Nghệ An: Xây dựng cơ chế thu hút các doanh nghiệp đầu tàu về chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực

13:47 10/08/2021

Đó là một trong những nội dung mà các đại biểu nêu lên tại cuộc họp UBND tỉnh Nghệ An tổ chức để nghe và cho ý kiến vào Dự thảo Đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh này…

  Sáng nay (10/8), UBND tỉnh Nghệ An tổ chức họp để nghe và cho ý kiến vào dự thảo Đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030

Theo đó, vào sáng nay (10/8), UBND tỉnh Nghệ An tổ chức họp để nghe và cho ý kiến Dự thảo Đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Tại cuộc họp này, dựa trên các cơ sở đánh giá tiêu chí lựa chọn sản phẩm nông nghiệp chủ lực, qua phân tích thực trạng các sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2015-2020 và các tiềm năng, dự báo phát triển trong thời gian tới, Sở NN&PTNT Nghệ An đã đề xuất danh mục các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, bao gồm 7 nhóm sản phẩm như sau: Gạo; cây nguyên liệu phục vụ chế biến (Mía, Chè); Sản phẩm trái cây (Cam, Bưởi, Dứa); Thịt các loại (thịt lợn, thịt gia cầm); Sữa tươi; Gỗ và sản phẩm từ gỗ; Tôm, cá. 

  Ông Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An trình bày dự thảo Đề án tại cuộc họp

Dự thảo Đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 đặt ra mục tiêu: Thứ nhất, đến năm 2025, diện tích gieo trồng lúa 170.000 ha, năng suất 56,2 tạ/ha, sản lượng khoảng 955.000 tấn. Đến năm 2030, diện tích trồng lúa giảm còn khoảng 163.500 ha, sản lượng đạt 932.000 tấn. Thứ hai, đến năm 2025, diện tích cây cam đạt 6.100 ha, sản lượng đạt 79.957 tấn và năm 2030 diện tích đạt 8.645 ha, sản lượng đạt 122.965 tấn. Thứ ba, đến năm 2025, diện tích cây bưởi đạt 2.100 ha, sản lượng đạt 22.357 tấn, đến năm 2030 diện tích đạt 3.800 ha, sản lượng đạt 41.177 tấn. Thứ tư, diện tích cây chè công nghiệp đến năm 2025 đạt 10.500 ha. Tập trung ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để đạt năng suất 130 tạ/ha, sản lượng đạt 120.000 - 155.000 tấn búp tươi. Tăng diện tích chè sản xuất an toàn, hữu cơ. Đến năm 2030, diện tích trồng chè đạt 12.000 ha, sản lượng đạt khoảng 155.000 -160.000 tấn búp tươi. Thứ năm, diện tích mía nguyên liệu toàn tỉnh đến năm 2025 đạt 26.700 ha, năng suất 750 tạ/ha, cho sản lượng 2 triệu tấn. Đến năm 2030, diện tích mía nguyên liệu toàn tỉnh đạt 25.700 ha, năng suất 850 tạ/ha, cho sản lượng 2,2 triệu tấn... 

  Tại cuộc họp, góp ý kiến vào dự thảo Đề án, ông Nguyễn Quang Tùng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đề xuất đưa thêm tiêu chí được công nhận VietGap trong xác định sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Góp ý kiến vào Đề án trên, các đại biểu dự họp đề xuất tỉnh cần có các chính sách hỗ trợ, ưu tiên đối với các sản phẩm chủ lực. Cần tập trung vùng chuyên canh trồng từng loại sản phẩm theo hướng chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm cho các loại quả đặc trưng theo từng vùng, miền... Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thị trường xuất khẩu hàng hóa. Ban hành các cơ chế khuyến khích xây dựng các Hợp tác xã liên kết với các doanh nghiệp cung ứng đầu vào, đầu ra của sản phẩm nông nghiệp. Xây dựng cơ chế thu hút các doanh nghiệp đầu tàu về chế biến sâu các sản phẩm chủ lực... 

  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu phát biểu kết luận cuộc họp

Kết luận cuộc họp, ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Sở NN&PTNT xem xét lại tên gọi theo đúng tên mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo và thống nhất với 7 nhóm sản phẩm chủ lực như dự thảo Đề án đã xây dựng.

Văn Cương – Hoàng Lan