Nguồn gốc và ý nghĩa Tết Đoan Ngọ

09:57 14/06/2021

Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam, được dân gian gọi là bằng cái tên dân dã hơn là Tết diệt sâu bọ. Đây là một trong những ngày lễ truyền thống quan trọng của người Việt .

Hằng năm, cứ đến mồng 5 tháng 5 (âm lịch) người Việt lại tổ chức Tết Đoan Ngọ. Tết Đoan Ngọ còn gọi là Tết Đoan dương. Đoan Ngọ là bắt đầu giữa trưa (Đoan: mở đầu, Ngọ: giữa trưa) còn "dương" là mặt trời, là khí dương, Đoan dương có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh.

Không chỉ riêng ở Việt Nam hay Trung Quốc, ở nhiều nước châu Á cũng có Tết Đoan Ngọ. Vì vậy Tết Đoan Ngọ thực chất là một phong tục lễ Tết Á Đông gắn liền với quan niệm về sự tuần hoàn của thời tiết trong năm.

Tết Đoan Ngọ xuất phát từ điển tích trong dân gian. Điển tích này có nhiều dị bản khác nhau. Theo đó, một năm nông dân đang ăn mừng vì được mùa thì sâu bọ kéo đến, ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch.

Dân làng đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân. Ông chỉ cách cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng đơn giản gồm có bánh gio, trái cây.

Nhân dân làm theo, chỉ một lúc sau đó, sâu bọ bay đi. Lão ông còn bảo thêm: Sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn sẽ trị được chúng. Dân chúng biết ơn định cảm tạ nhưng ông lão đã đi đâu mất.

Để tưởng nhớ sự việc trên, dân chúng đặt cho ngày này là ngày 'Tết diệt sâu bọ', có người gọi là 'Tết Đoan Ngọ', vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.

Theo quan niệm cổ truyền, có thể diệt sâu bọ bằng cách ăn thức ăn, hoa quả, rượu nếp vào ngày 5/5. Cách trừ sâu bọ trong người như sau: mọi người sáng ngủ dậy không được đặt chân xuống đất phải súc miệng 3 lần cho sạch sâu bọ, tiếp đó ăn một quả trứng vịt luộc. Rồi bước chân ra khỏi giường ăn một bát rượu nếp cho sâu bọ say, tiếp đó ăn trái cây cho sâu bọ chết.

Diệt sâu bọ, đeo bùa ngũ sắc, mặc áo dấu, xâu lỗ tai cho bé gái, nhuộm móng tay móng chân, đổ bệnh cho cây, khảo cây, đi sêu… là những phong tục riêng của Tết Đoan Ngọ xưa, khiến nó được coi là 'Tết kì lạ nhất của người Việt' mà người Pháp cách đây gần 2 thế kỉ đã phải thốt lên như vậy.

Sách Đồng Khánh địa dư chí chép: "Tết Đoan Ngọ chuẩn bị đầy đủ rượu và hoa quả lễ tổ tiên từ sáng sớm. Mọi người đều uống rượu, ăn hoa quả, gọi là diệt sâu bọ. Hôm ấy, người ta hái các loại thuốc cất giữ để sử dụng, hái lá ngải tùy theo năm mà bó thành hình con vật tượng trưng của năm đó…".

 Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là Tết diệt sâu bọ, người Việt Nam ta thường làm mâm cơm để cúng tổ tiên và cầu mong một mùa làm ăn mới thuận hòa, may mắn.

Mỗi địa phương một nét văn hóa riêng độc đáo
Ở Việt Nam ta, ngày này mỗi nơi có các hoạt động văn hóa và món ăn đặc trưng. Người Mường vùng Mường Khương có món đặc sản bánh khúc truyền thống rất ngon. Nguyên liệu làm bánh là gạo nếp ngon, rau khúc (một chi của họ hoa Cúc), đậu xanh, hạt vừng (mè) rang. Gạo ngâm kỹ, xay nhuyễn cùng rau khúc rồi nhào thành bột, làm thành bánh có bỏ nhân đậu xanh trộn vừng rang. Bánh được hấp hoặc rán. Người miền Trung và miền Nam thì có món bánh ú lá tre hoặc bánh tro với nguyên liệu cũng là gạo nếp, đậu xanh và một vài thức khác. Trong mùng 5 tháng 5, nhiều nơi có tục làm mâm cỗ cúng gia tiên; treo lá ngải cứu trước cửa nhà; làm túi ngũ sắc đeo cho trẻ em; lên rừng hái thuốc; khảo cây lấy quả (một người trèo lên cây, một người ở dưới dùng sống dao gõ vào thân cây hỏi lý do ít quả và đe dọa chặt cây nếu cây không sai quả, người trên cây sẽ hứa cho quả sai); hoặc có nơi làm thịt vịt, thịt ngan để mang về bên nhà mẹ, nhà vợ…

Người miền Bắc thường diệt sâu bọ ngay khi thức dậy vào sáng sớm và diệt sâu bọ bằng thức ăn, nhất là bằng rượu nếp, bánh tro và hoa quả… Với trẻ em: sáng sớm ngủ dậy khi trẻ còn ở trên giường cho trẻ ăn hoa quả, ít rượu nếp, trứng luộc, bôi hồng hoàng vào thóp đầu, vào ngực, vào rốn để diệt sâu bọ. Sau đó mới đi rửa mặt mũi, chân tay, đánh răng rửa mặt. Với người lớn: sáng ngủ dậy không được đặt chân xuống đất mà phải súc miệng 3 lần cho sạch sâu bọ, tiếp đó ăn một quả trứng vịt luộc. Sau đó bước chân ra khỏi giường uống một ít rượu (hoặc ăn một bát rượu nếp) cho sâu bọ say, tiếp đó ăn trái cây cho sâu bọ chết. Ngày nay, dù cuộc sống hiện đại phát triển, người Việt ta vẫn ăn Tết mùng 5 tháng 5, tuy một số phong tục đã mai một dần nhưng đây vẫn là một ngày tết được người Việt coi trọng với phong tục văn hóa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Phạm.Giang