“Nguy” và “cơ” đối với lực lượng nhân sự ngành Du lịch trong dịch Covid

00:00 12/10/2020

Có lẽ trong lịch sử, chưa bao giờ ngành Du lịch lại gặp khó khăn nghiêm trọng như hiện giờ. Hàng triệu lao động trong ngành lữ hành, khách sạn, nhà hàng hiện đang không có việc làm vì đại dịch. Rất nhiều người buộc phải quyết định “chia tay” với nghề, mặc dù họ là người “vững nghề” và vẫn rất yêu nghề…

Ảnh minh họa

Nhiều gam màu tối…

Vào khoảng tháng 6-7, sau đợt dịch thứ nhất, hoạt động du lịch quay trở lại mạnh mẽ với hàng loạt chương trình kích cầu, giảm giá “khủng” của hầu hết các doanh nghiệp. Mặc dù nhiều tour được coi là chỉ “hòa vốn” hoặc lợi nhuận “cực mỏng”, nhưng lực lượng hướng dẫn viên và nhân viên khách sạn, nhà hàng đều lấy làm vui mừng. Vì “cứ có việc làm, có khách là mừng rồi. Bởi điều đó cho thấy cuộc sống vẫn còn nhiều thứ đáng để chờ đợi và hy vọng”,– như lời chị Phạm Thị Lera, hướng dẫn viên tại Vietravel Hà Nội từng chia sẻ.

Thế nhưng, đợt dịch thứ 2 bất ngờ bùng phát với tính chất phức tạp và nghiêm trọng khi có hàng chục ca tử vong vì Covid-19, giống như một “cú đấm bồi” vào hầu hết các ngành kinh tế, trong đó ngành Du lịch một lần nữa phải chịu thiệt hại nặng nề nhất. Rất nhiều tour phải hủy, nhiều cơ sở dịch vụ gần như ngừng hoạt động vì không có khách. Rất nhiều khách sạn hạng sang trước đây có giá cả chục triệu đồng/ngày đêm, giờ “hạ giá hết cỡ” xuống chỉ còn trên dưới 1 triệu đồng cũng chẳng mấy khi có khách… 

Không có khách đồng nghĩa với doanh nghiệp không có doanh thu. Hệ quả là không có tiền trả lương cho người lao động. Kết quả khảo sát do Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) cùng một số đơn vị như Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân, Grant Thornton Việt Nam thực hiện hồi tháng Tư cho thấy, khi du lịch chưa khủng hoảng sâu như hiện tại, đã có đến 18% doanh nghiệp số doanh nghiệp được hỏi cho biết đã cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc; 48% doanh nghiệp cho một nửa nhân viên nghỉ.

Ảnh minh họa

Sau đợt bùng phát dịch lần hai, tình hình còn nghiêm trọng hơn: Có tới 28.000 lao động trong ngành du lịch ở Hà Nội đã phải tạm dừng làm việc, còn tại TP.HCM, khoảng 80-90% nhân viên của các công ty lữ hành và 90% nhân viên khách sạn từ 3-5 sao hiện phải tạm nghỉ việc không hưởng lương. Ước tính trên phạm vi cả nước, có tới hàng trăm ngàn người lao động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch bị mất việc làm hoặc phải tạm nghỉ việc không hưởng lương, đến giờ vẫn chưa rõ thời gian có thể quay trở lại làm việc.

Lãnh đạo nhiều công ty du lịch cho biết, mặc dù họ đã cố hết sức tìm cách giữ chân nhân sự, nhưng “lực bất tòng tâm”. “Vẫn biết giữ được nhân sự giỏi, nhân sự quản lý thì công ty sẽ sớm ổn định và có cơ hội phục hồi nhanh thời “hậu Covid-19”, nhưng với tình trạng doanh thu âm kéo dài như hiện giờ, chúng tôi đành bất lực”, Phó Giám đốc một công ty lữ hành tại TP.HCM chia sẻ trong tiếng thở dài…

Tại Công ty Du lịch Bến Thành Tourist, chính sách trả cùng một mức lương cho tất cả các thành viên trong công ty, từ người đứng đầu đến nhân viên cấp thấp đang được duy trì nhằm mục tiêu phải giữ người cho bằng được. "Nhờ cách này mà chúng tôi vẫn giữ trọn được đội ngũ. Sau đợt giãn cách lần trước, chúng tôi có thể vào việc ngay là vì còn có đủ người và hy vọng lần này cũng sẽ như vậy", lãnh đạo công ty cho biết.

 

Ảnh minh họa

Thấp thoáng những cơ hội

Trong khi đại đa số doanh nghiệp và người lao động trong ngành Dịch vụ du lịch gặp khó khăn trầm trọng, thì vẫn có một số doanh nghiệp và cá nhân tìm được cho mình những cơ hội mới để tạo nên sự khác biệt với “số đông”.

Chị Nguyễn Đình Hoàng Yến, một thành viên ban lãnh đạo Tập đoàn cung cấp giải pháp nhân sự Manpower Việt Nam, cho biết, nhân sự giỏi và nhân sự quản lý luôn là những người có ưu thế ngay cả khi thị trường lao động rơi vào trạng thái khó khăn. Tương tự, những doanh nghiệp có tiềm lực cũng sẽ được hưởng lợi trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp khác gặp khó khăn, khi họ có thể “chiêu mộ” được những nhân sự giỏi từ các đơn vị khác mà không vấp phải quá nhiều sự cạnh tranh từ các đối thủ kinh doanh như trước đây.

Được biết, trong thời gian ngành Du lịch đang phải “nghỉ dịch” dài ngày, đã có một tập đoàn du lịch hàng đầu của Việt Nam đưa ra lời “chào mời” nhân sự cấp trung - cao với mức lương lên tới 7.000 USD/tháng cùng nhiều chính sách đãi ngộ ưu việt. Cuối cùng, họ cũng đã tìm được người như ý, là một nhân sự có nhiều năm kinh nghiệm trong quản lý khách sạn hạng sang. Hiện doanh nghiệp này vẫn đang tiếp tục tìm kiếm thêm một số vị trí quản lý với mức lương hấp dẫn, với mục tiêu dựa vào lực lượng nhân sự hùng hậu, thiết lập một quy trình quản lý theo tiêu chuẩn “hạng sang” phù hợp với hệ thống khách sạn, khu resort 4-5 sao mà họ đang sở hữu ở nhiều nơi trên cả nước.

Ảnh minh họa

“Nếu như trước đây, chúng tôi phải tuyển nhân sự cấp trung - cao thông qua một số công ty “săn đầu người”, với chi phí rất cao, thường lên tới hàng ngàn hoặc chục ngàn UDS, tương ứng với 1-2 tháng lương của người lao động. Nhưng bây giờ thì mọi chuyện có vẻ dễ dàng hơn. Số lao động bị mất việc quá nhiều, trong đó có không ít nhân sự giỏi, nhân sự cấp trung - cao, trong khi không nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, thậm chí nhiều doanh nghiệp buộc phải “buông tay” với nhân sự cốt cán của mình do không có tiền trả lương, nên chúng tôi có cơ hội lựa chọn những nhân sự chất lượng, phù hợp nhất với nhu cầu và văn hóa doanh nghiệp của mình. Thậm chí là còn tuyển được người giỏi với mức lương rất “dễ chịu” so với trước đây”, đại diện nhà tuyển dụng công ty nói trên cho biết.

Công ty này có quyền tin tưởng rằng, sau khi dịch được khống chế, hoạt động du lịch trở lại bình thường, thì doanh nghiệp của họ sẽ có lợi thế cạnh tranh rất lớn so với phần lớn “đối thủ” đến từ nguồn nhân lực chất lượng. Trong khi đó, rất nhiều doanh nghiệp cùng ngành được dự báo sẽ rất khó khăn trong quá trình phục hồi vì thiếu nhân lực.

Có một thực tế là không nhiều doanh nghiệp đủ tiềm lực để duy trì và phát triển bộ máy nhân sự trong tình cảnh hiện nay. Vì thế mà cơ hội dành cho người lao động cũng không phải là quá lớn. Số đông người lao động đành phải chấp nhận khó khăn hiện thời để nuôi hy vọng “sau cơn mưa trời lại sáng”…

Việt Hùng