Ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa điểm sáng của kinh tế Việt Nam

14:36 06/03/2021

Mặc dù tình hình kinh tế trong nước cũng như quốc tế chịu ảnh hướng không nhỏ từ dịch COVID-19 nhưng ngành chế biến và xuất khẩu gỗ của nước ta vẫn đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ, là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của nước ta trong năm 2020.

Phải đối mặt với nhiều khó khăn, cạnh tranh, yêu cầu về đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp tại nhiều thị trường xuất khẩu, nhưng xuất khẩu gỗ vẫn tiếp tục đạt được những kết quả tích cực với kim ngạch xuất khẩu. Chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành Gỗ trong giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 3,4%/năm, trong đó năm 2017 tăng 4,6%; năm 2018 tăng 4%; năm 2019 tăng cao nhất 10,3% và năm 2020 giảm 4,6%. Riêng năm 2020, sản xuất lâm nghiệp có nhiều biến động do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 tới các hoạt động của nền kinh tế trong nước và thế giới.

Trong sáu tháng đầu năm 2020, các sản phẩm chủ yếu của ngành lâm nghiệp chững lại, đặc biệt là sản phẩm gỗ khai thác do chuỗi tiêu thụ sản phẩm chế biến gỗ như gỗ bóc, bột giấy và dăm gỗ của các doanh nghiệp, nhà máy bị gián đoạn. Sáu tháng cuối năm thị trường gỗ được đánh giá khởi sắc hơn, sản phẩm gỗ khai thác tăng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Gỗ và sản phẩm gỗ là một trong những sản phẩm xuất khẩu kinh tế mũi nhọn của cả nước và là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu. 

góp phần duy trì đà phát triển xuất khẩu trong bối cảnh trong nước và quốc tế đều gặp khó khăn. Ảnh : Internet
Ngành chế biến và xuất khẩu gỗ góp phần duy trì đà phát triển xuất khẩu trong bối cảnh trong nước và quốc tế đều gặp khó khăn. Ảnh: Internet. 

Bên cạnh đó, mặc dù khó khăn về kinh tế, sản xuất bị đình trệ nhưng các doanh nghiệp, doanh nhân, chủ rừng và các nhà quản lý trong toàn ngành vẫn liên tục nghiên cứu, sáng tạo, thay đổi nhiều phương thức và hình thức tiếp thị, bán hàng để mở rộng thị trường bên cạnh các thị trường truyền thống, quan trọng của sản phẩm gỗ và lâm sản Việt Nam như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, châu Âu. Tại các địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất cây lâm nghiệp giá trị cao, kinh doanh gỗ lớn, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất, chế biến lâm sản xuất khẩu hay chuyển đổi mô hình trồng rừng lấy gỗ theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng giá trị rừng trồng.

Những tháng đầu năm 2021, mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp ở trong nước và trên thế giới, ngành Gỗ tiếp tục duy trì tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành Gỗ và các sản phẩm từ gỗ trong 2 tháng đầu năm 2021 tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tháng 01/2021 tăng cao 26,4%; tháng 02/2021 giảm 15%.

Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tăng liên tục tăng qua các năm, từ 3,01 triệu m3 năm 2006 lên 19,5 triệu m3 năm 2019; ước tính năm 2020 đạt 20,5 triệu m3 và cơ bản đạt mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020 là 20 – 24 triệu m3/năm. Trong 2 tháng đầu năm 2021, sản lượng gỗ khai thác đạt 1,85 triệu m3, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác và thu nhặt đạt 2,73 triệu ste, bằng 98,9%. 

Sản lượng gỗ rừng tăng. Ảnh: Internet
Sản lượng gỗ rừng trồng tăng tạo điều kiện cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Ảnh: Internet. 

Sản lượng gỗ rừng trồng tăng đã tạo điều kiện cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chủ động trên 70% nguồn nguyên liệu đầu vào, từng bước giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, góp phần giảm chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm, đồng thời tạo ưu thế cạnh tranh cho các sản phẩm gỗ của Việt Nam. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, cạnh tranh, yêu cầu về đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp tại nhiều thị trường nhưng xuất khẩu gỗ vẫn tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2020 đạt 12.372 triệu USD, chiếm 4,4% tổng kim ngạch xuất khẩu và gấp 1,8 lần kim ngạch xuất khẩu gỗ năm 2015; trong 2 tháng đầu năm 2021 đạt 2.441 triệu USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước.

Tốc độ tăng trưởng nhanh của ngành gỗ Việt Nam trong thời gian qua có sự đóng góp rất lớn từ sự thông thoáng của hệ thống pháp luật trong nước cùng với các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới được Việt Nam ký kết như: CPTPP, EVFTA và Hiệp định RCEP. Các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới có mức độ cam kết cao, toàn diện sẽ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới, giúp doanh nghiệp gỗ Việt tiệm cận vị trí “mắt xích” quan trọng trong các chuỗi giá trị sản phẩm gỗ hiện có với khách hàng toàn cầu, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực đến các người mua hàng tiềm năng, thúc đẩy tăng xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ giữa Việt Nam và nhiều khu vực, nhiều quốc gia.

Các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới hướng tới việc tạo ra một môi trường kinh doanh cởi mở, thuận lợi, minh bạch cho hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu, dịch vụ, đầu tư sản xuất sản phẩm gỗ. Về thuế suất, các nước ký Hiệp định thường đưa ưu đãi mức thuế nhập khẩu về 0% ngay hoặc trong 4-6 năm cho ngành gỗ Việt Nam; giúp nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm gỗ Việt Nam với sản phẩm từ các nước xuất khẩu gỗ khác.

Minh Hải