẽ tác động như thế nào đến vai trò của SWIFT, mạng lưới toàn cầu thống trị về giao dịch liên ngân hàng, vốn là trung tâm của dòng tiền tệ toàn cầu kể từ năm 1973? Tháng 2.2021, có bốn ngân hàng trung ương đã thực hiện bước đầu tiên trong triển khai tiền kỹ thuật số để giao dịch thương mại xuyên biên giới mà không sử dụng hệ thống SWIFT làm trung gian. Nhóm bốn ngân hàng này đã công bố một dự án thử nghiệm, được gọi là m-CBDC, tạo thành cầu nối giao dịch giữa các ngân hàng trung ương trong nhóm của Trung Quốc, Hồng Kông, Thái Lan và UAE.

“Đây là lần đầu tiên bốn ngân hàng trung ương khác nhau cùng hợp tác để xây dựng một cơ sở hạ tầng tiền tệ chung xuyên biên giới. Đây có lẽ cũng là bằng chứng cho khái niệm tham vọng nhất về tiền tệ kỹ thuật số trong năm 2021, sau dự án nhân dân tệ kỹ thuật số riêng của Trung Quốc”, ông Charles d’Haussy nói.

PV