Ngăn chặn hàng giả trên sàn thương mại điện tử

00:00 12/10/2020

Chuyên gia kinh tế - TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cơ quan quản lý đã không theo kịp sự phát triển nhanh chóng và đa dạng, phong phú của sàn thương mại điện tử, khiến tạo ra những kẽ hở để từ đó gian thương lợi dụng thực hiện những hành vi phi pháp.

“Biến tướng” hàng giả, hàng nhái

Giữa lúc nhiều ngành nghề đều chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 thì thương mại điện tử (TMĐT) đã thực sự “lên ngôi” trong thời gian gần đây. Tổ chức Visa vừa công bố báo cáo cho biết ghi nhận số lượng người dùng mua sắm trực tuyến ở mức kỷ lục, với trung bình 30 triệu lượt mua hàng trực tuyến tại Việt Nam mỗi ngày. Tuy nhiên, bên cạnh việc phát triển ngày càng mạnh mẽ, thì hiện tượng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên các sàn TMĐT cũng đang là quan ngại lớn.

Đơn cử như mới đây, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) và Cục Quản lý thị trường Hà Nội đồng loạt kiểm tra 5 địa điểm bán hàng và kho chứa hàng của 2 website kinh doanh hàng hiệu là menshop79.com và Menshopfashion.com đã phát hiện, thu giữ gần 2.000 sản phẩm giả mạo nhãn hiệu Gucci, Louis Vuitton, Hermes, Versace, Burberry… Thông tin từ Cục TMĐT và Kinh tế số cũng cho thấy, trong thời gian diễn ra cách ly xã hội do dịch Covid-19, lực lượng chức năng qua kiểm tra đã yêu cầu các sàn TMĐT như: Sendo.vn, Shopee.vn, Chotot.com, Lazada.vn, Tiki.vn... xử lý khoảng 16.200 gian hàng và 32.880 sản phẩm vi phạm kinh doanh trên môi trường mạng.

ngan chan hang gia tren san thuong mai dien tu

Cần siết chặt các biện pháp quản lý hơn nữa để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái trên các sàn TMĐT

Theo khảo sát trên các sàn TMĐT, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn được rao bán tràn lan. Đơn cử như chỉ cần nhập từ khóa tìm kiếm “túi hiệu LV giá rẻ” trên một số sàn TMĐT, nhanh chóng sẽ có hàng trăm kết quả tìm kiếm, với mức giá chỉ từ vài trăm nghìn đồng cho một chiếu túi “hiệu”, trong khi mức giá thật của hãng có thể lên tới vài chục triệu đồng.

Theo LS. Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, trong thời điểm dịch Covid-19 đang bùng phát với các biện pháp giãn cách xã hội thì phương thức mua bán hàng hóa trên các sàn điện tử online luôn là sự lựa chọn tối ưu. Tuy nhiên, cũng vì thế mà ngày càng có nhiều trường hợp “biến tướng” về kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đúng nguồn gốc… trong hoạt động TMĐT.

Và người chịu hậu quả đầu tiên chính là khách hàng khi bỏ tiền mua nhưng lại không được sử dụng sản phẩm đạt chất lượng, gây ảnh hưởng đến kinh tế, thậm chí là sức khỏe. Mặt khác, các mặt hàng không đủ chất lượng, không qua kiểm định, hàng giả, hàng nhái sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính và có thể gây thất thoát về thuế.

Theo ông Cường, hàng kém chất lượng xuất hiện ở cả những trung tâm mua sắm, trên thị trường truyền thống. Tuy nhiên, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng xuất hiện nhiều trên sàn TMĐT là do khâu quản lý thị trường chưa thực sự nghiêm túc và hiệu quả. Vì vậy, rất cần có những biện pháp để siết chặt việc đăng ký bán hàng qua sàn TMĐT.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế - TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cơ quan quản lý đã không theo kịp sự phát triển nhanh chóng và đa dạng, phong phú của sàn TMĐT, khiến tạo ra những kẽ hở để từ đó gian thương lợi dụng thực hiện những hành vi phi pháp.

“TMĐT phát triển rất nhanh mà quy định về quản lý loại hình này chưa đi vào nề nếp, vì thế khó để đảm bảo bình đẳng giữa người mua người bán” - ông Thịnh cho biết.

Cần siết chặt quản lý

Theo LS. Đặng Văn Cường, việc quản lý chất lượng sản phẩm bán trên các sàn TMĐT có vai trò và trách nhiệm lớn của chính sàn giao dịch đó, thông qua việc lựa chọn các tổ chức, cá nhân kinh doanh có sản phẩm hàng hóa nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Ngoài ra, các website TMĐT bán hàng nhất thiết phải công bố những thông tin tối thiểu trên trang chủ website như tên và địa chỉ trụ sở, số điện thoại hoặc một phương thức liên hệ trực tuyến khác. Đối với hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu trên website TMĐT bán hàng, cần phải cung cấp những thông tin để khách hàng có thể xác định chính xác các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ. Ngoài ra, sàn TMĐT cũng có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người mua hàng trên sàn của doanh nghiệp khi khách hàng mua hàng không đúng chủng loại, hàng giả, hàng kém chất lượng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cũng theo ông Cường, để quản lý và ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên các sàn TMĐT, Cục Quản lý thị trường cần phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương tăng cường kiểm tra định kỳ, thường xuyên đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh qua mạng xã hội… Đồng thời, có phương án đầu tư, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng thông tin đồng bộ với các công nghệ sử dụng trong hoạt động TMĐT trên thị trường hiện tại; cũng như thực hiện đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý hoạt động TMĐT; Tăng thêm các cơ chế chính sách quản lý hoạt động TMĐT để đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp giữa các ngành trong việc cung cấp thông tin, kiểm tra, xử lý giải quyết các vấn để liên quan đến hoạt động TMĐT.

TS. Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, còn rất cần sự chung tay của các cơ quan liên quan như cơ quan thuế, hải quan để có thể tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, hướng tới mục tiêu phát triển về TMĐT trong tương lai.

Quỳnh Trang