Nghịch lý ngành cơ khí: Doanh nghiệp liên tục tăng, năng suất lại thấp

00:00 12/10/2020

Mặc dù số lượng doanh nghiệp cơ khí đã tăng mạnh từ 10.000 doanh nghiệp năm 2010 lên 21.000 doanh nghiệp năm 2016, nhưng năng lực sản xuất sản phẩm cơ khí còn thấp.

Thông tin trên được chia sẻ tại Hội thảo chuyên đề: “Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 5/9.

Số doanh nghiệp cơ khí tăng mạnh

Chia sẻ về tầm quan trọng của ngành cơ khí Việt Nam, ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Nó có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển nhanh, bền vững, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh việc tiếp thu, chuyển giao công nghệ và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp cơ khí trong nước. Đồng thời, đảm bảo khả năng tham gia sâu, có hiệu quả của nền kinh tế vào mạng sản xuất và phân phối toàn cầu, góp phần giúp nền kinh tế tăng trưởng bền vững, dài hạn.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, trong những năm qua, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách phát triển ngành công nghiệp cơ khí. Mặc dù các chính sách về ưu đãi và hỗ trợ đối với ngành cơ khí trọng điểm mới được áp dụng trong khoảng thời gian ngắn và còn nhiều hạn chế nhưng ngành cơ khí trong nước đã đạt được những thành tựu đáng kể.

Số lượng doanh nghiệp cơ khí đã tăng mạnh từ 10.000 doanh nghiệp năm 2010 lên 21.000 doanh nghiệp năm 2016. Ảnh minh họa

Theo đó, số lượng doanh nghiệp cơ khí đã tăng mạnh từ 10.000 doanh nghiệp năm 2010 lên 21.000 doanh nghiệp năm 2016. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cơ khí đạt trên 16 tỷ USD. Nhiều sản phẩm trước đây phải nhập khẩu đến nay từng bước đã được thay thế; dây chuyền sản xuất trong các nhà máy đã được đồng bộ, các doanh nghiệp đã làm chủ được một số công nghệ, tỷ lệ nội địa hóa dần được nâng cao, góp phần vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Không những thế, đến nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; đóng tàu; máy công cụ và máy nông nghiệp... Đặc biệt, các sản phẩm này đã đáp ứng một phần nhu cầu trong nước và đã xuất khẩu sang một số quốc gia trên thế giới.

Một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và chuỗi cung ứng toàn cầu của các Tập đoàn đa quốc gia.

Năng lực sản xuất sản phẩm cơ khí còn thấp

Mặc dù những năm qua ngành cơ khí đã có những chuyển mình khá tích cực, nhưng trên thực tế vẫn còn rất nhiều hạn chế. Đặc biệt, năng lực sản xuất sản phẩm cơ khí còn thấp, số lượng doanh nghiệp còn quá ít so với tổng số doanh nghiệp cả nước, nhập siêu các sản phẩm cơ khí còn lớn, chưa chủ động được về nguyên vật liệu, vẫn phải phụ thuộc lớn vào nhập khẩu, liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành còn kém, khả năng hấp thụ công nghệ các doanh nghiệp trong nước còn yếu.

Trước thực tế đó, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp cần quyết liệt, kịp thời hành động để vượt qua thách thức, phát huy mọi lợi thế tận dụng cơ hội để phát triển, tạo dựng môi trường thể chế, chính sách pháp luật thuận lợi cho doanh nghiệp cơ khí, từ đó thúc đẩy phát triển ngành cơ khí nước ta.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, để phát triển ngành cơ khí, trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan nghiên cứu trình Chính phủ ban hành những chính sách mới và đưa ra những giải pháp để giải quyết những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp cũng như hạn chế của chính sách hiện hành.

"Trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0, những nhân tố mới xuất hiện đặt ra những yêu cầu mới đối với việc phát triển ngành công nghiệp cơ khí, cần những giải pháp, chính sách mới để đảm bảo cho sự cạnh tranh của ngành và sự tồn tại của các doanh nghiệp cơ khí trong nước" Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Yến Nhi