Ngành bán lẻ: Đối diện thách thức mới

00:00 12/10/2020

Thời gian này là lúc các nhà bán lẻ phải gồng mình để vừa phòng chống dịch bệnh trong DN, trong cộng đồng xã hội, vừa phục vụ nhu cầu của người dân về các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, đảm bảo đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả bình ổn…

Việt Nam đang đối mặt với diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19, tác động lên toàn bộ các chủ thể trong nền kinh tế, mà một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề là doanh nghiệp bán lẻ. Theo các chuyên gia, do tình hình khó khăn, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, chỉ tập trung vào các mặt hàng lương thực thiết yếu và các sản phẩm phòng dịch, khiến cho doanh thu ngành bán lẻ giảm mạnh.

Ảnh minh họa.

Hiện nay, ngành bán lẻ dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với thách thức mới trong thời gian tới do tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.Trên thực tế, sau thời gian Việt Nam cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và các hoạt động trở lại trạng thái bình thường thì hoạt động bán lẻ cũng đã có những khởi sắc. Theo số liệu bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 và 7 tháng đầu năm cho thấy, hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 7/2020 tiếp tục xu hướng tăng trở lại nhờ các chính sách kích cầu tiêu dùng và du lịch nội địa, cùng với các gói hỗ trợ của Chính phủ. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7/2020 ước tính đạt 431,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 333,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% và tăng 7%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 48,2 nghìn tỷ đồng, tăng 9,2% và giảm 4,4%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 1,5 nghìn tỷ đồng, tăng 29,6% và giảm 59,7%; doanh thu dịch vụ khác đạt 48,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2% và tăng 0,9%. Tính chung 7 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.799,6 nghìn tỷ đồng, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 4,8% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9%).

Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, thời gian này là lúc các nhà bán lẻ phải gồng mình để vừa phòng chống dịch bệnh trong DN, trong cộng đồng xã hội, vừa phục vụ nhu cầu của người dân về các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, đảm bảo đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả bình ổn… Cũng chính vì vậy mà ngành bán lẻ đã và đang phải chịu nhiều khó khăn thách thức và chuyển đổi mạnh mẽ theo tình hình mới. Ngoài ra, các DN bán lẻ còn gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất và chi phí thuê mặt bằng lớn. Chính những điều đó đang buộc và thúc đẩy các DN trong ngành bán lẻ phải tự thay đổi một cách mạnh mẽ để thích nghi với hoàn cảnh mới, bà Vũ Thị Hậu nhấn mạnh.

Hiện nay, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, dự báo nhu cầu mua hàng có thể tăng cao, các doanh nghiệp phân phối bán lẻ đã chủ động tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp 2 - 3 lần so với trước để bảo đảm cung cấp cho người dân. Các doanh nghiệp cũng đã tái lập áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên toàn hệ thống các cửa hàng trực thuộc như tăng lượng dự trữ hàng hóa, tăng cường giao hàng tại nhà; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn trước khi vào khu vực siêu thị... Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, Việt Nam đã trải qua thực tế của đợt dịch Covid-19 lần thứ nhất, một trong những điểm sáng là thị trường nội địa đã đáp ứng được nhu cầu của người dân nhất là các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm, y tế… Các DN Việt Nam đã thể hiện rất mạnh mẽ tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, với người dân.

Trong thời gian tới, các DN bán lẻ cần có sự hỗ trợ nhiều hơn từ các chính sách, trong đó phải kể đến như hỗ trợ giảm thuế, phí thuê mặt bằng, nhất là miễn giảm chi phí thuê mặt bằng tại các khu vực công nghiệp, khu chế xuất để hỗ trợ DN sản xuất… để tạo đà cho sản xuất đi lên. Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp kích cầu tiêu dùng thị trường nội địa và nhiều giải pháp bổ trợ phù hợp khác, bà Vũ Thị Hậu chia sẻ.

Nguyễn Minh.