Ngân hàng tìm "cửa" sinh lời ngoài tín dụng

20:12 21/04/2022

Nhiều ngân hàng đã có những động thái nhằm "siết" giải ngân cho vay bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp... thay vào đó, các ngân hàng đang đẩy mạnh nhiều “cửa” sinh lời hơn từ các mảng kinh doanh dịch vụ, ngân hàng số...

Đa dạng nguồn thu

Trong những tháng đầu năm 2022, nhiều ngân hàng đã có động thái nhằm "siết" giải ngân cho vay bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp... trước những rủi ro từ thị trường và cảnh báo đến từ cơ quan quản lý. Vào giữa tháng 3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ. Theo đó, NHNN cho biết, sẽ điều hành tín dụng đáp ứng kịp thời vốn cho sản xuất kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản và chứng khoán,... tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cùng với đó, NHNN cũng không ít lần gửi công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng dư nợ tín dụng và chất lượng tín dụng.

Minh chứng là các ngân hàng có lợi nhuận cao trong quý đầu năm 2022 đều có nguồn thu đến từ các khoản ngoài tín dụng.

Mới đây, Công ty Chứng khoán SSI công bố báo cáo ước tính kết quả kinh doanh 13 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán, với 12/13 ngân hàng được dự báo kết quả lợi nhuận tăng trưởng dương bao gồm: ACB, BIDV, HDBank, MB, MSB, Sacombank, Techcombank, TPBank, Vietcombank, VIB, VPBank. Duy nhất VietinBank là ngân hàng dự báo sẽ tăng trưởng lợi nhuận âm do so sánh cùng với nền cao của quý 1/2021.

Trong đó, VPBank là “quán quân” lợi nhuận với ước tính đạt khoảng 11.000 tỷ đồng, tăng 175% so với cùng kỳ năm trước nhờ ghi nhận đầy đủ phí trả trước từ hợp đồng bancassurance (phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng) với AIA. Thêm vào đó, ngân hàng cũng có sự tăng trưởng tốt tại bảng cân đối kế toán (tăng trưởng tín dụng và huy động lần lượt đạt 7% và 12% so với cùng kỳ năm 2021).

Vietcombank được dự báo lợi nhuận trước thuế đạt 9.500 - 10.000 tỷ đồng, tăng 10-16% so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân là tăng trưởng tín dụng của Vietcombank duy trì mạnh mẽ trong quý (tăng 6-7%). Biên lợi nhuận (NIM) cũng cải thiện nhờ tối ưu hóa tỷ lệ cho vay/huy động (LDR). Ngoài ra, SSI Research cũng cho rằng, Vietcombank có thể sẽ ghi nhận phí trả trước bancassurance trong kỳ, điều này tương tự với cùng kỳ năm trước.

Các ngân hàng tích cực hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất
Các ngân hàng tích cực hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất.

Sacombank cũng có mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong quý 1/2022 với mức tăng 40-50% so với cùng kỳ (có thể đạt 1.400-1.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế), chủ yếu nhờ thu nhập hoạt động mạnh mẽ và kiểm soát tốt chi phí dự phòng. Tại Đại hội đồng cổ đông của ACB mới đây, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc cho biết, trong quý 1, lợi nhuận hợp nhất của ACB khoảng 4.200 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ. Mảng dịch vụ và bảo hiểm đều tăng trưởng tốt. Thu nhập ngoài lãi đạt khoảng 1.300 tỷ đồng, bancassurance dẫn đầu thị trường.

Trong tài liệu trình cổ đông, MSB cũng có kế hoạch thoái vốn tại Công ty tài chính FCCOM, nếu thành công giá trị thương vụ ước tính không thấp hơn 100 triệu USD và MSB có thể thu về 1.800 - 2.000 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2022.

Ngân hàng còn nhiều động lực

Lâu nay, tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng trong nguồn thu của hệ thống ngân hàng. Theo báo cáo về thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam năm 2021, phạm vi 15 ngân hàng thương mại được SSI Research theo dõi, tổng số dư trái phiếu các tổ chức kinh tế mà các ngân hàng thương mại đầu tư tính đến hết năm 2021 là khoảng 214.000 tỷ đồng, tăng 17% so với cuối năm trước đó. Về tín dụng, tính đến đến cuối tháng 3/2022 đã tăng mạnh 5,1% so với cuối 2021, tương đương mức 15,9% so với cùng kỳ, trong đó dòng vốn cho vay vào lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 18-20% tổng tín dụng.

Nhưng theo các chuyên gia, lợi nhuận ngân hàng dựa nhiều vào tín dụng, nhưng không lệ thuộc vào tín dụng. Lý do là các ngân hàng đang có rất nhiều “cửa” để tăng lợi nhuận cũng như đang hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp. Báo cáo nghiên cứu ngành ngân hàng của SSI cho rằng, những yếu tố tác động tích cực khiến lợi nhuận của nhóm ngân hàng có thể đạt mức cao hơn so với ước tính hiện tại như nền kinh tế phục hồi tốt hơn dự kiến và các khoản thu nhập bất thường từ bancassurance.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, nhiều yếu tố khác cũng giúp các ngân hàng cải thiện lợi nhuận như, ngân hàng số ngày càng phát triển, giúp ngân hàng giảm chi phí. Hay nhiều ngân hàng nâng mức trích lập dự phòng cao hơn mức quy định (trích lập 100% dự phòng cho nợ cơ cấu trong khi cho phép trích lập trong 3 năm), nên cơ hội được hoàn nhập dự phòng, gia tăng lợi nhuận là rất lớn.

Cùng với đó, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển nhanh với tốc độ tăng trưởng bình quân 30%/năm những năm gần đây, nên đến nay đã có 26 ngân hàng tại Việt Nam có hợp tác phát triển bảo hiểm nhân thọ. Thực tế cũng cho thấy, nguồn thu từ bancassurance đang được các ngân hàng đẩy mạnh và ngày càng có nhiều thương vụ ký kết độc quyền giữa các ngân hàng và công ty bảo hiểm với giá trị lên đến hàng chục triệu USD.

 Theo TCHQ