Đường Nguyễn Xiển- trục giao thông huyết mạch ‘cửa ngõ’ Thủ đô: Dân khổ chính quyền có thấu hiểu?!

10:15 03/12/2022

Năm 2008, do nhu cầu về giao thông khi lưu lượng phương tiện đi qua và ra vào Hà Nội ngày một đông, đòi hỏi cấp thiết phải có một tuyến đường trên cao để cho các xe đi vòng tránh trung tâm Hà Nội, cũng như mở rộng đường phía dưới để cho phương tiện lưu thông ra vào trung tâm TP. Khi đó, đoạn đường Khuất Duy Tiến chỉ là một con đường bê tông rộng khoảng 5m, còn đoạn từ Nguyễn Trãi đi Linh Đàm – nay là đường Nguyễn Xiển, đường Nghiêm Xuân Yêm- thì chưa hề xuất hiện. Do đó, Bộ GTVT chỉ đạo gấp rút triển khai hoàn thiện kết nối tuyến đường vành đai

Trục giao thông huyết mạch ‘cửa ngõ’ của Thủ đô sau một thời gian vận hành    

Sau khi triển khai tuyến đường vành đai 3 giai đoạn 1 và giai đoạn 2 tại Thủ đô Hà Nội hoàn thành thì càng khẳng định việc triển khai tuyến đường này là rất hiệu quả, giải quyết được nhiều vấn đề về giao thông, quy hoạch, kinh tế xã hội… của thành phố. Lưu lượng, mật độ giao thông qua tuyến đường vành đai 3 cả trên cầu cạn và đường phía dưới là rất lớn. Không có số liệu thống kê chính thức qua các năm đưa vào sử dụng nhưng người dân Hà Nội từng chứng kiến cảnh tắc cả đường vành đai 3 trên cao cũng như đường phía dưới mỗi khi có dịp ngày lễ, tết. Điều này còn thể hiện qua việc tắc đường vào giờ cao điểm buổi sáng, buổi chiều tại các nút giao với đường vành đai 3 phía bên dưới tại các điểm nóng như ngã tư Nguyễn Trãi- Khuất Duy Tiến, nút giao Tố Hữu- Khuất Duy Tiến- Lê Văn Lương, nút giao Trần Duy Hưng- Khuất Duy Tiến- Phạm Hùng, nút giao Linh Đàm- Nghiêm Xuân Yêm… Lượng phương tiện vận tải, hàng hóa, con người hàng ngày lưu thông qua tuyến đường vành đai 3 nói chung là rất lớn. Cho nên mọi thay đổi về sự lưu thông trên tuyến đường này gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân.

Khoảng năm 2021 do lưu lượng giao thông tại trục đường Phạm Hùng- Khuất Duy Tiến- Nguyễn Xiển- Nghiêm Xuân Yêm- Linh Đàm tăng cao nên các cơ quan chức năng đã cho phép cải tạo, sửa chữa, làm mới một số điểm, tuyến để cải thiện tình trạng giao thông. Các công trình được triển khai như mở rộng đường Nguyễn Xiển, làm hầm chui Lê Văn Lương- Tố Hữu, mở rộng ngã tư Khuất Duy Tiến- Nguyễn Trãi- Nguyễn Xiển… Việc triển khai xong những công trình trên đã giải quyết được phần nào những khó khăn về giao thông tại một số điểm nóng.

Ngày 29 tháng 5 năm 2008, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 15/2008/QH12 về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 8 năm 2008). Theo đó, hợp nhất toàn bộ 219.341,11 ha diện tích tự nhiên và 2.568.007 người của tỉnh Hà Tây và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình vào thành phố Hà Nội (cũng trong năm này, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc cũng được nhập vào Hà Nội). Từ diện tích gần 1.000 km² và dân số khoảng 3,4 triệu người, Hà Nội sau khi mở rộng có diện tích 3.324,92 km² và dân số 6.232.940 người, nằm trong 17 thủ đô lớn nhất thế giới. Ngày 8 tháng 5 năm 2009, địa giới các huyện Thạch Thất và Quốc Oai được điều chỉnh lại. Cũng trong cùng thời điểm này, quận Hà Đông được thành lập từ thành phố Hà Đông trước đây và thành phố Sơn Tây được chuyển thành thị xã Sơn Tây như cũ.

Hà Nội là thủ đô, thành phố trực thuộc trung ương và là một đô thị loại đặc biệt của Việt Nam. Hà Nội nằm về phía Tây Bắc của trung tâm vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng, với địa hình bao gồm vùng đồng bằng trung tâm, vùng đồi núi ở phía Bắc và phía Tây thành phố. Với diện tích 3.359,82 km², dân số 8,33 triệu người, Hà Nội là thành phố trực thuộc trung ương có diện tích lớn nhất Việt Nam, đồng thời cũng là thành phố đông dân thứ hai và có mật độ dân số cao thứ hai trong 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh của Việt Nam, nhưng phân bố dân số không đồng đều. Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã (tính đến ngày 01/08/2022). Theo tính toán một cách tương đối thì sau khoảng 14 năm dân số thành phố Hà Nội đã tăng lên khoảng 2,1 triệu người, chưa  kể người dân lao động thời vụ, người dân các tỉnh đến lao động sinh sống, buôn bán… tại thủ đô. Ước tính dân số thành phố Hà Nội tại thời điểm hiện nay (11/2022) kể cả người dân các tỉnh đến sinh sống, làm việc, buôn bán… khoảng xấp xỉ 10 triệu người. 

Ảnh minh họa
Do khu vực quây tôn để thi công chiếm phần lòng đường ùn tắc thường xuyên xảy ra trên đường Nguyễn Xiển.

Ngày 26 tháng 11 năm 1996, quận Thanh Xuân được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của 5 phường Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân, Thượng Đình, Kim Giang, Phương Liệt cùng một phần phường Nguyễn Trãi, phường Khương Thượng thuộc quận Đống Đa, cùng với toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Nhân Chính thuộc huyện Từ Liêm và xã Khương Đình thuộc huyện Thanh Trì. Cùng thời điểm đó, quận Cầu Giấy cũng được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của 4 thị trấn Cầu Giấy, Nghĩa Đô, Nghĩa Tân, Mai Dịch và 3 xã Dịch Vọng, Yên Hòa, Trung Hòa thuộc huyện Từ Liêm. Ngày 6 tháng 11 năm 2003, thành lập quận Long Biên trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của 10 xã Thượng Thanh, Giang Biên, Ngọc Thụy, Việt Hưng, Hội Xá, Gia Thụy, Bồ Đề, Long Biên, Thạch Bàn, Cự Khối và 3 thị trấn Gia Lâm, Đức Giang, Sài Đồng thuộc huyện Gia Lâm. Cũng vào thời điểm đó, quận Hoàng Mai cũng được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của 9 xã Định Công, Đại Kim, Hoàng Liệt, Thịnh Liệt, Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Lĩnh Nam, Trần Phú, Yên Sở cùng một phần diện tích xã Tứ Hiệp thuộc huyện Thanh Trì, cùng toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 5 phường Mai Động, Tương Mai, Tân Mai, Giáp Bát, Hoàng Văn Thụ thuộc quận Hai Bà Trưng.

Kể từ khi mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội năm 2008 cùng với việc thành lập thêm các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Long Biên, Hoàng Mai nên áp lực giao thông cho trục đường vành đai 3 nói riêng, cũng như hệ thống hạ tầng giao thông, đô thị phía Tây thành phố là rất cấp thiết. Khi dân số tăng lên thì các yêu cầu vê quy hoạch đô thị, giao thông của thành phố cũng được đặt ra để thay đổi kịp thời đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống. Từ những thay đổi về địa giới hành chính, dân số, cơ sở hạ tầng đô thị, giao thông sẽ dẫn đến những thay đổi về mặt quy hoạch cần được điều chỉnh vì đã được ban hành ở những thời điểm trước đó. Dự án  Đường vành đai 3 đã bắt đầu có trong quy hoạch của Hà Nội từ cuối những năm 1990 sau đó Thủ tướng Chính phủ khi đó phê duyệt thông qua quyết định số 945/CP-KTN ngày 13 tháng 8 năm 1998. Qua một thời gian triển khai hoàn thành giai đoạn 1, 2 đường vành đai 3 đưa vào sử dụng nhận thấy hiện nay có một số điểm còn tồn tại nhiều bất cập, chưa phù hợp với nhu cầu của người dân, đáp ứng được đòi hỏi phát triển về mọi mặt của Thủ đô. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần xem xét một cách toàn diện, thấu đáo để đưa ra những giải pháp căn cơ, ổn định, lâu dài của hệ thống giao thông đường vành đai 3, đường vành đai 4 của thành phố Hà Nội. Qua đó giải quyết được nhu cầu cấp bách của xã hội, đáp ứng được yêu cầu về phát triển kinh tế, đô thị lâu dài của thành phố.

Dân khổ, chính quyền có thấu hiểu?!

Để phục vụ thi công một số hạng mục của dự án Nhà máy nước thải Yên Xá (xã Tân Triều huyện Thanh Trì) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp làm chủ đầu tư, ngày 04/11/2022 đơn vị thi công đã rào chắn trên đường Nguyễn Xiển thêm một vị trí chiếm mất 2/3 lòng đường. Trước đó đơn vị thi công đã rào chắn 04 điểm trên đoạn đường từ ngã tư Nguyễn Xiển- Nguyễn Trãi đến nút giao Nguyễn Xiển- Chu Văn An và một số điểm trên đại lộ Chu Văn An thu hẹp rất nhiều phần lòng đường tại các vị trí này. Việc rào chắn cả hai phía của lòng đường tại các vị trí khác nhau đã tạo nên nút thắt cổ chai gây ách tác trên tuyến đường Nguyễn Xiển hầu như hàng ngày, nhất là vào những khung giờ cao điểm buổi sáng, buổi chiều tối lưu lượng phương tiện giao thông tăng đột biến.

Theo đánh giá của người dân, việc lựa chọn thời điểm triển khai việc quây rào tôn các phần trên lòng đường Nguyễn Xiển để thi công là chưa phù hợp. Chủ đầu tư dự án khi triển khai việc thi công chưa có những giải pháp đồng bộ, toàn diện để đảm bảo việc thi công chất lượng, đúng tiến độ, an toàn nhưng không làm ảnh hưởng đến sự lưu thông, kinh doanh… của người dân. Thời điểm triển khai giáp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán cuối năm trên trục đường Nguyễn Xiển không khác gì gây khó khăn thêm cho trục đường huyết mạch của thành phố và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.

Hiện nay, khi triển khai thi công tại công trường hầu như các chủ đầu tư, đơn vị thi công không báo trước, cũng như công khai thời gian thực hiện để cho người dân có thời gian chuẩn bị hay có phương án kinh doanh cho phù hợp. Việc này đáng lý ra khi thi công chủ đầu tư, đơn vị triển khai phải công khai thời gian thực hiện, ngày dự kiến triển khai, diện tích vị trí quây rào tôn để người dân, doanh nghiệp biết chủ động trong công việc kinh doanh và đời sống sinh hoạt hàng ngày. 

Ảnh minh họa
Việc rào chắn cả hai phía của lòng đường tại các vị trí khác nhau đã tạo nên nút thắt cổ chai gây ách tác trên tuyến đường Nguyễn Xiển hầu như hàng ngày.

Hiện tượng các chủ đầu tư, đơn vị thi công khi triển khai quây rào tôn nhưng công việc không triển khai, hoặc chậm gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, kinh doanh của người dân. Việc không công bố thông tin hoặc thông tin công bố không rõ ràng dẫn đến sự không minh bạch trong triển khai công việc, hoặc thực trạng “cha chung không ai khóc”.

Chị H. ở ngõ 280 đường Nguyễn xiển mắt ngấn lệ nói: "Chúng tôi thuê cửa hàng mặt đường chi phí rất lớn vừa kinh doanh có khách được mấy tháng thì tự nhiên đơn vị thi công đến quây tôn chắn hết mặt tiền nhà tôi nên không buôn bán được. Hàng hóa tôi đã nhập về rồi không bán được nằm chất đống, tiền thuê cửa hàng đã ký trả tiền rồi thì bây giờ phải làm như thế nào? Chắc chỉ còn nước là phá sản thôi!"

Cuộc sống của các hộ kinh doanh, Công ty đã khó khăn chỉ trông vào dịp cuối năm đông khách để có nguồn thu nhập. Sự buôn bán đã khó khăn gặp tình cảnh rào chắn quây tôn đường bị thu hẹp nên tắc đường thường xuyên dẫn đến tất cả các hộ mặt đường đều bị ảnh hưởng thu nhập nghiêm trọng.

Ngày 8/11/2022, Sở GTVT TP Hà Nội đã có Văn bản số 6194/SGTVT-QLKCHTGT nêu rõ, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp TP Hà Nội phải chỉ đạo nhà thầu thi công thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ an toàn giao thông, bố trí lực lượng phối hợp với CSGT, Thanh tra GTVT, chính quyền địa phương phân luồng đảm bảo an toàn, tránh gây ùn tắc. Ngày 28/11/2022 đơn vị thi công đã mở thêm một làn đường bên cạnh rào chắn đã chiếm 2/3 lòng đường tuy giao thông đã được cải thiện chút ít nhưng mật độ giao thông vẫn lớn và tắc đường vẫn xảy ra. Khi giáp Tết Dương lịch, Tết Âm lịch thì tuyến đường Nguyễn Xiển mật độ giao thông rất lớn nên các cơ quan chức năng phải có kế hoạch cụ thể để giảm ùn tắc khi người dân lưu thông qua khu vực này. Trước đây, khi đường Phạm Văn Đồng chưa được mở rộng, đường vành đai 3 (đoạn Phạm Văn Đồng trên cao) chưa thông xe tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên. Tuy nhiên, khi đường Phạm Văn Đồng được mở rộng, đường vành đai 3 trên cao đoạn nối đến cầu Thăng Long thông xe thì tình trạng ùn tắc tại đây được xử lý gần như triệt để. UBND thành phố Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội nên chăng có những nhìn nhận, so sánh, đánh giá về việc giải quyết ùn tắc giao thông tại đường Phạm Văn Đồng để đưa ra một giải pháp về giao thông lâu dài, hiệu quả cho trục đường Nguyễn Xiển. 

Ảnh minh họa
Phần dải phân cách dưới gầm cầu đường vành đại 3 đoạn qua Phạm Văn Đồng được tận dụng tối đa để mở rộng phần lòng đường.

Sau dịch bệnh Covid19, các hộ kinh doanh, Công ty, cá nhân rất khó khăn, Đảng Nhà nước và Chính phủ đã tìm mọi cách tháo gỡ, giúp đỡ về mọi mặt như giảm thuế, tạo điều kiện cho các đối tượng được hỗ trợ về nguồn vốn ưu đãi, thủ tục hành chính.... Việc này đã tháo gỡ khó khăn, tạo động lực cho các cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp… hoạt động hiệu quả, tăng nguồn thu, giảm bớt gánh nặng sau đại dịch toàn cầu.

Qua những khó khăn, vướng mắc về giao thông trên đường Nguyễn Xiển, thiết nghĩ các cấp chính quyền của Thành phố Hà Nội cần xem xét thấu đáo, giải quyết kịp thời, hiệu quả nhu cầu bức thiết của người dân. Mỗi khi mùa Xuân đến thường đem mầm xanh cùng những khát khao ước vọng, mong rằng mùa Xuân 2023 những người dân sống tại đường Nguyễn Xiển không phải sống trong sự khó khăn, nước mắt thay những giọt mồ hôi và nụ cười.

Khải Hoàn