Ngân hàng và bảo hiểm với những "cú bắt tay" triệu USD

08:05 16/12/2020

Giới chuyên gia nhìn nhận, hầu hết các ngân hàng lớn hiện nay, đặc biệt là các ngân hàng tư nhân đều có hoạt động bancassurance, tức hợp tác phân phối bảo hiểm cho một công ty bảo hiểm. Hình thức này xem là miếng bánh lợi nhuận rất lớn đối với các ngân hàng...

Bancassurance là việc các ngân hàng tham gia trong lĩnh vực phân phối các sản phẩm của công ty bảo hiểm hoặc có thể nói ngược lại là các công ty bảo hiểm triển khai các sản phẩm của mình thông qua hệ thống ngân hàng thương mại
Bancassurance là việc các ngân hàng tham gia trong lĩnh vực phân phối các sản phẩm của công ty bảo hiểm hoặc có thể nói ngược lại là các công ty bảo hiểm triển khai các sản phẩm của mình thông qua hệ thống ngân hàng thương mại. (Ảnh: Internet)

Vài năm gần đây, khái niệm bancassurance bắt đầu xuất hiện, gợi mở cơ hội về sự hợp tác ngân hàng-bảo hiểm. Bancassurance là việc các ngân hàng tham gia trong lĩnh vực phân phối các sản phẩm của công ty bảo hiểm hoặc có thể nói ngược lại là các công ty bảo hiểm triển khai các sản phẩm của mình thông qua hệ thống ngân hàng thương mại.

Nếu dựa trên định nghĩa này thì thật ra, bancassurance đã được triển khai từ khá lâu, chẳng hạn đóng tiền bảo hiểm thông qua ngân hàng nhưng đây chỉ là sản phẩm, nghiệp vụ đơn giản.

Việc ngân hàng tham gia bán bảo hiểm là một xu thế tất yếu. Ở nhiều nước trên thế giới, như Italy, Đức, Pháp…, kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng chiếm tới 30 - 40% doanh số toàn ngành bảo hiểm. Ở nước ta, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ đang cạnh tranh rất gay gắt và kênh bán hàng truyền thống đang tăng trưởng chậm lại. Trong khi đó, kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng, dù mới chiếm 3 - 4% tổng doanh thu toàn ngành bảo hiểm, song lại tăng trưởng rất nhanh, với mức tăng 100 - 300%/năm, tùy từng doanh nghiệp.

Năm 2020 có thể coi là thời điểm bùng nổ các thương vụ hợp tác lớn có giá trị nghìn tỷ đồng giữa ngân hàng với doanh nghiệp bảo hiểm. Ngoài giá trị lớn, thời gian hợp tác độc quyền của thương vụ cũng được kéo dài với thời hạn trên 15 năm.

Nhiều NH thương mại đã không ngừng mở rộng hợp tác với các hãng bảo hiểm qua kênh bancassurance nhằm gia tăng doanh thu, lợi nhuận trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến tín dụng tăng trưởng không như kỳ vọng. Báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của nhiều NH vừa qua cho thấy không ít NH báo lãi thuần từ vài trăm đến cả nghìn tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm.

(Ảnh: Internet)

VietinBank và Manulife Việt Nam đã ký kết thỏa thuận thiết lập quan hệ hợp tác độc quyền 16 năm phân phối bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng.

Trước đó, VietinBank từng có hợp tác phân phối độc quyền với Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Aviva Việt Nam. Tuy nhiên, đến năm 2019, công ty này đã thay đổi chiến lược phát triển và rút lui khỏi một số thị trường tại Châu Á trong đó có Việt Nam.

Vì vậy, như là một phần gắn liền với giao dịch, Tập đoàn Tài chính Manulife châu Á cũng sẽ mua lại Aviva Việt Nam. Quá trình mua lại sẽ theo các quy định nghiêm ngặt và sự phê duyệt của pháp luật.

Quan hệ hợp tác giữa VietinBank và Manulife Việt Nam nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu tài chính và bảo hiểm ngày càng gia tăng của người dân Việt Nam
VietinBank và Manulife Việt Nam đã ký kết thỏa thuận thiết lập quan hệ hợp tác độc quyền 16 năm phân phối bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng

Mặc dù không công bố rõ về giá trị thương vụ nhưng ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank cho biết, hiện doanh số phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng của VietinBank đang đứng đầu trong số các ngân hàng quốc doanh và Manulife cũng là công ty bảo hiểm hàng đầu tại Việt Nam nên giá trị hợp đồng cũng phải tương xứng.

“Giá trị thương vụ bancassurance độc quyền giữa VietinBank và Manulife sẽ tăng lên rất lớn so với khi hợp tác cùng Aviva”, một lãnh đạo khác tại VietinBank tiết lộ.

Hồi cuối tháng 6/2020, Bloomberg cho biết, thỏa thuận bancassurance giữa VietinBank và Manulife có thể được định giá vài trăm triệu USD, tương đương nhiều nghìn tỷ đồng.

Một thương vụ nghìn tỷ khác cũng được ký kết trong năm nay là ngân hàng Vietcombank hợp tác với FWD với thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối trong thời hạn 15 năm. Phí trả trước cho thương vụ này được ước tính mang về cho Vietcombank khoảng 400 triệu USD, tương đương khoảng 9.300 tỷ đồng.

(Ảnh: Internet)

Hình thức hợp tác này không chỉ diễn ra tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước mà còn lan sang các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân. Điển hình như, Ngân hàng ACB đã ký kết thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ với Sun Life Việt Nam trong thời hạn 15 năm. Dù giá trị thương vụ này không được các bên tiết lộ nhưng trong những ngày qua, trên thị trường đã có không ít con số được đưa ra cho thấy đây là một trong những thương vụ ký kết độc quyền lớn về bancassurance.

Ngân hàng ACB đã ký kết thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ với Sun Life Việt Nam trong thời hạn 15 năm
Ngân hàng ACB đã ký kết thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ với Sun Life Việt Nam trong thời hạn 15 năm. (Ảnh: Internet)

Theo ước tính của nhóm phân tích của BVSC, upfront fee (phí trả trước) mà ACB trong thương vụ này có thể nhận được là hơn 90 triệu USD (khoảng 2.100 tỷ đồng). Trong khi đó, Công ty chứng khoán SSI đưa giả định phí độc quyền trong trường hợp của ACB có thể khoảng 2.500 - 3.000 tỷ đồng.

Trước ACB, Sun Life Việt Nam đã ký kết thỏa thuận tương tự với Ngân hàng Tiên Phong (TPBank). Giá trị thương vụ được ước tính là hơn 1.700 tỷ đồng. Tại thời điểm đó, ông Larry Madge, Tổng Giám đốc Sun Life Việt Nam, nhận định thị trường bảo hiểm Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng lớn. Trong giai đoạn 2015 - 2019, tốc độ tăng trưởng của ngành bảo hiểm tại Việt Nam rất ấn tượng. Thậm chí trong một năm nhiều thách thức như 2020, thị trường hiện vẫn tăng trưởng 16% so với đầu năm.

Ngoài ra, trước đó, thị trường bảo hiểm Việt Nam cũng chứng kiến nhiều thương vụ hợp tác giữa công ty bảo hiểm và ngân hàng. Trong đó, Sacombank ký hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền cho Dai-ichi Life; Techcombank phân phối độc quyền cho Manulife; VietinBank hợp tác với Aviva; LienVietPostBank, SHB và HDBank ký với Dai-ichi Life; NCB và Prévoir Việt Nam; VietABank với Chubb Life Việt Nam… Những gói hợp tác này đều có thời hạn phổ biến 15-20 năm.

 Gia An