Ngành hàng không toàn cầu thay đổi hoàn toàn vì dịch Covid-19

00:00 12/10/2020

Tăng giá vé, giảm chuyến bay, kiểm tra sức khỏe hành khách và ít phục vụ thức ăn hơn... Dịch Covid-19 đang thay đổi những thói quen đã tồn tại hàng thập kỷ của ngành hàng không.

Theo Bloomberg, ngành hàng không thế giới đang có sự dịch chuyển lớn khi các hãng bay đánh giá lại hoạt động sau tác động của cuộc khủng hoảng Covid-19. Sân bay trống rỗng, nhân viên sân bay và khách du lịch đeo khẩu trang cho thấy những thay đổi lớn của ngành.

Thế giới được đang thiết lập lại và dịch Covid-19 tác động đến gần như mọi khía cạnh của ngành hàng không toàn cầu. "Chúng ta nên chuẩn bị cho sự phục hồi ì ạch và bấp bênh, ngay cả sau khi dịch bệnh được kiểm soát", Ed Bastian, CEO Delta Air Lines dự đoán. "Thời gian phục hồi có thể kéo dài tới 2-3 năm".

Từ đầu năm đến nay, các hãng hàng không cắt giảm hơn 70% công suất. Khảo sát của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho thấy 40% du khách sẽ tạm dừng sử dụng dịch vụ hàng không ít nhất 6 tháng sau sau khi virus được kiểm soát.

Nganh hang khong toan cau thay doi hoan toan vi dich Covid-19 hinh anh 1 avitation_3.jpg

Nhân viên quầy vé được bảo vệ bằng bạt nhựa tại sân bay Schiphol (Amsterdam, Hà Lan) ngày 27/3. Ảnh: AFP/Getty Images.

Thay đổi khoang máy bay

EasyJet là một trong số những hãng quyết định bỏ trống hàng ghế giữa để đảm bảo khoảng cách an toàn cho hành khách. Tại Korean Air Lines, các thành viên phi hành đoàn được trang bị kính bảo hộ, khẩu trang, găng tay và áo choàng bảo vệ.

Cấu hình máy bay có thể sẽ thay đổi để các hãng hàng không kiếm thêm doanh thu từ khách hàng. Trả lời Bloomberg, Volodymyr Bilotkach - giảng viên về quản lý vận tải hàng không tại Viện Công nghệ Singapore - cho biết một số hãng đã nâng cấp các khoang cao cấp của máy bay, dẫn đến sự khác biệt rõ rệt giữa ghế ngồi khoang VIP và ghế ngồi hạng phổ thông.

Tại châu Á, một trong những thành trì cuối cùng của giá vé trọn gói, các hãng hàng không cũng có thể tính phí hành khách hạng phổ thông một cách riêng biệt cho những thứ như hành lý ký gửi, chỗ để chân và bữa ăn.

Theo IATA, các hãng hàng không đạt lợi nhuận trung bình 3 USD/hành khách. Ở châu Âu và Mỹ, nơi chi phí phụ trợ cao hơn, lợi nhuận lần lượt là 5 USD và 17 USD.

Nganh hang khong toan cau thay doi hoan toan vi dich Covid-19 hinh anh 2 avitation_6.jpg

Các chuyến bay sẽ ít người hơn nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách. Ảnh: Getty Images.

Các chuyến bay giá rẻ là cách cạnh tranh mới khi nhu cầu bay giảm. Ông Alexandre de Juniac, CEO IATA, cho biết việc bỏ trống hàng ghế giữa trong các chuyến bay sẽ là thách thức bởi nó làm giảm sức chứa tối đa và lợi nhuận mỗi chuyến bay.

Trong lịch sử hàng thập kỷ, ngành hàng không đã vượt qua nhiều thử thách lớn, nhưng chưa bao giờ phải đối mặt với khó khăn như hiện tại. Gần 2/3 trong số 26.000 máy bay chở khách đang "đắp chiếu" và khoảng 25 triệu người có nguy cơ mất việc làm.

IATA cảnh báo các công ty hàng không có thể mất 314 tỷ USD doanh thu trong năm nay và một nửa trong số đó đối mặt với nguy cơ phá sản trong hai đến ba tháng nếu không có sự trợ giúp từ chính phủ.

Kiểm tra hành khách

Trong bối cảnh nhiều quốc gia thực hiện lệnh phong tỏa nghiêm ngặt để chống dịch, hành khách có thể khó di chuyển vì quy định nhập cảnh liên quan tới sức khỏe.

Công ty tư vấn BCG cho biết khách du lịch được yêu cầu phải kiểm tra thân nhiệt hoặc xuất trình giấy chứng nhận sức khỏe để bay. Điều đó làm tiêu tốn thời gian và phức tạp hóa lịch trình bay.

Chính phủ các nước buộc phải hỗ trợ ngành hàng không trước khi mọi thứ tệ hơn. Bộ Tài chính Mỹ tuần trước đã giải ngân gói hỗ trợ đầu tiên cho các hãng bay đang gặp khó khăn. Trước đó, hãng hàng không Virgin Australia tuyên bố phá sản sau 8 lần cầu cứu chính phủ.

Nganh hang khong toan cau thay doi hoan toan vi dich Covid-19 hinh anh 3 avitation_2.jpg

Sau đại dịch, vấn đề vệ sinh và an toàn sức khỏe sân bay sẽ được chú trọng hơn. Ảnh: Bloomberg.

Chuyên gia Bilotkach tại Viện Công nghệ Singapore dự đoán tương lai của ngành: "Nhiều hãng sẽ thất bại, đồng thời cạnh tranh trong ngành sẽ ít khắc nghiệt hơn". Các hãng hàng không giá rẻ có thể tồn tại cùng với các hãng hàng không khác, nhưng phần lớn sẽ thuộc sở hữu nhà nước hoặc vay nợ chính phủ.

Các hãng sẽ cắt giảm những tuyến có doanh thu cận mức hòa vốn, và giá vé có thể tăng. Chuyên gia Bilotkach cho biết giá sẽ đứng lại ở mức trước đại dịch hoặc cao hơn. "Thời gian hồi phục có thể sẽ mất từ 2-3 năm. Tất nhiên sẽ có ít lựa chọn các chuyến bay hơn hiện tại".

Di chuyển thiết yếu

Dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhu cầu họp và làm việc từ xa. Ngành hàng không cũng phải đánh giá lại nhu cầu bay toàn cầu. Sau đại dịch, vấn đề mà mọi người chắc chắn sẽ cân nhắc kĩ lưỡng hơn sẽ là thời điểm nào, địa điểm nào là "thiết yếu" để bay.

Chuyên gia Celine Fornaro, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu công nghiệp châu Âu của UBS, dự đoán sẽ có sự thay đổi trong nhu cầu di chuyển từ đường hàng không sang đường sắt tốc độ cao ở châu Âu và Trung Quốc.

Mặt khác, một số tuyến bay ngắn và giá rẻ có khả năng biến mất. Theo báo cáo của UBS, các chuyến bay dưới 500 km chiếm hơn 20% thị trường châu Âu trong năm ngoái.

Nganh hang khong toan cau thay doi hoan toan vi dich Covid-19 hinh anh 4 avitation_1.jpg

Hành khách tại sân bay quốc tế Tocuman ở thành phố Panama. Ảnh: Bloomberg.

Nếu xu hướng chuyển đổi này tiếp tục nhân rộng ở các khu vực khác như châu Á, sự mở rộng mạnh mẽ của ngành hàng không trong nhiều thập kỷ qua có thể sẽ chững lại. Trước đó, các tổ chức môi trường cũng khuyến khích người tiêu dùng sử dụng những phương tiện phát khí thải ít hơn để bảo vệ môi trường.

Cùng với nhu cầu hành khách giảm, các hãng hành không sẽ ưu tiên những loại máy bay nhỏ và dễ quản lý hơn như Boeing Dreamliner và Airbus SE's A330 thay vì máy bay cỡ lớn như A380.

BCG cũng dự đoán với nguy cơ các hãng bay nhỏ lần lượt bỏ cuộc, một số liên minh hàng không mới có thể sẽ hình thành giữa các hãng bay quốc gia.

Hồng Ngọc