Nghị định mới về kinh doanh gas: Lúng túng đến phút chót

00:00 12/10/2020

Chính thức có hiệu lực từ 1/8/2018, nhưng Nghị định về kinh doanh khí đưa ra rất nhiều hạng mục về điều kiện cấp phép kinh doanh khí, đặc biệt các điều kiện về an toàn cháy nổ khiến các Sở Công Thương và doanh nghiệp không biết áp dụng quy định nào.

Ảnh minh họa

Đây là băn khoăn của đại diện nhiều Sở Công Thương và các doanh nghiệp đưa ra tại Hội nghị phổ biến Nghị định 87/2018 về kinh doanh khí do Bộ Công Thương tổ chức ngày 31/7.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Long, đại diện Sở Công Thương Hải Phòng cho biết, theo Nghị định 87, để cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí, doanh nghiệp (DN) phải có tài liệu chứng minh đáp ứng các điều kiện về phòng cháy chữa cháy (PCCC). Ngoài ra, Luật PCCC còn quy định, cần có lực lượng PCCC cơ sở, có hệ thống giao thông, cấp nước phục vụ chữa cháy. Như vậy, nếu chiếu theo quy định này, Sở Công Thương không biết phải dựa theo quy định nào để làm thủ tục cấp phép và điều này gây khó cho DN

Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cũng bày tỏ sự băn khoăn về việc đơn giản nhiều thủ tục thực chất lại dẫn đến việc sau khi cấp phép nếu phát hiện sai phạm, cháy nổ thì quy trách nhiệm rất khó. “Chúng tôi hoan nghênh việc rút ngắn thủ tục hành chính nhưng khi có cháy nổ, nếu cơ quan điều tra phát hiện cơ sở không đủ an toàn nhưng vẫn được cấp phép. Họ sẽ quay lại truy Sở và chúng tôi biết phải trả lời thế nào?”- Đại diện Sở Công Thương Hà Nội băn khoăn.

Ông Nguyễn Anh Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương), đơn vị chủ trì soạn thảo Nghị định cho hay, trường hợp doanh nghiệp có đầy đủ hồ sơ nhưng kiểm tra thực tế không đảm bảo điều kiện thì sẽ không được cấp phép. Quan điểm khi xây dựng Nghị định 87 là đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh và chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Khi hậu kiểm, nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng theo trong hồ sơ thì sẽ có chế tài xử phạt theo quy định như rút giấy phép, xử phạt hành chính.

Đại diện một DN gá lớn ở phía Bắc cho rằng, Nghị định 87 mới ban hành có các quy định yêu cầu cơ sở sản xuất, chiết nạp, phân phối, bán lẻ gas phải thực hiện sổ theo dõi ghi chép, loại bình, số seri, hạn kiểm định, tên khách hàng, địa chỉ, ngày giao nhận...

Với các DN có lượng bình lưu thông lớn, sẽ đòi hỏi nguồn lực lớn của doanh nghiệp. Với khoảng 15.000 cửa hàng bán gas hiện nay, nếu thực hiện theo quy định sẽ cần tuyển thêm ít nhất 1 đến 2 người gây lãng phí của cải cho DN và không khả thi khi thực hiện.

Phạm Tuyên