Giữ gìn và phát huy nghề chạm bạc truyền thống Nà Gọn – Cao Bằng

03:56 17/02/2022

Nói đến Cao Bằng là người ta nghĩ đến ngay nơi có những những ngọn đồi bất tận trùng trùng điệp điệp với nhiều bản sắc văn hoá độc đáo đan xen nhau nhưng ít ai biết nơi đây tại Xóm Nà Gọn, thị trấn Nguyên Bình (Nguyên Bình) nằm yên bình bên dòng suối trong xanh thơ mộng, là nơi quần tụ hơn 50 nóc nhà của đồng bào Dao Đỏ đang giữ gìn, bảo tồn nghề thủ công truyền thống chạm khắc bạc.

Ngày nay trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế nghề chạm bạc của đồng bào Dao Đỏ xóm Nà Gọn vẫn được bảo tồn và phát huy, bởi những nét độc đáo riêng biệt mà công nghệ hiện đại không thể làm ra được. Ở đó, những “nghệ nhân làng” với những “bàn tay vàng” bền bỉ, lặng lẽ gìn giữ và phát triển nghề chạm bạc độc đáo. Qua bàn tay tài hoa của người thợ, những chiếc xà tích, nhẫn, vòng bạc hay khuy áo, chuông bạc tinh tế tạo nên vẻ đẹp truyền thống của người Dao Đỏ. 

Ảnh minh họa
Các nghệ nhân tại Xóm Nà Gọn, thị trấn Nguyên Bình đang cố gắng làm ra những sản phẩm ưng ý nhất.

Theo các bậc cao niên trong xóm, nghề chạm bạc gắn liền với truyền thuyết trong dân gian về con gái của Ngọc Hoàng truyền nghề cho bà con dân bản. Người Dao quan niệm, bạc đem lại sự may mắn, tài lộc và thể hiện sự giàu sang, người nào mặc đồ có gắn nhiều trang sức bạc sẽ được “thần bạc” phù hộ cho gia đình và dòng họ cũng như cả bản luôn may mắn, cuộc sống sung túc, bình an. Thế nên, các cặp vợ chồng trẻ khi kết hôn, của hồi môn bố mẹ dành tặng con cái bao giờ cũng là những đồng bạc trắng, hoa xòe nổi tiếng từ xưa…

Được biết bộ trang sức bằng bạc của người Dao khi về nhà chồng bao gồm: vòng cổ, xà tích, cúc áo và vòng tay. Trong đó, xà tích là đồ trang sức có độ tinh sảo nhất. Để làm một bộ cúc áo cũng phải mất 4 ngày liên tục, một bộ vòng cổ, xà tích muốn hoàn chỉnh phải làm liên tục một tháng, có thể phải hơn tháng mới cho ra được bộ sản phẩm. Hiện nay, xóm còn gần 10 gia đình vẫn giữ nghề và có thu nhập ổn định từ khoảng 5 - 8 triệu đồng/tháng sau khi trừ chi phí nguyên liệu.  

Ảnh minh họa
Đánh bóng sản phẩm bạc.

Ông Bàn Tòn Nhất, xóm Nà Gọn có hơn 20 năm theo nghề chạm khắc bạc cho biết: Khác với nhiều nghề khác, nghề chạm bạc của dân tộc Dao ở Nguyên Bình hoàn toàn làm bằng thủ công, đòi hỏi người thợ phải cầu kỳ, tỉ mỉ ở từng công đoạn, từ nung lửa đỏ, kéo bạc và chạm khắc. Mỗi người thợ thực sự yêu nghề, đam mê và khéo léo mới có thể làm được. Ông Nhất kể: Từ khi còn bé, những tiếng lách cách chạm bạc của ông nội và bố đã bắt nguồn cho sự đam mê với nghề của tôi. Cho đến bây giờ, khi các con trai, con gái đều có thể chạm khắc bạc nhưng mỗi khi làm ra được một sản phẩm mới, tôi vẫn thấy vui trong lòng. Nghề này đòi hỏi sự công phu, tính kiên nhẫn, tỉ mỉ và chút năng khiếu thì mới có thể trụ lại với nghề.

Sản phẩm bằng bạc của đồng bào Dao đỏ ở Nà Gọn có hoa văn với họa tiết tinh tế, phân biệt thành hai mảng sáng - tối nhờ tận dụng đặc tính phản quang của chất liệu bạc. Đối với các sản phẩm có kích thước nhỏ, nhiều hoa văn hình chìm, hình nổi tinh xảo. Hiện nay, nhiều người Dao vẫn ưa chuộng bạc chế tác thủ công để dùng cho những ngày lễ quan trọng.

Vũ Tiến