Nan giải vấn đề nợ đọng bảo hiểm xã hội ở Đắk Lắk

00:00 12/10/2020

Những năm gần đây, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục có sự phát triển. Tuy nhiên, đời sống của người dân, nhất là người dân tộc thiểu số ở một số vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, như huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Lắk, M’Drắk vẫn còn nhiều khó khăn. Điều này làm cho công tác vận động người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) còn nhiều hạn chế.

Lãnh đạo BHXH tỉnh Đắk Lắk lắng nghe ý kiến thắc mắc của người lao động tại một buổi đối thoại.

BHXH là sự bảo đảm bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động... trên cơ sở đóng góp vào quỹ BHXH do Nhà nước tổ chức thực hiện. Như vậy, BHXH đã bao trùm những yêu cầu căn bản nhất về an sinh xã hội cho người lao động, cho người dân. Là chính sách tiến bộ, là ưu tiên hàng đầu của mỗi quốc gia nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động, đảm bảo đời sống an sinh và đề phòng rủi ro cho mọi người.

Với ý nghĩa đó, những năm gần đây, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng công tác tuyên truyền, phổ biến những nội dung liên quan đến các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) v.v... luôn được BHXH tỉnh Đắk Lắk quan tâm. Đặc biệt, BHXH tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp và người lao động. Riêng năm 2017, BHXH tỉnh đã tổ chức hơn 130 cuộc tọa đàm, đối thoại trực tiếp, thu hút hơn 12.500 người tham gia. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã phối hợp với các cấp, các ngành liên quan tổ chức được 5 buổi tuyên truyền cho gần 400 lãnh đạo và cán bộ làm công tác lao động, tiền lương thuộc các doanh nghiệp; 15 buổi tuyên truyền, đối thoại với hơn 1500 người lao động; phối hợp với Tỉnh đoàn Thanh niên tổ chức tư vấn, đối thoại cho gần 100 cán bộ đoàn xã, phường; tham mưu cho Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 22/12/2012 của Bộ Chính trị; tuyên truyền hướng dẫn để người dân hiểu hơn về các chính sách BHXH, những kết quả đạt được, những tồn tại và các giải pháp tháo gỡ khó khăn; cũng như những định hướng mới trong việc cải cách chính sách BHXH thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH…

 Cũng trong thời gian qua, nhất là từ năm 2017 đến nay, công tác cải cách hành chính (CCHC) luôn được BHXH tỉnh Đắk Lắk quan tâm và xác định đây là khâu đột phá trong hoạt động của ngành trên địa bàn. Hiện nay, BHXH tỉnh đang duy trì Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn ISO 9001:2008 và đã ban hành Bộ quy trình giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực chi trả các chế độ BHXH, BHTN. BHXH tỉnh cũng đang áp dụng 9 bộ phần mềm nghiệp vụ do BHXH Việt Nam cung cấp và triển khai áp dụng thành công phần mềm “Bộ công cụ hỗ trợ tập trung dữ liệu thu, sổ thẻ và tài chính kế toán”. Nội dung CCHC của đơn vị cũng như các chủ trương, chính sách về BHXH, BHYT cũng được đăng tải đầy đủ và kịp thời trên trang thông tin điện tử BHXH tỉnh. Những đột phá trong công tác tuyên truyền và cải cách TTHC cùng với quyết tâm phấn đấu của tập thể cán bộ công chức, viên chức của BHXH tỉnh đã góp phần thực hiện thắng lợi tất cả các chỉ tiêu đã đề ra. Công tác phát triển đối tượng tiếp tục được đẩy mạnh, đạt chỉ tiêu bao phủ Chính phủ giao; công tác thu BHXH, BHYT, BHTN đạt tỷ lệ cao; tỷ lệ nợ thấp so với bình quân chung toàn Ngành; công tác chi trả các chế độ BHXH, BHYT đảm bảo an toàn, kịp thời. Công tác rà soát, bàn giao sổ BHXH cho người lao động và việc đồng bộ mã số BHXH thực hiện đúng kế hoạch và tiến độ do BHXH Việt Nam đề ra. Công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đã đi vào nề nếp…

Theo BHXH tỉnh Đắk Lắk, đến nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có hơn 1,5 triệu người tham gia BHYT, trên 100.000 người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, hơn 2.500 người tham gia BHXH tự nguyện. Những gần đây, tình hình nợ BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã được kiểm soát và có chiều hướng giảm dần qua các năm nhưng vẫn còn ở mức cao so với tỷ lệ BHXH Việt Nam giao. Tính đến 31/8/2018, tổng số nợ phải tính lãi là 89.685 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 3,16% so với số phải thu, giảm 0,34% so với tỷ lệ nợ cùng kỳ năm 2017. Nguyên nhân chủ yếu là một số doanh nghiệp khu vực ngoài quốc doanh khó khăn trong sản xuất kinh doanh, một số doanh nghiệp cố tình chây ỳ, lách luật trốn đóng, chậm đóng gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động, làm mất trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Và nợ đọng BHXH đã và đang là vấn đề nan giải nhiều năm nay.

Hội nghị đối thoại, tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT tại huyện Krông Năng.

Theo thống kê của BHXH thành phố Buôn Ma Thuột, đến hết quý I/2018, toàn thành phố còn 542 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN từ 6 tháng trở lên với tổng số nợ khoảng 29 tỷ đồng. Đáng chú ý, một số đơn vị có số nợ lớn với thời gian kéo dài lên đến nhiều năm, như: Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Việt Khôi nợ BHXH 782 triệu đồng từ tháng 8/2014; Công ty TNHH Toàn Thắng nợ BHXH 356 triệu đồng từ tháng 3/2015; Công ty TNHH Hợp tác quốc tế G.G nợ BHXH 207 triệu đồng từ tháng 5/2017… Trên địa bàn thành phố có khoảng 2.000 đơn vị tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động, trong đó có khoảng 1.800 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là “siêu nhỏ” vì chỉ có vài lao động. Tuy nhiên, đến hết quý I/2018, trong số 542 doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài nói trên có đến trên 200 doanh nghiệp “mất tích” với số nợ khó đòi lên đến trên 14 tỷ đồng. Theo BHXH thành phố Buôn Ma Thuột, các doanh nghiệp đó “mất tích” là do qua thanh tra, kiểm tra phát hiện thấy các đơn vị đó không còn hoạt động, không còn trụ sở tại địa chỉ đăng ký, số điện thoại cũng không liên hệ được, thậm chí xóa cả mã số thuế. Trong khi đó các khoản nợ đọng lại không thể xóa đi và cơ quan BHXH cũng không biết cách giải quyết như thế nào, đành treo miết ở đó và đến nay đành phải tính vào nợ khó đòi (!?)

Theo thống kê của Phòng Khai thác và thu nợ BHXH tỉnh Đắk Lắk, đã có thời điểm trên địa bàn tỉnh có 616 đơn vị nợ BHXH từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền nợ hơn 66 tỉ đồng. Nhiều đơn vị nợ kéo dài nhiều năm với số tiền lớn, như: Công ty TNHH một thành viên Cà phê Ea Tul nợ hơn 12 tỉ đồng; Công ty cổ phần Đường bộ Đắk Lắk nợ 5,8 tỉ đồng; Công ty TNHH một thành viên Cà phê 715A (huyện MDrắk) nợ 4,1 tỉ đồng; công ty TNHH một thành viên Cà phê 715C (huyện MDrắk) nợ hơn 1 tỷ đồng v.v... Tình trạng doanh nghiệp nợ BHXH đến nay tuy đã có chiều hướng giảm dần, nhưng nợ BHXH đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, trong đó có những trường hợp công nhân nữ không được thanh toán chế độ nghỉ thai sản, như tại tại Chi nhánh Công ty TNHH hợp tác quốc tế G.G có 2 trường hợp; Công ty TNHH tư vấn xây dựng Việt Khôi và Công ty TNHH Toàn Thắng có 2 trường hợp v.v...

Theo ông Lê Xuân Khánh, Trưởng phòng Khai thác và thu nợ BHXH tỉnh ĐăkLăk, những năm gần đây, riêng nợ đọng tại Công ty TNHH một thành viên Cà phê Ea Tul (đơn vị trực thuộc Tổng công ty Cà phê VN) đã chiếm gần 20% số nợ BHXH toàn tỉnh, với thời gian nợ gần 60 tháng. Công ty này có trên 200 lao động, hầu hết là người dân tộc thiểu số. Nhiều năm qua, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh không đạt hiệu quả; cơ chế khoán và quản lý sản phẩm không chặt chẽ… Khi có tiền thì đơn vị lại cân đối vào các khoản chi khác, mà ít quan tâm đến nộp BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Hiện nay, công ty đang trong giai đoạn thực hiện việc giải thể. Do đó, để thu được số tiền mà công ty đang nợ hơn 12 tỉ đồng là điều rất khó khăn.

Ông Lê Xuân Khánh, Trưởng phòng Khai thác và thu nợ BHXH tỉnh Đắk Lắk cho biết thêm: Theo văn bản số 2252/TTg-ĐMDN ngày 10/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới công ty nông nghiệp và tái cơ cấu Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Công ty TNHH một thành viên Cà phê Ea Tul thuộc diện giải thể trong năm 2016. Do đó, việc giải thể cùng với giải quyết số nợ đọng BHXH nói trên của công ty đang cần phải có hướng thực hiện cụ thể từ Tổng công ty Cà phê Việt Nam cùng các ngành liên quan.

Thời gian qua, mặc dù BHXH tỉnh Đăk Lăk đã triển khai nhiều giải pháp thu giảm nợ, nhưng đến tháng 9/2018, toàn tỉnh vẫn còn có tới 364 đơn vị nợ BHXH, BHYT từ 6 tháng trở lên với số tiền 34,3 tỷ đồng, giảm 21,3 tỷ với cùng kỳ năm 2017. BHXH đã áp dụng nhiều giải pháp, nhưng những doanh nghiệp đó vẫn cố tình chây ỳ, không thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ với người lao động. 

Theo đánh giá của BHXH tỉnh Đắk Lắk, việc nợ đọng nêu trên đã vi phạm Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm và các quy định của Nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động khi giải quyết các chế độ hưu trí, nghỉ việc một lần, ốm đau, thai sản. Do đó, việc khởi kiện các doanh nghiệp nợ BHXH ra tòa là điều cần thiết... Vì theo Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, thì Tổ chức Công đoàn được quyền khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động. Bà Nguyễn Thị Xuân, Phó giám đốc BHXH tỉnh Đắk Lắk cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, để giảm nợ đọng đến mức thấp nhất, ngoài việc tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị sử dụng lao động, BHXH tỉnh đã đề ra nhiều biện pháp như đôn đốc nhắc nhở trực tiếp các đơn vị, gửi văn bản đôn đốc của ngành BHXH, Tổ Công tác liên ngành... ngoài ra, BHXH tỉnh còn tăng cường công tác thanh tra đột xuất, thanh tra chuyên ngành đối với những đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN dây dưa, kéo dài.. có quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật, quyết liệt hơn ngành BHXH đã lập hồ sơ chuyển cơ quan Công đoàn, thậm chí chuyển cơ quan công an đề nghị khởi kiện ra tòa theo quy định. Tuy nhiên việc thu hồi nợ đọng BHXH đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vẫn còn nhiều nan giải.

Nhóm PV Tây Nguyên