Ngành công nghiệp du lịch lao đao trước bờ vực

00:00 12/10/2020

Vừa mới kịp“hồi sức” sau làn sóng Covid – 19 lần một thì sự trở lại của dịch Covid-19 tại Đà Nẵng khiến ngành công nghiệp du lịch lao đao thêm một lần nữa. Viễn cảnh phá sản từng là cơn ác mộng nay lại hiện hữu đối với các doanh nghiệp nói chung, ngành công nghiệp du lịch Việt Nam nói riêng.

 Các doanh nghiệp ngành du lịch cũng đang chịu ảnh hưởng trực tiếp và rõ nét nhất

Các doanh nghiệp ngành du lịch cũng đang chịu ảnh hưởng trực tiếp và rõ nét nhất

Mặc dù đợt dịch lần hai bùng phát, doanh nghiệp du lịch ứng phó bình tĩnh hơn nhưng theo thống kê của Tổng cục Du lịch đến hết tháng 8/2020, nhiều công ty du lịch lữ hành bị hủy tour nên tỷ lệ hủy phòng các khách sạn lên đến 98-100% ở hầu hết địa phương, trong đó Hà Nội hủy 32.000 tour, TP.HCM hủy 35.000 tour.

Trong khi đó, trên thị trường hiện cũng đã xuất hiện tình trạng nhiều chủ dự án du lịch, khách sạn phải rao bán vì quá khó khăn bởi ngành khách sạn du lịch có một đặc thù là phải chịu chi phí cố định rất lớn. Dù không có khách viếng thăm, các chủ đầu tư hằng tháng vẫn phải trả các khoản chi phí đã được lên lịch trước đó như khấu hao công trình, máy móc, thiết bị, tiền thuê đất, phí internet, chi phí duy tu bảo dưỡng và đặc biệt là lãi vay. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, trong bối cảnh thị trường suy giảm sâu và kéo dài như thế này thì những nơi có ý định gắn bó lâu dài với du lịch hoặc nơi có cơ cấu vay vốn cao sẽ cực kỳ khó khăn. Dịch sẽ thổi bay các doanh nghiệp có cơ cấu vốn vay cao cũng như sẽ tạo nên một cuộc sàng lọc khủng khiếp trên thị trường du lịch. Đã có hàng loạt khách sạn báo lỗ trong nửa đầu năm. Đơn cử như khách sạn 5 sao Sheraton Đà Nẵng lỗ gần 149 tỉ đồng, chuỗi khách sạn TTC Hospitality lỗ 6,5 tỉ đồng trong quý II hay tại Quảng Ninh, do lượng khách nghỉ dưỡng và các trò chơi có thưởng giảm mạnh vì dịch bệnh khiến chủ Casino Royal Halong Hotel ghi nhận khoản lỗ 54 tỉ đồng trong nửa đầu năm nay.

Số liệu về việc 90 - 95% số doanh nghiệp lữ hành ở TPHCM đã phải tạm dừng hoạt động sau đợt bùng phát dịch thứ hai cũng như hàng loạt nhà hàng, khách sạn, doanh nghiệp lữ hành ở các địa phương khác phải tạm dừng, thậm chí phải đóng cửa hoàn toàn sau 7 tháng suy giảm khách cho thấy ngành du lịch đang rơi vào vực thẳm, Và trong tương lai, khi dịch bệnh qua đi, rất có thể doanh nghiệp du lịch sẽ đối mặt với khủng hoảng nguồn nhân lực khi chi phí tuyển dụng và đào tạo cao khiến việc quay lại thị trường càng khó khăn hơn.

Ông Nguyễn Trùng Khánh- Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, đang trên đà hồi phục với tín hiệu khá lạc quan sau ba tháng “đóng băng” vì dịch bệnh Covid-19, ngành du lịch lại gặp vô vàn khó khăn khi đợt dịch lần hai bùng phát trong cộng đồng. Tâm lý e ngại đã khiến rất nhiều khách du lịch đã hủy tour không chỉ đến khu vực có dịch mà ngay cả khu vực chưa có dịch. Nhiều địa phương trên cả nước đã phải ra thông báo hỏa tốc đóng cửa nhiều điểm tham quan, khu du lịch, tạm dừng các dịch vụ vui chơi giải trí... nhằm bảo đảm an toàn cho du khách, người dân. Một số địa phương không tổ chức tour, không đón người đến, đi từ vùng có người mắc, yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không đi đến vùng dịch, không đi du lịch ngoại tỉnh... Có thể nói, doanh nghiệp du lịch đã khó khăn, nay càng thêm khó khăn.

“Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp du lịch có thể nói là chịu ảnh hưởng kép, hay bị tiếp một cú “đấm bồi” khi dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước. Tổng cục Du lịch đã có kế hoạch về chương trình kích cầu du lịch giai đoạn hai, và đang cùng với các hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp và các địa phương để hoàn thiện chương trình này, chuẩn bị cho thời kỳ phục hồi du lịch sau đại dịch”, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho hay.

Tương tự, vì nhiều cửa hàng đã buộc phải đóng cửa trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng, nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi các nhà bán lẻ là đối tượng phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Còn đối với ngành F&B, làn sóng Covid-19 lần 2 khiến các doanh nghiệp trong ngành này vừa vực dậy đã lại lao đao, có doanh nghiệp buộc phải sang nhượng cửa hàng mới khai trương 2 tháng. Thống kê của D’corp R-Keeper Việt Nam cho thấy, cả nước có khoảng 540.00 cửa hàng ăn uống, nhưng 80% thị trường F&B vẫn đang nằm ở mảng thức ăn đường phố, với khoảng 430.000 cửa hàng nhỏ. Mô hình chuỗi, có đầu tư chỉ chiếm khoảng 15% và dự báo thị trường sẽ có sự sắp xếp lại sau khi dịch đi qua, bởi các quán ăn nhỏ lẻ đã đóng cửa rất nhiều.

Làn sóng Covid-19 lần 2 khiến các doanh nghiệp trong ngành này vừa vực dậy đã lại lao đao, có doanh nghiệp buộc phải sang nhượng cửa hàng mới khai trương 2 tháng.

Những cái tên còn lại trên thị trường lúc này đều đang phải tìm mọi giải pháp để trụ lại. “Thắt lưng buộc bụng” các chi phí gián tiếp như điện, nước hoặc cho nhân viên nghỉ luân phiên. Thậm chí, “gã khổng lồ” trong ngành như Golden Gate hay Redsun phải chọn hướng đóng cửa một số địa điểm. “Đại gia F&B” Golden Gate với kinh nghiệm hơn 14 năm trên thị trường cũng không tránh khỏi thiệt hại. Doanh thu toàn hệ thống sụt giảm lên đến hàng chục tỷ đồng. Hơn 30 nhà hàng trong hệ thống phải dừng hoạt động.

Có thể nói hai làn sóng COVID-19 được ví như bài kiểm tra về sức khỏe và khả năng đề kháng của ngành công nghiệp du lịch. Nó giống như một cuộc “chọn lọc tự nhiên” đối với ngành công nghiệp du lịch. Và với cuộc chọn lọc tự nhiên này, kẻ tồn tại, sống sót chưa chắc là kẻ mạnh nhưng chắc chắn phải là người có tư duy và mô hình kinh doanh phù hợp và hiệu quả.

Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch):

"Để đảm bảo an toàn cho du khách, đề nghị các địa phương cùng đồng hành, chia sẻ những khó khăn; kêu gọi các hãng hàng không ngồi lại với các hãng lữ hành để chia sẻ, giảm thiệt hại tối đa, cũng như chuyển đổi thời điểm đi đến những vùng an toàn, thích hợp. Thời gian tới, đề nghị thường xuyên nắm bắt tình hình dịch, thực hiện mục tiêu kép; tập trung xây dựng sản phẩm mới phù hợp diễn biến dịch bệnh, như du lịch sức khỏe, xúc tiến quảng bá du lịch an toàn, giúp các doanh duy trì hoạt động; Tổng cục Du lịch tham mưu Bộ VHTTDL các biện pháp hỗ trợ, đang triển khai thì tiếp tục giảm VAT, giảm tiền điện khách sạn, tiền thuế đất doanh nghiệp lưu trú, hàng không và có giải pháp cho chuỗi cung ứng chung. Đồng thời, các địa phương cùng phối hợp để người lao động trong ngành tiếp cận được hưởng gói hỗ trợ của Chính phủ".

Ông Vũ Thế Bình, PCT Hiệp hội du lịch Việt Nam:

"Các doanh nghiệp du lịch tiếp tục tìm biện pháp phù hợp, chuyển đổi các chương trình du khách đã đặt sang coupon, các tour linh hoạt để khách có điều kiện chuyển đổi chương trình và thời gian phù hợp. Đồng thời, từ bài học kinh nghiệm rút ra từ các đợt bùng phát đại dịch Covid-19 hiện nay, các công ty lữ hành cần có các điều khoản quy định việc hoàn, trả, hủy chuyến trong hợp đồng mua tour giữa công ty với khách hàng, và giữa công ty du lịch với các công ty cung ứng du lịch nhằm tránh tình trạng bị động khi hành khách hủy tour do thiên tai, đại dịch. Các doanh nghiệp lữ hành và cung ứng dịch vụ cũng bày tỏ mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc quyết liệt để khẩn trương đưa ra các chính sách hỗ trợ khả thi giúp các doanh nghiệp du lịch sớm vượt qua giai đoạn khó khăn. Các biện pháp cụ thể được đưa ra tại hội nghị như giảm thuế VAT, giảm tiền điện, tiền nước, giãn thời gian trả tiền thuê đất, hỗ trợ tài chính cho lực lượng lao động trong ngành du lịch".

Gia Ly