Năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn và ngày càng chênh lệch với nhiều nước trong khu vực

14:10 29/11/2022

Phát biểu tại Hội thảo “Thúc đẩy năng suất lao động (NSLĐ) cho tăng trưởng bền vững ở Việt Nam”, sáng 29/11, Thứ trưởng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh: NSLĐ của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và chênh lệch có xu hướng gia tăng.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế - xã hội. Ngay cả trong thời kỳ khó khăn do dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương.

Ảnh minh họa
 Hội thảo “Thúc đẩy năng suất lao động (NSLĐ) cho tăng trưởng bền vững ở Việt Nam”. (Ảnh: Hoài Anh). 

Quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng theo hướng cải thiện chất lượng tăng trưởng. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế đã giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, xuất khẩu thô, lao động nhân công giá rẻ và mở rộng tín dụng, từng bước chuyển sang dựa vào ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đáng chú ý hơn, ở Việt Nam, thành quả tăng trưởng kinh tế đã đi đôi với công bằng thay vì phải đánh đổi công bằng để tăng trưởng nhanh.

Những thành công trong quá khứ đã thúc đẩy Việt Nam hướng tới các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nâng cao chất lượng cuộc sống cao hơn. Việt Nam cũng xác định các trụ cột chính để hiện thực hóa khát vọng vươn cao, trong đó, nhấn mạnh duy trì tăng trưởng cao dựa trên thúc đẩy NSLĐ, nuôi dưỡng nền kinh tế đổi mới sáng tạo, để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế gắn với độc lập, tự chủ.

Với những yêu cầu đó, tăng NSLĐ là yếu tố quan trọng đối với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, và là điều kiện tiên quyết để giúp Việt Nam thu hẹp trình độ phát triển với các nước trong khu vực, hướng tới mục tiêu là nước phát triển với thu nhập cao vào 2045. 

Ảnh minh họa
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn và ngày càng chênh lệch với nhiều nước trong khu vực. (Ảnh: Hoài Anh). 

Trong giai đoạn vừa qua, NSLĐ của Việt Nam cũng có những cải thiện đáng kể. Tốc độ tăng NSLĐ bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 5,8%/năm, cao hơn mức 4,3%/năm của giai đoạn 2011-2015 trước đó. Năm 2021, tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam khoảng 4,7%, cao nhất trong các nước ASEAN.

“Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn là nước có mức NSLĐ thấp và khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới”, ông Phương nhấn mạnh.

Đây cũng là lý do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy NSLĐ cho tăng trưởng bền vững ở Việt Nam” nhằm thảo luận về các nội dung chính: Sự cần thiết thúc đẩy NSLĐ trong bối cảnh hiện nay; rà soát cơ chế, chính sách đã ban hành; đánh giá thực trạng NSLĐ theo các góc độ tổng thể nền kinh tế, ngành kinh tế, khu vực doanh nghiệp và theo vùng/địa phương, vùng kinh tế trọng điểm. Đồng thời, đề xuất mục tiêu phát triển cũng như định hướng/giải pháp chính cho giai đoạn tới.

Hội thảo là kết quả của việc triển khai nghiên cứu, xây dựng Chương trình quốc gia về tăng NSLĐ của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trong thời gian vừa qua và trên cơ sở khảo sát một số địa phương, các hội thảo kỹ thuật tham vấn ý kiến chuyên gia, và tổ chức lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương vào Dự thảo Báo cáo Đề án Chương trình quốc gia về tăng NSLĐ.

H.Anh