Nét đẹp tinh hoa từ gốm Bát Tràng đến văn hoá Ý

17:07 12/05/2022

Vừa qua, Bảo tàng Nghệ thuật hồn đất Việt Bát Tràng phối hợp với Đại sứ quán Italia tại Hà Nội tổ chức Triển lãm “Chiếc giày gốm Bát Tràng và cuộc dạo chơi cùng văn hóa Ý”. Triển lãm lần đầu tiên giới thiệu 12 tượng giày gốm lấy cảm hứng từ thời trang Italia, được khắc, vẽ, chồng men kết hợp nhiều màu sắc, chất liệu từ các nghề thủ công khác nhau, như: Khắc đồng, nạm bạc, làm hoa khô…

Bộ sưu tập của cố nghệ nhân Vũ Thắng, một trong hai nghệ nhân nhân dân của làng gốm Bát Tràng, thể hiện sự đột phá độc đáo của nghệ thuật gốm đương đại Việt Nam, trong đó có đôi giày trang trí hình hoa đào, miệng giày bọc đồng, đế giày bọc họa tiết hình lá, được tổ chức Kỷ lục Guiness Việt Nam cấp bằng công nhận là đôi giày gốm lớn nhất cả nước (2013). 

Ảnh minh họa
Không gian Bảo tàng Hồn gốm Việt tại Bát Tràng.

Sự gặp gỡ giữa kỹ thuật tinh xảo của mỹ thuật hiện đại cộng với tay nghề thủ công truyền thống, giàu sức sáng tạo của người nghệ nhân làng gốm đã tạo ra những sản phẩm mang đậm hồn cốt Việt. Triển lãm được xem như cầu nối kiến tạo nghệ thuật giữa Việt Nam và Ý. Ở đó những yếu tố truyền thống của gốm Việt như màu men, xương gốm và hoa văn hòa quyện với sự sang trọng của phong cách Ý, tạo nên nét độc đáo cho từng tác phẩm. 

Ảnh minh họa
Tác phẩm giày gốm có họa "long cuốn thủy" lấy cảm hứng từ hình tượng rồng thời Trần thế kỷ 14 .

Giữa ngôi làng 700 năm tuổi ở miền Bắc Việt Nam và xứ sở Nam Âu - hình chiếc ủng có điểm gì chung? Đó là sự tài hoa và tinh tế của những người thợ thủ công, là mối liên hệ sâu sắc và bền bỉ giữa nghệ thuật đương đại và di sản văn hóa của mỗi dân tộc. Bởi vậy, sản phẩm gốm Việt hòa quyện với phong cách Ý, tạo nên nét độc đáo chưa từng có trong 12 tác phẩm nghệ thuật gốm Bát Tràng.

Sự ra đời của những chiếc giày gốm được phát triển trên ý tưởng gốm kết hợp thời trang của nghệ sĩ Hà Đỗ. Nghệ nhân Vũ Thắng đã sáng tạo nên những tác phẩm giầy kết hợp hình dáng của đôi bốt. Khi hoàn thành, vẻ đẹp kỳ lạ từ hình dáng đến màu sắc đã khiến không ít người trầm trồ.

Không đơn thuần là các sản phẩm trang trí, Vũ Thắng lồng ghép truyền thống văn hóa bằng các họa tiết khắc chìm. Phong cảnh đất nước, sự tích dân gian, câu chuyện lịch sử… cứ thế theo bàn tay tài hoa lan tỏa các nét đẹp trên gốm. Để rồi, sau thời gian hỏa biến diệu kỳ, tác phẩm trở nên cô đọng với những câu chuyện rất riêng dù mang hơi hướng xưa cũ.

Nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Vũ Thắng góp sức bằng những chiếc chum lớn nổi bật với những nét đắp hình kết hợp vẽ. Phong cảnh trữ tình của Hà Nội, từ chùa Một Cột đến Khuê Văn Các, từ liễu rủ Hồ Gươm đến đường Thanh Niên, từ cầu Thê Húc đến đảo Hòa Bình trong Công viên Thống Nhất. Hay những cảnh núi sông, từ sông Hồng đến sông Hương, từ vịnh Hạ Long, thác bản Giốc đến dãy Trường Sơn, về từng giai đoạn lịch sử dân tộc… tất cả hiện lên sống động và lãng mạn trên chất men tự nhiên và sâu lắng. Ông cũng quan niệm, là nghệ nhân phải có trách nhiệm giữ gìn nét đẹp và tinh hoa của làng nghề. Tìm về nguồn cội, lan tỏa nét truyền thống trên các sản phẩm cũng là cách để quảng bá hình ảnh văn hóa đất nước.

Năm 2016, khi bảo tàng gốm tư nhân đầu tiên được lập, cũng là lúc nghệ nhân Vũ Thắng đột ngột qua đời. Tuy nhiên, ông đã kịp để lại di sản cá nhân với loạt tác phẩm gốm nổi tiếng mà đến nay, vẫn được đông đảo người yêu gốm khắp trong và ngoài nước quan tâm, yêu thích. Nhân dịp này, Bảo tàng Nghệ thuật hồn đất Việt Bát Tràng cũng ra mắt website battrang.museum, một nền tảng số về gốm đương đại Việt Nam.

Vũ Tiến