Nâng cao vai trò liên minh giữa các HTX là đòn bẩy giúp nông dân phát triển kinh tế tại Phú Thọ

17:57 01/05/2021

Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 551 Hợp tác xã (HTX) đang hoạt động, trong đó có 337 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

 Sự hình thành và hoạt động hiệu quả của các HTX nông nghiệp đang trở thành điểm tựa giúp người nông dân trên địa bàn tỉnh phát triển kinh tế.

Sản phẩm mỳ gạo xã Hùng Lô, Việt trì.
Sản phẩm mỳ gạo xã Hùng Lô, Việt trì..

Để sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của các HTX tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Kế hoạch Xây dựng chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã triển khai 41 chuỗi cung ứng thực phẩm rau, gia súc, gia cầm, thủy sản an toàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Con số chưa phải là lớn nhưng cũng khẳng định sự nỗ lực của tỉnh Phú Thọ trong việc xây dựng các chuỗi khép kín từ trang trại đến tay người tiêu dùng. Đây cũng là một trong những giải pháp để tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp.

HTX Nông nghiệp Thượng Nông (huyện Tam Nông) có 23 thành viên. Hiện nay, HTX liên kết với Công ty Giống cây trồng trung ương tổ chức sản xuất 60ha lúa giống và hằng năm bao tiêu 120 - 125 tấn giống lúa chất lượng cao; liên kết với Công ty Hoàng Long VAC mở các mô hình trồng đu đủ, ớt… tăng thu nhập cho các hội viên cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa. Bên cạnh đó, HTX còn liên kết với Công ty Xuất nhập khẩu nông sản Hưng Yên thuê 10,6ha ruộng của 287 hộ dân (giá thuê mỗi năm 150kg thóc/sào) để trồng cây chuối Tây Thái Lan xen chân cây đinh lăng lai.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng - Giám đốc HTX cho biết: Theo hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm chuối Tây Thái Lan, HTX và Công ty Xuất nhập khẩu nông sản Hưng Yên cùng chi kinh phí tỷ lệ 50 - 50 đối với tất cả các hạng mục đầu tư. HTX huy động nhân lực từ người dân, tổ chức quy hoạch, chăm sóc tới nông sản thành phẩm, còn Công ty chịu trách nhiệm bao tiêu xuất khẩu. Thời gian tới, HTX tiếp tục đẩy mạnh liên kết sản xuất, chủ động tìm kiếm thị trường, phát triển thêm các dịch vụ để tăng thu nhập cho các thành viên trong xã và các xã lân cận.

Thành viện HTX nông nghiệp hữu cơ xã Chương Xá, Huyện Cẩm Khê (Phú Thọ)
Thành viện HTX nông nghiệp hữu cơ xã Chương Xá, Huyện Cẩm Khê (Phú Thọ).

Với lợi thế đất phù sa ven sông, chuối Tây Thái Lan sinh trưởng tốt, mỗi cây cho lãi khoảng 50.000 đồng/buồng. Tính cả cây đinh lăng, tổng lãi mỗi năm của HTX là 12 - 13 triệu đồng/sào, cao gấp 5 lần so với cấy lúa. Sản phẩm chuối của HTX đang là một trong những sản phẩm đăng ký tham gia chương trình “mỗi xã 1 sản phẩm” (OCOP) của huyện Tam Nông. Hiện nay, chính quyền xã tích cực đẩy mạnh các hoạt động xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm này.

Đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao không chỉ là hướng đi của HTX Nông nghiệp Thượng Nông, HTX Nông nghiệp tổng hợp Yên Lập mà còn là định hướng hoạt động của nhiều HTX với mong muốn khẳng định chỗ đứng trên thị trường như: HTX sản xuất gạo nếp gà gáy Mỹ Lung, HTX gà đồi An Phú, HTX công nghệ cao Ecofarm Việt Trì, Tổ hợp tác trồng cây ăn quả Kiệt Sơn, HTX công nghệ cao Đoan Hùng...

Nhằm tạo điều kiện để các HTX thực hiện được mục tiêu này, Liên minh HTX tỉnh đã tập trung rà soát, lựa chọn các HTX có nhu cầu vay vốn để tư vấn, đảm bảo chất lượng, không chạy theo số lượng. Năm 2020, các nguồn vốn cho vay do Liên minh HTX tỉnh Phú Thọ quản lý (chủ yếu qua Quỹ hỗ trợ phát triển HTX) đã giải ngân cho vay đối với 80 HTX, tổng số tiền là 22,5 tỷ đồng. Việc hỗ trợ vốn vay ưu đãi kịp thời đã góp phần giúp các HTX tăng cường nguồn lực đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Từ đó vừa nâng cao uy tín các mô hình kinh tế tập thể, vừa tạo thu nhập ổn định cho thành viên và người lao động, đồng thời tạo sự gắn kết các thành viên HTX.

Có thể khẳng định, với sự năng động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều mô hình HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thành công trên thị trường. Tuy đã có một số HTX thực hiện liên kết, liên doanh từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm xây dựng chỗ đứng trên thị trường, nhưng thực tế việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tại các HTX nông nghiệp chưa sâu, chưa phổ biến, hiệu quả chưa cao… Một phần do người sản xuất tại HTX chưa nhận thức được đầy đủ vai trò của liên kết chuỗi giá trị, nội lực của các HTX còn yếu.

Bà Vũ Thị Minh Tâm - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: “Trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực từ ngân sách nhà nước và xã hội, tạo điều kiện để HTX tham gia xây dựng các mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị làm cơ sở để triển khai nhân rộng. Tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ nhằm thay đổi nhận thức của các HTX và nhân dân về bản chất của mô hình HTX kiểu mới; khuyến khích xây dựng, phát triển, nhân rộng các mô hình HTX nông nghiệp chất lượng cao, tạo điều kiện để các HTX tham gia thực hiện các chương trình, dự án phát triển sản xuất, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát huy tối đa tiềm lực, lợi thế sẵn có của địa phương”.

PV