Ngành Du lịch Việt nhìn từ Thượng đỉnh Mỹ - Triều

00:00 12/10/2020

Hà Nội, Quảng Ninh sẽ có 48h đồng hồ xuất hiện với tần suất cao khắp toàn cầu trong thời gian diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều. Cơ hội này sẽ được ngành Du lịch tận dụng như thế nào?

Năm 2016, Tổng thống Obama đến thăm Việt Nam, dấu hiệu “kinh tế” đáng nhớ nhất có lẽ là combo “một bát bún chả với hai chai bia Hà Nội”...

Một ngày trước  khi D. Trump và Kim Jong-un gặp nhau lần đầu tiên tại Singapore (12/6/2018), riêng tại Mỹ có hơn 2 triệu lượt tìm kiếm cụm từ “Singapore ở đâu?”; mấy ngày ít ỏi diễn ra hội nghị có 2,36 tỉ lượt xem với 8.000 bài viết có title đề cập tới Singapore.

Hãy xem kết quả: Lượng du khách đến Singapore sau sự kiện này tăng phần lớn ở tất cả 15 thị trường hàng đầu của quốc đảo, với mức tăng lớn nhất đến từ Mỹ (14%), Anh (13%), Ấn Độ (13%) và Việt Nam (11%).

Tổng số lượt khách đến Singapore tăng 6,2% lên 18,5 triệu, trong khi doanh thu từ du lịch tăng 1% lên 27,1 tỉ USD, theo ước tính sơ bộ do Tổng cục Du lịch Singapore (STB) công bố mới đây. Lần này Việt Nam có làm được điều tương tự?

Cách người Singapore tận dụng sự kiện lớn

Năm 2017, bộ phim “bom tấn” Hollywood, Kong Skull Island đã thực hiện 70% thời lượng tại Quảng Ninh, Ninh Bình và Quảng Bình.

Sự kiện gây chú ý không chỉ bởi đây là lần đầu tiên Việt Nam đón một đoàn làm phim của Hollywood đến và thực hiện trọn vẹn một phần trong siêu phẩm điện ảnh đã thu về hàng tỷ đô la từ phòng vé.

Mà còn là một bài toán kinh tế. Tận dụng Kong như thế nào để ngành du lịch được bơm thêm động lực, tạo ra sự nhảy vọt?

Nhà chức trách sau đó đá nảy ra ý tưởng dựng tượng Kong khổ lớn ở Hà Nội… để quảng bá. Một bức tượng về “nhân vật chính” đặt ở thành phố lớn liệu có thể nói gì đó về Việt Nam hay chỉ là PR cho bộ phim?

Cho đến nay, tận dụng từ bộ phim này như thế nào vẫn chưa có con số nào cụ thể chứng minh.

“Chúng ta có thể giảm các loại thuế, phí cho đoàn phim, nhưng bù lại thỏa thuận với họ về việc sản xuất riêng cho Việt Nam những clip quảng cáo du lịch ngắn về nơi họ quay, với sự tham gia của dàn diễn viên nổi tiếng trong phim…” đây là kinh nghiệm rút ra sau này của Hiệp hội du lịch Quảng Bình.

Những chiếc áo phông in hình Trump và Kim đã bày bán tại Hà Nội

Năm ngoái, cũng tại Singapore, một đoàn làm phim của Hollywood đã thực hiện bộ phim nổi tiếng “Crazy Rich Asian”. Khi bộ phim ra rạp, sự quan tâm tìm kiếm về Singapore tăng lên 3 lần tại Mỹ.

Bài học ở đảo quốc Sư tử cho thấy truyền thông có vai trò vô cùng quan trọng, nó vẽ ra bức tranh và quyết định hướng chúng ta tiếp cận vấn đề.

Với sự kiện văn hóa lớn như bộ phim Kong, truyền thông trong nước khi ấy đâu có quan tâm gì đến cơ hội du lịch, quảng bá này nọ kia, cái mà hầu hết cảm thấy hứng thú chỉ là đạo diễn Jordan Vogt-Roberts mua nhà ở TP.HCM, Nha Trang hay Hà Nội, những câu hỏi khiến đạo diễn Kong thích thú nhất...

Trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan mỗi năm có đến 500 bộ phim của Hollywood được quay tại đây, trong đó không hiếm những siêu phẩm như Kong, nhưng với họ như vậy vẫn còn ít. Có thể hiểu một phần vì sao Thái Lan là cường quốc du lịch.

Năm 2016, Tổng thống Obama đến thăm Việt Nam, dấu hiệu “kinh tế” đáng nhớ nhất có lẽ là combo “một bát bún chả với hai chai bia Hà Nội”. Giả sử ông Obama chọn cơm tấm hoặc bún bò thì bún chả và bia có cơ hội lên ngôi hay không?

Câu chuyện ở đây là sự chủ động tận dụng cơ hội. Trước thềm thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore, một nhà hàng đã sản xuất một loại bánh và đặt tên nó là “El Trumpo”; một nhà hàng khác hướng vào ông Kim khi chế ra món ăn gồm có gà rán, bắp cải đỏ và tương ớt Hàn Quốc, đặt tên nó là “Người tên lửa”.

Một quán rượu ở khu vực trung tâm Singapore ra mắt hai loại cocktail có tên “Trump” được pha bằng rượu whiskey bourbon của Mỹ và “Kim” dùng rượu soju của Hàn Quốc. Đưa ra mức giá 12,6 SGD cho món cocktail này để đánh dấu ngày 12/6/2018, thời điểm diễn ra hội nghị Mỹ - Triều.

Những cử động dường như rất nhỏ, nhưng đầy tinh tế và có sức hút, người Singapore cũng không cần hô hào quảng bá, nhưng họ ý thức được đây là sự kiện hiếm có.

Với du lịch Việt Nam khái niệm “quảng bá” không có gì mới mẻ, có vẻ chúng ta đã làm tốt điều này. Hà Nội chi 2 triệu USD để xuất hiện trên kênh CNN của Mỹ; ngay tới một tỉnh nghèo như Ninh Bình, để quảng bá cho di sản Tràng An tại Châu Âu cũng dám chi 350.000 USD cho 30 giây trên CNN; bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” được ngành Du lịch hậu thuẫn…

Vấn đề còn lại làm sao để tận dụng các sự kiện cụ thể, để không còn bối rối như Kong Skull Island, nghèo nàn như bún chả và bia…

Hà Nội, Quảng Ninh sẽ có 48h đồng hồ xuất hiện với tần suất cao khắp toàn cầu trong thời gian diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều. Hy vọng rằng, không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu “mến khách”, “thân thiện”…