Mỹ có thể cấm mọi thiết bị viễn thông mới của Huawei và ZTE vì lý do an ninh quốc gia

18:16 15/10/2022

Mỹ đang cho thấy đường lối cứng rắn hơn đối với lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc khi sẵn sàng cấm mọi thiết bị viễn thông mới của Huawei và ZTE trên thị trường nội địa.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

South China Morning Post dẫn báo cáo của các phương tiện truyền thông và chuyên gia trong ngành cho biết Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) sẽ chính thức cấm phê duyệt thiết bị viễn thông mới của Huawei và ZTE vì lý do an ninh quốc gia. Hiện vấn đề đang được các ủy viên FCC bỏ phiếu và được nhiều người mong đợi sẽ thông qua.

Quan chức FCC xác nhận sự tồn tại của dự thảo và cho biết, nếu được thông qua, nó sẽ mở rộng quy định của FCC đối với danh sách các nhà cung cấp bị xem là nguy cơ an ninh quốc gia.

“FCC vẫn cam kết bảo vệ an ninh quốc gia bằng cách đảm bảo rằng những thiết bị liên lạc không đáng tin cậy sẽ không được phép sử dụng trong biên giới của chúng ta và chúng tôi đang tiếp tục công việc đó ở đây”, Chủ tịch FCC Jessica Rosenworcel nói trong một tuyên bố.

Thiết bị của Huawei và ZTE đã phải đối mặt với nhiều hạn chế kể từ khi bị chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump thêm vào danh sách đen thương mại hồi năm 2019, theo đó các công ty Mỹ không được phép kinh doanh với các nhà cung cấp mạng Trung Quốc nếu không có sự miễn trừ.

Theo Đạo luật Thiết bị an toàn năm 2021 được Tổng thống Joe Biden ký cuối tháng 11/2021, FCC phải phát triển quy định trong vòng 1 năm để ngừng đánh giá, phê duyệt thiết bị do các công ty rủi ro sản xuất. Hiện nay, tất cả thiết bị có thể phát ra tần số vô tuyến đều phải được FCC cấp phép trước khi bán tại Mỹ. Quy trình lâu đời này nhằm loại bỏ các thiết bị có thể gây nhiễu tín hiệu khỏi thị trường Mỹ. Dù vậy, theo dự thảo mới, FCC sẽ lần đầu đưa lợi ích an ninh quốc gia vào quy trình phê duyệt thiết bị.

Cộng đồng quốc phòng Mỹ cho rằng hệ thống mạng của Trung Quốc, đặc biệt là những hệ thống liên quan đến khả năng truyền dẫn vô tuyến, có thể được sử dụng cho hoạt động gián điệp. “Đây là bước cuối cùng để đưa thiết bị từ các nhà cung cấp không đáng tin cậy ra khỏi mạng của Mỹ. Có những lo ngại cho rằng những thiết bị này sẽ được dùng để theo dõi người Mỹ bằng cách thu thập và lấy dữ liệu. Hơn nữa, mỗi thiết bị như vậy còn có nguy cơ như một phương tiện tấn công mạng tiềm ẩn”, ông Martijn Rasser thuộc Trung tâm An ninh Mỹ nói.

Tập đoàn truyền thông Axios, đơn vị đầu tiên đưa tin về vấn đề, cho biết đây sẽ là lần đầu tiên FCC cấm thiết bị điện tử vì lý do an ninh quốc gia. Lệnh cấm được đưa ra cùng thời điểm chính quyền Washington ngày càng nỗ lực tạo ra các rào cản và hạn chế quyền truy cập của Trung Quốc vào 5G, cũng như các mạng và công nghệ tiên tiến khác của phương Tây, vì lo ngại về mối đe dọa kinh tế, quân sự mà Bắc Kinh đặt ra.

Trang CNN đánh giá lệnh cấm được đề xuất sẽ tác động sâu sắc hơn các biện pháp trước đây của FCC đối với Huawei và ZTE. FCC cấm các nhà mạng Mỹ dùng nguồn vốn liên bang để mua sản phẩm từ Huawei và ZTE, cũng như các nhà cung ứng khác trong danh sách “covered list”. Tuy nhiên, theo ông Carr, các sản phẩm như vậy vẫn đến tay nhà mạng thông qua những nguồn vốn khác. FCC nên sử dụng quyền cấp phép thiết bị của mình để chặn hoàn toàn.

FCC còn thiết lập chương trình nhằm giúp các hãng viễn thông “loại bỏ và thay thế” thiết bị Huawei và ZTE khỏi mạng lưới của mình. Dù vậy, chi phí dự kiến của chương trình lên tới 5,6 tỷ USD, cao hơn nhiều ước tính ban đầu (2 tỷ USD).

Các nhà mạng hàng đầu Mỹ nói không dùng thiết bị của Trung Quốc, trong khi nhiều chuyên gia chính sách viễn thông chia sẻ hầu như chúng chỉ có mặt trong mạng của các nhà cung cấp nhỏ để tiết kiệm chi phí.

Tuần trước, chính quyền Mỹ đã thông báo rằng họ sẽ hạn chế bán một số công nghệ chip nhất định cho các công ty Trung Quốc, một động thái nhằm làm chậm tiến độ phát triển siêu máy tính của quốc gia này. Nhà Trắng cũng đang xem xét các lệnh hành pháp nhắm vào Trung Quốc, bao gồm lệnh có thể hạn chế khả năng đầu tư tiền vào các công ty Trung Quốc của các nhà đầu tư Mỹ, và lệnh khác sẽ áp dụng nhiều biện pháp giám sát hơn đối với các ứng dụng di động có quan hệ với các cường quốc nước ngoài.

TH