Ngân hàng Nhà nước giám sát và cảnh báo các tổ chức tín dụng trước “cơn sốt đất”

06:09 01/04/2021

Trước tình trạng “sốt đất” diễn ra tai nhiều địa phương, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên giám sát và cảnh báo các tổ chức tín dụng khi có dấu hiệu rủi ro.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì vào chiều tối 31/3, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - ông Đào Minh Tú đã đưa ra đánh giá về thị trường bất động sản cả nước gần đây. Ông Tú nhận định thị trường bất động sản đang trở nên nóng ở nhiều địa phương, giá cả bất động sản có chiều hướng tăng.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung cấp thông tin cho báo chí tại cuộc họp báo

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung cấp thông tin cho báo chí tại cuộc họp báo.

Nhận định về nguyên nhân dẫn đến tình trạng sốt đất, ông Đào Minh Tú cho rằng, có nhiều nguyên nhân tuy nhiên nguyên nhân chính đến từ một số đối tượng đầu cơ, tạo cơ hội tung tin không chính xác dựa vào một số vấn đề như giá cả, thuế đất, quy hoạch... để thu tiền chênh lệch và lợi nhuận từ việc đầu cơ bất động sản.

Thông tin với báo chí, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định, bất động sản là một trong những lĩnh vực được Ngân hàng Nhà nước quản lý rất sát sao, chặt chẽ trong nhiều năm qua. Theo đó, những sự biến động, dịch chuyển giữa dòng vốn từ thị trường tiền tệ sang thị thường bất động sản là một trong những nội dung được quán xuyến và quan tâm trong điều hành quản lý hoạt động tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng nhà nước thường xuyên kịp thời cảnh báo các tổ chức tín dụng khi có những dấu hiệu của sự không đảm bảo ổn định, cũng như có những dấu hiệu hụt dòng vốn trong đầu tư quá lớn.

“Chúng tôi cũng thường xuyên cảnh báo các tổ chức tín dụng khi có những dấu hiệu không ổn định, rủi ro trong lĩnh vực đầu tư quá lớn, trong trường hợp không kiểm soát được”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Thống đốc, tính đến 15/3, dư nợ cho vay bất động sản của ngành ngân hàng tăng khoảng 2,13%. Con số này cao hơn mức tăng của tín dụng hiện nay là 2,04%. So với năm ngoái, tín dụng đang có chiều hướng thay đổi tích cực.

Ông Tú phân tích, tín dụng đối với bất động sản có 2 lĩnh vực, một là tín dụng vào những chủ thể kinh doanh bất động sản (giới đầu cơ) ở những phân khúc thị trường cao cấp như các dự án nghỉ dưỡng, biệt thự, dự án đầu tư với khả năng thanh khoản và hiệu quả đầu tư trong tương lai không cao.

Đây là những đối tượng đang được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ, hạn chế, đồng thời có những chế tài trực tiếp và gián tiếp đối với các tổ chức tín dụng.

Thứ hai, đối với lĩnh vực tín dụng đầu tư vào sản phẩm hàng hóa, tiêu dùng bất động sản như nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhà ở giá rẻ phục vụ cho nhu cầu của đông đảo người dân, Ngân hàng Nhà nước đang giao cho các ngân hàng thương mại quan tâm và triển khai.

“Trước tình hình bất động sản có những dấu hiệu nóng, Ngân hàng Nhà nước đã giám sát và cũng có cảnh báo tới các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên hiện nay mức tăng 2,13% này cũng không phải ở tất cả các tổ chức tín dụng mà chỉ có một vài tổ chức tín dụng cho vay, có thể hơn mức bình thường so với trước đây”, ông Tú cho hay.

Về vấn đề lãi suất, Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin, so với mặt bằng đầu năm 2015-2016, lãi suất huy động giảm 2,3%, lãi suất cho vay bình quân cũng giảm 3,6% so với giai đoạn trước đây. Đến nay, lãi suất cho vay tối đa cho các đối tượng ưu tiên ở mức 4,5%, giảm khoảng 2,5% so với năm 2016.

Đáng chú ý, tất cả các mức lãi suất của Việt Nam hiện nay, lãi suất cho vay bình quân thấp hơn mức bình quân của ASEAN +4, đây là một trong những chỉ số rất tích cực thời gian vừa qua.

Trong khi đó, tính đến hết tháng 3/2021, mức lạm phát và chỉ số CPI tăng thấp, tăng trưởng chưa đạt kỳ vọng nhưng vẫn đang có những dấu hiệu tích cực, dư nợ các lĩnh vực đang có chiều hướng tích cực với mức tăng 2,04% (cùng kỳ năm ngoái là 1,3%). Phó Thống đốc khẳng định việc điều hành chính sách lãi suất trong thời gian tới vẫn trên quan điểm trước hết là ổn định.

Tuy nhiên, ông Tú nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước cần phải cảnh giác với những vấn đề như giá nhiên liệu dự báo tăng 30%, sự dịch chuyển của dòng vốn từ thị trường tiền tệ sang trái phiếu, vốn, chứng khoán, bất động sản... để điều hành lãi suất một cách hợp lý.

“Nếu các chỉ số diễn biến tích cực, chúng tôi sẽ tiếp tục giảm cả lãi suất huy động và cho vay. Chúng tôi vẫn yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung, hạn chế chi phí, từ đó giảm bớt lãi suất cho doanh nghiệp và người dân”, ông Tú cho biết thêm.

Bảo Ngân