Muốn đẩy lùi tín dụng “đen” phải đưa vốn xuống vùng sâu

00:00 12/10/2020

Thiếu nguồn vốn chính thức cho vay ở khu vực vùng sâu, vùng xa tạo đất diễn cho tín dụng đen hoành hành thời gian qua.

Ảnh minh họa

Theo Thanh tra giám sát (NHNN), trong thời gian qua, ngành ngân hàng đã phối hợp theo đề nghị của cơ quan công an, các sở, ban ngành, chính quyền địa phương tham gia xử lý 218 vụ việc liên quan đến tín dụng “đen” tại 16 tỉnh, thành phố trên cả nước, với tổng số tiền khoảng 117 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 11/2018, dư nợ tín dụng nông nghiệp nông thôn ước đạt khoảng 1,69 triệu tỷ đồng, tăng 14,5% so với cuối năm 2017, với hơn 14 triệu lượt khách hàng còn dư nợ; chiếm tỷ trọng gần 24% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.

Hiện có khoảng 70 tổ chức tín dụng, mạng lưới hơn 1.100 quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng Chính sách Xã hội tham gia cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn. Tại một số ngân hàng cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng mạnh như: Agribank chiếm gần 70% (tổng dư nợ 1 triệu tỷ đồng); Ngân hàng Chính sách Xã hội dành 94% nguồn vốn cho vay nông nghiệp, nông thôn; trong đó, 96% cho vay hộ nghèo, cận nghèo…

Tuy nhiên, theo một lãnh đạo cấp cao trong ngành tài chính, muốn đẩy lùi được tín dụng phi chính thức hay còn gọi là tín dụng “đen” lãi suất cắt cổ, giải pháp đầu tiên phải là đẩy mạnh tín dụng chính thức, làm sao để cho người dân thấy được việc vay vốn ngân hàng không quá khó khăn, phức tạp, một “núi” giấy tờ, hồ sơ như suy nghĩ lâu nay…

Trước thực trạng tín dụng “đen” hoành hành trong thời gian qua, trách nhiệm được cho là chỉ thuộc về ngành công an quản lý, song theo lãnh đạo NHNN, tới đây cũng sẽ là một phần trách nhiệm của ngành ngân hàng trong việc đẩy lùi tín dụng đen. Trong đó, nhiệm vụ của các ngân hàng đưa vốn xuống vùng sâu, vùng xa là điều thiết yếu.

Bởi theo Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN), đối tượng vay nặng lãi mà các tổ chức, cá nhân nhắm tới là những người cần tiền để chữa bệnh, giải quyết nhu cầu cuộc sống, người có thu nhập không ổn định, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa không có hiểu biết, đối tượng cờ bạc cá độ bóng đá...

 Tín dụng “đen” ngày càng biến tướng, tiếp cận người dân bằng cách treo tờ rơi, áp phích nơi công cộng, sử dụng mạng xã hội, núp bóng dưới các cửa hàng cầm đồ, công ty cho vay tài chính… Lãi suất thường được tính bằng chục phần trăm trong một tuần, hoặc một tháng, thay vì năm. Vì thế, để đẩy lùi được tín dụng đen cần sự phát triển của nguồn tín dụng chính thức xuống vùng sâu.

Trước mắt, Agribank được yêu cầu nghiên cứu triển khai gói tín dụng khoảng 5.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng với thủ tục, hồ sơ nhanh gọn, có thể sáng vay chiều giải ngân, đáp ứng nhu cầu cấp thiết và chính đáng của người dân.

Bởi lẽ, theo Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú, nếu người dân tiếp cận được tín dụng qua kênh chính thức khi có nhu cầu vốn với thủ tục, hồ sơ đơn giản…, họ sẽ không phải tìm đến tín dụng đen. Mục tiêu của gói tín dụng 5.000 tỷ đồng được Agribank triển khai giúp người có thu nhập thấp, nông dân vùng sâu, vùng xa không phải tìm tới tín dụng đen.

Ngoài Agribank, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng được yêu cầu bổ sung chương trình cho vay tiêu dùng phục vụ đời sống hộ cận nghèo, hộ nghèo.

Vì thế, theo yêu cầu của NHNN, không chỉ Agribank, Ngân hàng Chính sách xã hội, mà các tổ chức tín dụng khác cũng cần vào cuộc, nghiên cứu sản phẩm cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống để người dân, doanh nghiệp siêu nhỏ tiếp cận được vốn chính thức, nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ phải triển khai các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen.

Ngoài khu vực nông thôn, thì tín dụng tiêu dùng cũng phải được phủ sóng ở các huyện ngoại thành phố lớn, các khu công nghiệp. Một chuyên gia ngân hàng cho rằng, cầu vốn của người dân luôn có và tồn tại, thường tăng cao hơn các tháng trong năm. Đáng chú ý là, với những tiểu thương buôn bán nhỏ, lẻ và ngay cả người dân ít am hiểu về tài chính, lãi suất cũng có nhu cầu lớn về vốn tín dụng, có tới 60 - 65% tín dụng phi chính thức là vay bạn bè, họ hàng, người thân...

Thùy Vinh