Mỹ dự kiến áp thuế lên đến 10% với lốp xe Việt Nam

05:25 16/12/2020

Cho rằng các nhà sản xuất, xuất khẩu lốp xe của Việt Nam được hưởng lợi từ 6 chương trình trợ cấp, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành kết luận sơ bộ vụ việc, dự kiến áp thuế lên đến 10% với lốp xe Việt Nam.

Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã chính thức khởi xướng điều tra chống trợ cấp đối với một số sản phẩm lốp xe ô tô có xuất xứ từ Việt Nam

Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã chính thức khởi xướng điều tra chống trợ cấp đối với một số sản phẩm lốp xe ô tô có xuất xứ từ Việt Nam. (Ảnh: minh họa: nguồn internet)

Mới đây, Bộ Công Thương có văn bản 8511/BCT-PVTM báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc Mỹ ban hành kết luận sơ bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp lốp xe ô tô của Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, trên cơ sở thông tin, dữ liệu từ 5 bản trả lời câu hỏi của Chính phủ và các bản trả lời của hai bị đơn bắt buộc là Công ty TNHH Sailun Việt Nam và Công ty Kumho Việt Nam, Bộ Thương mại Mỹ (USDOC) đã ban hành kết luận sơ bộ vụ việc.

USDOC cho rằng các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu lốp xe của Việt Nam được hưởng lợi từ việc nhận được 6 chương trình trợ cấp, bao gồm: miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu thô để sản xuất hàng xuất khẩu; chính phủ cung cấp hàng hóa thấp hơn giá trị thông thường; ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, biên độ trợ cấp; miễn thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng trong các khu công nghiệp, biên độ trợ cấp; định giá thấp tiền tệ và ưu đãi tiền thuê đất.

Trên cơ sở đó, USDOC kết luận tổng mức biên độ trợ cấp cho công ty Kumho là 10,08%, công ty Sailun là 6,23%, các doanh nghiệp xuất khẩu còn lại có mức trợ cấp là 6,77%. Điều này trở thành căn cứ để phía Mỹ đã sơ bộ kết luận nội dung chống trợ cấp lốp xe ô tô của Việt Nam với mức thuế suất dao động từ 6,23% - 10,08%.

Dựa trên nội dung của kết luận sơ bộ này, USDOC sẽ thông báo Cơ quan hải quan và Biên giới Mỹ thu tiền đặt cọc từ các nhà nhập khẩu lốp xe từ Việt Nam với mức thuế tương ứng với biên độ trợ cấp.

Liên quan đến những động thái này của USDOC, Bộ Công Thương đưa ra nhận định: “Các chương trình như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi thuê đất là các ưu đãi doanh nghiệp nhận được trên thực tế và đều được quy định rõ tại các văn bản pháp luật. Vì vậy ta khó có thể bác bỏ các cáo buộc này”.

Đối với nội dung định giá thấp tiền tệ, USDOC kết luận biên độ trợ cấp là 1,69% với Công ty Kumho và 1,16% với công ty Sailun.

Về nội dung này, Bộ Công Thương cho ha,y đây là cáo buộc mới và có ý nghĩa quan trọng trong vụ việc và cũng là nội dung rất khó khăn trong quá trình xử lý vụ việc vì điều tra định giá thấp tiền tệ là quy định mới của Mỹ nhằm thực hiện chủ trương tăng cường hạn chế nhập khẩu, bảo hộ thương mại (với trọng tâm là nhằm vào Trung Quốc).

Không loại trừ khả năng Mỹ sẽ cố gắng kết luận VND bị định giá thấp, coi đây là trợ cấp để tạo tiền lệ trong các vụ việc lớn hơn trong tương lai, đồng thời thử phản ứng của các nước về quy định mới của Mỹ.

Bộ Công Thương cũng sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về mức thuế vào ngày 16/3/2021, khoảng thời gian mà Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ dự kiến sẽ đưa ra phán quyết về vụ việc.

Trước đó, Việt Nam cũng nhiều lần phủ nhận việc sử dụng tỷ giá hối đoái để thúc đẩy thương mại. Báo Công an Nhân dân dẫn lời Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng tại một cuộc họp báo diễn ra hồi tháng 10 khẳng định: Việt Nam không bao giờ sử dụng tỷ giá để tạo lợi thế cạnh tranh.

Cụ thể, người đứng đầu NHNN Việt Nam cho biết mục tiêu xuyên suốt trong điều hành chính sách tiền tệ, trong đó có điều hành tỷ giá của NHNN là kiểm soát lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ, mô tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững trong trung và dài hạn.

“Biên độ trợ cấp liên quan tới định giá thấp tiền tệ cao nhất ở mức 1,69% là tương đối khả quan, cho thấy nỗ lực của cơ quan Chính phủ, các bên liên quan và luật sư đã đem lại kết quả tích cực”, Bộ Công Thương đánh giá.

Cơ quan này phân tích thêm rằng biên độ trợ cấp tổng thể của các công ty bị đơn bắt buộc bị đẩy lên cao chủ yếu đến từ chương trình ưu đãi thuê đất. Nguyên nhân là do USDOC xác định giá đất tại Việt Nam không tuân theo nguyên tắc thị trường.

Bên cạnh đó, Mỹ điều tra việc Chính phủ kiểm soát và sở hữu phần lớn ngành sản xuất cao su thiên nhiên, nhờ đó cung cao cao su thiên nhiên thấp hơn giá thị trường cho các nhà sản xuất lốp xe ở Việt Nam, dẫn đến doanh nghiệp xuất khẩu lốp xe được lợi thế cạnh tranh về giá so với các nhà sản xuất lốp xe của Mỹ.

Tuy nhiên trong kết luận sơ bộ, USDOC công bố mức chênh lệch giá là không đáng kể (0,11%) và chỉ áp dụng với Công ty Sailun.

Ông Nguyễn Quốc Anh - Chủ tịch Hội Cao su Nhựa TP. HCM - cho hay: “Mức thuế này chỉ là tạm thời, theo đó, từ tháng 10, các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu lốp xe sang Mỹ phải nộp một khoản tiền tương ứng với mức thuế được công bố. Đến tháng 3 năm sau, nếu quyết định chính thức áp dụng họ sẽ thu giữ khoản tiền đó, còn không sẽ trả lại cho doanh nghiệp”.

Cũng theo ông Quốc Anh, so với các nước khác như Trung Quốc, Indonesia với mức thuế cao hơn thì việc xuất khẩu lốp xe của Việt Nam sang Mỹ dù có ảnh hưởng nhưng sẽ không nhiều và sức bán cũng như doanh thu ngành sẽ không giảm đáng kể.

Bộ Công Thương cho biết, phía Mỹ mới chỉ sơ bộ kết luận nội dung chống trợ cấp; đối với nội dung chống bán phá giá (chỉ điều tra doanh nghiệp), USDOC sẽ có kết luận sơ bộ vào ngày 29/12/2020.

Sau khi ban hành kết luận sơ bộ, USDOC có thể tiến hành thẩm tra tại chỗ các cơ quan của Chính phủ trong thời gian tới để xác minh lại các thông tin đã gửi trong bản trả lời câu hỏi. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Mỹ thông báo sẽ không tiến hành thẩm tra tại chỗ.

Mỹ sẽ yêu cầu Chính phủ cũng như các doanh nghiệp cung cấp thông tin bổ sung để tiến hành các bước tiếp theo trong vụ việc điều tra này trước khi đưa ra kết luận cuối cùng, dự kiến vào ngày 15/3/2021 tới đây.

Phương Ngân