Ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu trên 40 tỷ USD năm 2019

00:00 12/10/2020

Với đà tăng trưởng tích cực của năm 2018, ngành dệt may (DM) Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu năm 2019 kim ngạch xuất khẩu (XK) đạt trên 40 tỷ USD, tăng khoảng 14% – 15% so với năm 2018 và là mục tiêu có khả năng thực hiện được.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) DM Việt Nam cần chủ động ứng phó linh hoạt, tránh những tác động bất lợi, trong bối cảnh gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ trên thế giới… Đây là chia sẻ của ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) với phóng viên TBTCVN.

Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS)

* PV: Thưa ông, xin ông cho biết đôi nét về tình hình sản xuất, kinh doanh của ngành DM từ đầu năm đến nay?

Ông Trương Văn CẩmTình hình sản xuất, kinh doanh của  từ đầu năm đến nay diễn ra khá thuận lợi. Tính đến hết tháng 9/2018, kim ngạch XK hàng DM 9 tháng ước đạt 26,87 tỷ USD, tăng 16,57% (so với cùng kỳ năm 2017). Trong đó, một số mặt hàng có kim ngạch XK cao như hàng may mặc, vải, các mặt hàng xơ sợi, vải không dệt và nguyên phụ liệu. Tổng kim ngạch nhập khẩu (NK) đạt 16,36 tỷ USD, tăng 16,5%. Giá trị tăng thêm của sản phẩm XK đạt tỷ lệ 49,1%.

Các DN DM đã chủ động tìm kiếm thị trường, khách hàng, đảm bảo có đủ đơn hàng sản xuất thường xuyên. Bên cạnh đó, các DN cũng tăng cường đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, mặc dù các hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) chưa có hiệu lực, song cũng có tác động tích cực tạo sự phấn khởi cho các DN trong ngành đẩy mạnh sản xuất…

* PV: Bên cạnh những thành tích, hiện nay ngành DM Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức chủ yếu nào, thưa ông?

- Ông Trương Văn Cẩm: Thách thức lớn nhất mà các DN DM phải đối mặt là chúng ta chưa chủ động được nguồn nguyên, phụ liệu, mà chủ yếu phải NK. Trong khi đó, các FTA thế hệ mới có yêu cầu rất cao về quy tắc xuất xứ; chẳng hạn như:  EVFTA có yêu cầu xuất xứ từ vải và CPTPP yêu cầu xuất xứ từ sợi. 

Bên cạnh đó, ngành DM cũng đang yếu nhất ở khâu sản xuất vải và nhuộm hoàn tất. Khâu may tuy là thế mạnh, song chủ yếu vẫn là làm gia công. Cùng với đó, tỷ lệ XK bằng sản phẩm tự thiết kế hoặc bằng thương hiệu của DN Việt còn thấp. Năng suất lao động của ngành DM thời gian qua tuy đã được cải thiện, nhưng vẫn thua kém nhiều nước trong khu vực như: Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia…

* PV: Vậy mục tiêu về XK, ngành DM ra cho năm 2019 ra sao thưa ông?

- Ông Trương Văn Cẩm: Với đà tăng trưởng của năm 2018 và dự báo EVFTA và CPTPP sẽ có hiệu lực trong năm 2019, ngành DM Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu năm 2019 kim ngạch XK đạt trên 40 tỷ USD, tăng khoảng 14% – 15% so với năm 2018. Theo đánh giá của VITAS, với nỗ lực của toàn ngành như hiện nay thì mục tiêu trên có thể thực hiện được.

Để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đã đặt ra, VITAS khuyến nghị các DN, ngoài việc tập trung khai thác tốt các thị trường hiện có cần quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu các quy định liên quan đến DM tại EVFTA và CPTPP như quy tắc xuất xứ, phòng vệ thương mại, vấn đề về lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ… để có thể khai thác hiệu quả khi hai hiệp định này có hiệu lực. Bởi, những nước thành viên của hai hiệp định này là các thị trường lớn tiềm năng và có mức thuế suất sẽ giảm dần về 0%. 

Bên cạnh đó, các DN cũng cần tìm hiểu thị hiếu, văn hóa, tập quán tiêu dùng của người dân tại các thị trường này. Đồng thời, các DN cũng cần tăng cường sự liên kết, hợp tác (cả DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài), để hình thành chuỗi liên kết có khả năng cung ứng cho thị trường nội địa và XK…

* PV: Hiện nay, chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc vẫn đang diễn biến căng thẳng và chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Cuộc chiến này có tác động như thế nào đến ngành DM Việt Nam, thưa ông?

- Ông Trương Văn Cẩm: Đối với ngành DM - có trên 40% kim ngạch XK sang Mỹ và NK gần 10 tỷ USD nguyên phụ liệu dệt may từ Trung Quốc, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ đem đến cả tác động tích cực và rủi ro đan xen.

Mặt tích cực có thể kể đến nếu Mỹ tiến tới áp thuế cao lên cả hàng DM của Trung Quốc, thì Việt Nam có cơ hội nâng cao thị phần XK DM tại Mỹ. Khách hàng sẽ chuyển sang đặt hàng tại Việt Nam nhiều hơn vì có giá rẻ hơn. Bên cạnh đó, các DN DM Trung Quốc sẽ chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam để XK từ Việt Nam và đây cũng là cơ hội để ngành DM giải quyết “điểm nghẽn” tại khâu dệt, nhuộm cũng như đáp ứng yêu cầu của quy tắc xuất xứ được quy định trong EVFTA, CPTPP.

Tuy nhiên, cuộc chiến tranh này cũng có thể mang đến những rủi ro đối với hàng DM Việt Nam về nguồn gốc nguyên phụ liệu khi Mỹ áp thuế cao đối với hàng DM Trung Quốc, do Mỹ không bị ràng buộc bởi CPTPP. Bên cạnh đó, nếu không kiểm soát tốt, thiết bị, công nghệ lạc hậu đang sản xuất tại Trung Quốc sẽ di chuyển sang Việt Nam và chúng ta sẽ phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường và trở thành “bãi rác” công nghệ.

Ngoài ra, các DN Trung Quốc có thể cũng tìm cách chuyển sản phẩm, bán thành phẩm sang Việt Nam để hoàn tất, XK. Đây chính là nguy cơ hàng DM Việt Nam sẽ bị Mỹ áp thuế cao, nếu hàng DM Việt Nam XK vào Mỹ tăng đột biến.

Trước những tác động tích cực và rủi ro đan xen như trên, VITAS khuyến nghị các DN trong ngành cần tỉnh táo, theo dõi sát diễn biến tình hình để ứng phó với những thách thức của cuộc chiến thương mại khó lường này, tận dụng cơ hội nhưng tránh vì lợi ích trước mắt của bản thân DN mà ảnh hưởng đến toàn ngành…

* PV: Xin cảm ơn ông!

Diệu Thiện (thực hiện)