Ngân hàng lên kế hoạch 'kéo' tín dụng về mục tiêu

00:00 12/10/2020

Tăng trưởng tín dụng trong quý I/2020 rất thấp, cùng với những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 chưa biết đến khi nào kết thúc, khiến nhiều chuyên gia lo ngại mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay khó đạt và có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ phải tính tới phương án giảm mục tiêu này.

tin-dung-5613-1585574375.jpg

Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế trong quý đầu tiên chỉ tăng 0,68% so với mức tăng 1,9% của cùng kỳ năm trước (Ảnh minh hoạ: Internet)

Báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý I/2020 của Tổng cục Thống kê cho thấy mức tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế trong quý đầu tiên chỉ tăng 0,68% so với mức tăng 1,9% của cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất của quý I trong vòng 6 năm qua.

Tín dụng sụt giảm

Dù các ngân hàng tung ra nhiều gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp ngay từ những ngày đầu khi dịch Covid-19 bùng phát và ảnh hưởng đến nền kinh tế, nhưng tăng trưởng tín dụng trong quý I/2020 vẫn rất thấp.

Điều đó cho thấy doanh nghiệp gần như không vay vốn nhiều trong quý I bởi hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhiều công ty thu hẹp sản xuất.

Con số này còn cách khá xa mục tiêu tăng trưởng tín dụng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề ra trong năm nay, ước khoảng 14%, cao hơn mức tăng dự kiến của GDP 5-6%, như vậy áp lực tăng trưởng sẽ dồn về 3 quý còn lại.

Đặc biệt, các chuyên gia nhận định trong những tháng tiếp theo của quý II, do người tiêu dùng hạn chế đến những nơi đông người cùng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ, dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục giảm so với cùng kỳ.

Trong khi đó, hoạt động huy động vốn của các tổ chức tín dụng, phần lớn là các ngân hàng thương mại, cũng gặp nhiều khó khăn khi chỉ tăng 0,51%, thấp hơn so với mức 1,72% của cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến thời điểm 20/3/2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 1,55% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm trước tăng 2,54%).

Trước tình hình khó khăn của doanh nghiệp, NHNN đã phê duyệt gói tín dụng 285.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp chịu thiệt hại bởi Covid-19.

Cũng trong ngày 17/3, NHNN đã công bố hạ mức lãi suất cơ bản, các mức lãi suất điều hành, hướng dẫn các ngân hàng thương mại thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh, cá nhân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 như giảm lãi suất huy động và cho vay từ 0,5-1%, cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ.

Không chỉ hoạt động huy động vốn tín dụng gặp khó mà việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán của các doanh nghiệp niêm yết cũng gặp nhiều khó khăn. Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán trong quý I chỉ đạt 29.500 tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ năm trước.

Nhà băng gấp rút lên kịch bản

Thực tế này đang đe dọa mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm nay của ngành. Dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn ngành có thể đạt thấp (10% - 12%). Vì vậy, một số ý kiến cho rằng NHNN tính tới phương án giảm mục tiêu này.

Tuy nhiên, Phó Thống đốc NHNN Ðào Minh Tú khẳng định: “Dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng Chính phủ vẫn chưa điều chỉnh các mục tiêu kinh tế vĩ mô, nên NHNN chưa đề cập đến vấn đề điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và nỗ lực bảo đảm nhằm duy trì hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”.

Các lãnh đạo ngân hàng thương mại cũng thừa nhận, hệ thống ngân hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, điều khó dự đoán nhất là khi nào dịch bệnh sẽ chấm dứt.

Vì vậy, hiện nay, các ngân hàng lên các kịch bản ứng phó dịch bệnh để vừa đảm bảo hỗ trợ khách hàng, vừa đảm bảo mục tiêu phát triển như tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng và trích lập dự phòng để đối phó với các kịch bản xấu.

Nếu kịch bản dịch bệnh sẽ kiểm soát được trong quý II/2020, mọi hoạt động trở lại như trước thì khả năng khôi phục sản xuất - kinh doanh thậm chí còn mạnh hơn cả trước khi có dịch, điều này sẽ kéo theo cầu tín dụng tăng.

Tuy nhiên, trong trường hợp xấu, dịch bệnh tiếp tục kéo dài đến hết quý II/2020, một số ngân hàng cho biết trước mắt ưu tiên triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó đại dịch Covid-19 đảm bảo kinh doanh liên tục, an toàn cho khách hàng, nhân viên và các cơ sở kinh doanh. Cùng với đó, hoàn thiện mô hình kinh doanh ngân hàng số, thu hút khách hàng tăng mới và chuyển đổi khách hàng sang sử dụng kênh số, kênh giao dịch điện tử.

MBBank cho biết trong năm 2020, phương châm của ngân hàng là điều hành củng cố nền tảng, chuyển dịch số, tăng trưởng toàn diện, hiệu quả và bền vững, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng tăng theo giới hạn quy định của NHNN, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%, tăng huy động vốn cân đối chi phí vốn phù hợp; quản lý tiết kiệm chi phí và tuân thủ các giới hạn theo quy định.

“Trước mắt, ưu tiên triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó đại dịch Covid-19 đảm bảo kinh doanh liên tục, an toàn cho khách hàng, nhân viên và các cơ sở kinh doanh. Cùng với đó, hoàn thiện mô hình kinh doanh ngân hàng số, thu hút khách hàng tăng mới và chuyển đổi khách hàng sang sử dụng kênh số, kênh giao dịch điện tử; tiết giảm chi phí và tiết kiệm chi phí hoạt động, các khoản chi chưa cấp thiết…”, đại diện MBBank cho biết.

Thanh Hoa