Năm 2022: Tiếp tục mở rộng thị phần xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam

15:31 14/01/2022

Cá ngừ Việt Nam được nhiều quốc gia trên thế giới ưa chuộng. Mặt hàng cá ngừ Việt Nam đã có mặt ở tại 140 quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, năm 2021 với biến động lớn từ dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu và trong nước, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá ngừ đã phải linh hoạt sản xuất để có thể đáp ứng các đơn hàng. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong năm 2021, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đạt khoảng 757 triệu USD, tăng 16,6% so với năm 2020.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. 

Giải thích cho sự tăng trưởng này, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá ngừ chia sẻ, các địa phương đã thích ứng với việc chống dịch linh hoạt và hiệu quả sau Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Theo đó, việc sản xuất thủy sản nói chung và sản xuất chế biến cá ngừ nói riêng đang dần hồi phục, nhất là vào thời điểm cuối năm, nhu cầu từ các thị trường đều tăng, giá nhập khẩu cũng có xu hướng tăng.

Hiện xuất khẩu các nhóm sản phẩm cá ngừ đều tăng so với cùng kỳ, trừ cá ngừ đóng hộp; trong đó, xuất khẩu phần thịt lưng cá ngừ (cắt khúc, cắt miếng, saku….) tăng mạnh 41% so với năm 2020. Xuất khẩu cá ngừ chế biến khác tăng 14% so với năm 2020.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, dù sản phẩm cá ngừ đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng muốn phát triển ngành cá ngừ hơn nữa, ngành cá ngừ cần mở rộng thị phần để nâng vị thế cạnh tranh.

Đơn cử tại thị trường châu Âu, mỗi người dân tiêu thụ 24 kg cá ngừ và các loài cá khác mỗi năm. Tuy nhiên, kể từ năm 2014 đến nay, lượng khai thác, đánh bắt cá ngừ của các nước châu Âu giảm mạnh theo quy định bảo vệ môi trường biển, đảm bảo đa dạng loài của Ủy ban châu Âu, hầu hết nguồn thực phẩm cá ngừ và các loài cá khác đều phải nhập khẩu ngoại khối. Đây là cơ hội cho các quốc gia xuất khẩu cá ngừ; trong đó có Việt Nam.

Bên cạnh đó, thị trường Australia cũng được các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá ngừ Việt Nam đánh giá là thị trường đầy triển vọng cho ngành cá ngừ Việt Nam muốn mở rộng thị phần.

Theo thống kê của Trung tâm thương mại thế giới (ITC), Thái Lan, Indonesia, Việt Nam và Philippines là 4 nguồn cung cá ngừ hàng đầu cho thị trường Australia. Việt Nam hiện đang là nguồn cung lớn thứ 3, chiếm 1,6% tổng giá trị nhập khẩu cá ngừ của Australia. Trong khi đó, Thái Lan và Indonesia với tỷ trọng áp đảo hơn hẳn, lần lượt là 73% và 23% đang giữ vị trí đầu tiên và thứ hai. Cũng theo ITC, trong khi nhập khẩu cá ngừ của Australia từ Việt Nam tăng 209%, thì nhập khẩu từ Thái Lan giảm 15% và Indonesia tăng 28%.

Gần đây nhất, tỉnh Bình Định đã ráo riết triển khai đề án "Tổ chức khai thác, bảo quản, thu mua, xuất khẩu cá ngừ theo chuỗi", do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ. Qua đó, JICA hỗ trợ thiết bị khai thác cá ngừ đại dương cho ngư dân tham gia đề án, còn Bình Định chi hàng tỷ đồng hỗ trợ ngư dân mua sắm các thiết bị đánh bắt, bảo quản cá ngừ đại dương theo phương pháp hiện đại của Nhật Bản. Theo những hướng dẫn kỹ thuật, khai thác, đánh bắt và bảo quản của Nhật Bản, ngư dân Bình Định đã có thể tổ chức câu cá ngừ đạt chất lượng như nhà nhập khẩu mong muốn. Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, tiếp nối dự án cũ, thừa hưởng kỹ thuật khai thác và sử dụng công nghệ đúng, tỉnh Bình Định đã hỗ trợ ngư dân liên kết sản xuất với doanh nghiệp nhập khẩu cá ngừ Nhật Bản, giúp cho sản phẩm cá ngừ chất lượng có đầu ra ổn định.

Với sự liên kết này, sản phẩm cá ngừ được cấp đông nhanh và xuất khẩu bằng đường biển nên chất lượng được bảo đảm và hiệu quả cho cao hơn. Mỗi đơn vị với những hành động nhỏ trong việc tìm kiếm thị trường, kết nối tiêu thụ chính là chung tay giúp ngành cá ngừ Việt Nam có thể mở rộng thị phần, nâng vị thế cạnh tranh hơn nữa.

Lâm Nghi