Nền kinh tế Trung Quốc trượt dốc khi đối mặt đại dịch

17:24 16/05/2022

Hoạt động kinh tế của Trung Quốc đã hạ nhiệt mạnh vào tháng 4 khi việc phong tỏa do COVID-19 mở rộng gây ảnh hưởng nặng nề đến tiêu dùng, sản xuất công nghiệp và việc làm, làm tăng thêm lo ngại nền kinh tế có thể thu hẹp lại trong quý 2/2022.

Đường phố tại thị trấn Triều Dương, ngoại ô Bắc Kinh, Trung Quốc trong đợt phong tỏa (Ảnh: Mark Schiefelbein)
Đường phố tại thị trấn Triều Dương, ngoại ô Bắc Kinh, Trung Quốc trong đợt phong tỏa (Ảnh: Mark Schiefelbein).

Việc khóa cửa toàn bộ hoặc một phần đã được áp đặt tại các thành phố lớn trên khắp đất nước vào tháng 3 và tháng 4, bao gồm cả thành phố đông dân nhất Thượng Hải, ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu dùng và tăng rủi ro cho những bộ phận của nền kinh tế toàn cầu phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc.

Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia (NBS) trong tháng 4 đã giảm 11,1% so với một năm trước đó, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3 năm 2020 và giảm mạnh hơn dự báo của nước này.

Sản lượng của các nhà máy đã giảm 2,9% so với một năm trước đó, phá tan kỳ vọng về sự gia tăng và mức giảm lớn nhất kể từ tháng 2 năm 2020, do các biện pháp phong tỏa đã làm rối loạn chuỗi cung ứng và tê liệt các hệ thống phân phối. Các nhà phân tích hiện cảnh báo suy thoái hiện tại của Trung Quốc có thể khó lay chuyển hơn so với thời kỳ bùng phát đại dịch Corona virus vào đầu năm 2020, với xuất khẩu khó có thể tăng cao hơn và các nhà hoạch định chính sách bị hạn chế trong các lựa chọn kích thích kinh tế của họ.

Các nhà phân tích của Capital Economics cho biết: “Kết quả là mặc dù điều tồi tệ nhất đã qua đi, nhưng chúng tôi cho rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải vật lộn để trở lại xu hướng trước đại dịch.

Dữ liệu yếu đã khiến chỉ số chứng khoán blue-chip của Trung Quốc rơi vào sắc đỏ trong sự đảo ngược mạnh mẽ so với mức tăng buổi sáng và cũng chấm dứt đợt phục hồi ngắn ngủi được thấy ở các thị trường châu Á khác vào thứ hai, 16/5/2022.

Sản lượng công nghiệp xung quanh đồng bằng sông Dương Tử, bao gồm Thượng Hải, đã giảm 14,1% trong tháng 4, trong khi ở phía đông bắc Trung Quốc giảm 16,9%. Cả hai khu vực đều chứng kiến ​​sự sụt giảm hơn 30% trong doanh số bán lẻ. Cùng với sự sụt giảm sản lượng công nghiệp bất ngờ, Trung Quốc chế biến dầu thô ít hơn 11% vào tháng 4, với sản lượng hàng ngày thấp nhất kể từ tháng 3 năm 2020. Trong cùng tháng, sản lượng điện giảm 4,3%, thấp nhất kể từ tháng 5 năm 2020.

Fu Linghui, người phát ngôn của cục thống kê Trung Quốc, cho biết trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm thứ Hai: “Vào tháng 4, dịch bệnh đã có tác động tương đối lớn đến hoạt động kinh tế, nhưng tác động này là ngắn hạn”. Fu cho biết, ông hy vọng nền kinh tế sẽ cải thiện trong tháng 5 với dịch COVID-19 bùng phát ở Cát Lâm, Thượng Hải và những nơi khác đang được kiểm soát.

Đầu tư vào tài sản cố định, lĩnh vực mà Bắc Kinh đang dựa vào để nâng đỡ nền kinh tế khi xuất khẩu mất đà, đã tăng 6,8% trong bốn tháng đầu năm, thấp hơn so với mức dự kiến tăng 7,0%.

Dữ liệu cho thấy, doanh thu dịch vụ ăn uống cũng giảm 22,7% trong tháng 4 do dịch vụ ăn uống ở một số tỉnh bị đình chỉ. Doanh số bán ô tô giảm 47,6% do các nhà sản xuất ô tô cắt giảm sản lượng trong bối cảnh các phòng trưng bày trống rỗng và tình trạng thiếu phụ tùng trong ngành.

Doanh số bán bất động sản tính theo giá trị đã giảm 46,6% so với một năm trước đó, tốc độ nhanh nhất kể từ ít nhất là năm 2010, khi COVID-19 làm giảm nhu cầu của thị trường.

Cú sốc COVID cũng đè nặng lên thị trường việc làm, hiện được coi là ưu tiên chính sách hàng đầu của Bắc Kinh nhằm duy trì sự ổn định kinh tế và xã hội. Tỷ lệ thất nghiệp dựa trên khảo sát trên toàn quốc của Trung Quốc đã tăng lên 6,1% vào tháng 4, cao nhất kể từ tháng 2 năm 2020 và cao hơn mục tiêu năm 2022 của chính phủ là dưới 5,5%.

Các nhà phân tích cho rằng, mục tiêu tăng trưởng chính thức vào năm 2022 của Trung Quốc là khoảng 5,5% đang ngày càng khó đạt được khi các quan chức duy trì các chính sách không COVID hà khắc và nền kinh tế chỉ tăng trưởng 4,8% trong quý đầu tiên.

Nie Wen, nhà kinh tế học tại Hwabao Trust tại Thượng Hải, cho biết, việc phong tỏa kéo dài ở Thượng Hải và có thể cả Bắc Kinh đang làm tăng thêm lo ngại về tăng trưởng trong thời gian còn lại của năm.

“Vẫn có thể đạt được mức tăng trưởng GDP khoảng 5% trong năm nay nếu các biện pháp hạn chế COVID sẽ chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế vào tháng 4 và tháng 5. Nhưng vi rút này rất dễ lây lan, và tôi vẫn lo ngại về sự phát triển trong tương lai”.

Nie cho biết các nhà chức trách sẽ thận trọng trong việc áp dụng các biện pháp định lượng như cắt giảm lãi suất quy mô lớn hoặc yêu cầu giảm dự trữ của các ngân hàng để thúc đẩy nền kinh tế, do lo ngại về việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ làm đồng Nhân dân Tệ mất giá. Thay vào đó, các biện pháp cấu trúc với mục tiêu cụ thể bao gồm các lĩnh vực đang gặp khó khăn như bất động sản, sẽ được sử dụng.

Trong một dấu hiệu tiếp tục được hỗ trợ, ngân hàng trung ương của Trung Quốc đã đảo nợ các khoản vay chính sách trung hạn đáo hạn  nhưng giữ nguyên lãi suất cho các khoản vay đó trong tháng thứ tư liên tiếp.

“Với tổng năng suất của các nhà máy vẫn chưa bắt kịp kì vọng, tăng trưởng của Trung Quốc có thể sẽ ở mức thấp trong khoảng 4,0-5,0% trong vài năm tới,” tập đoàn tài chính ANZ nhận định.

P.V