Mua cổ phiếu quỹ, ‘đơn thuốc’ chống dịch cấp tốc của doanh nghiệp

00:00 12/10/2020

Thị giá cổ phiếu rơi về vùng giá thấp, hàng chục doanh nghiệp lập kế hoạch chi cả ngàn tỉ đồng để mua cổ phiếu quỹ. Động thái này được coi là một “đơn thuốc” khẩn cấp nhằm cứu giá cổ phiếu, đồng thời tăng “kháng thể” cho doanh nghiệp nhằm phòng ngừa nguy cơ bị thâu tóm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Khởi động “chiến dịch” cứu giá cổ phiếu

Chỉ trong 2 tuần thị trường chứng khoán Việt Nam mất gần 30 tỉ đô la vốn hóa, kỷ lục về bước giảm sâu sau 19 năm cũng đã được xác lập. Tổn thất này phần lớn đến từ tâm lý hoang mang của nhà đầu tư khi tình hình dịch bênh ngày một leo thang. Tuy nhiên, đã có số ít cổ phiếu quay đầu ngược dòng trong các phiên giao dịch gần đây như của Công ty cổ phần Gemadept, Công ty cổ phần Thiết bị Điện Việt Nam, Thực phẩm Sao Ta hay PAN Group.

Tuần trước, trong bối cảnh tiêu cực chung nhưng các mã chứng khoán này vẫn đi ngược thị trường và tăng điểm liên tục. Điều này không phải là ngẫu nhiên khi 4 công ty kể trên vừa công bố kế hoạch mua lại hàng chục triệu cổ phiếu trên thị trường. Tổng lượng tiền mà nhóm doanh nghiệp này mua cổ phiếu quỹ có thể lên đến con số ngàn tỉ đồng. Đáng chú ý, PAN bày tỏ ý định mua đến 10% lượng cổ phần đang lưu hành, tương đương 21,6 triệu cổ phiếu.

Đó là những đơn vị đi tiên phong công cuộc "cứu hộ" giá cổ phiếu giảm sâu vì dịch Covid-19 bằng cổ phiếu quỹ. Sau vài phiên thị trường rơi tự do, hàng loạt doanh nghiệp cũng nhập cuộc vào phong trào này. Cụ thể, có 6 đơn vị có động thái tương tự, từ ngân hàng như TP Bank cho đến các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản như Đạt Phương Group, Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu hay một hãng sợi như Sợi Thế Kỷ.

Thực tế trên sàn, kế hoạch mua lại cổ phiếu quĩ cũng đang gấp rút được triển khai tại hàng loạt công ty bất động sản, nhóm doanh nghiệp thường dùng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo cho các khoản nợ vay hay phát hành trái phiếu.

Cụ thể, Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu thông qua phương án mua lại 2 triệu cổ phiếu quỹ ngay trong quí 2-2020. Cường Thuận Idico dự định mua lại 15,7 triệu cổ phiếu. Bất động sản và đầu tư VRC muốn mua lại tối đa 10 triệu cổ phiếu quĩ, tương đương 20% tổng số cổ phiếu đang lưu hành...

Giải thích cho bước đi nói trên, hầu hết doanh nghiệp cho rằng thị giá cổ phiếu đang ở mức thấp hơn giá trị thực nên việc mua vào cổ phiếu chính làm bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp và cổ đông. Mua cổ phiếu quỹ được khuyến khích bởi lẽ tác động tích cực từ những giao dịch này thường đến tức thì, thậm chí trước cả khi chúng được thực hiện.

Không chỉ quyển động từ các doanh nghiệp, cơ quan chức năng cũng bắt đầu đưa ra các biện pháp nhằm hỗ trợ thị trường chứng khoán. Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết thời gian xử lý hồ sơ mua cổ phiếu quỹ của doanh nghiệp được rút ngắn trong vòng 1 ngày, thay vì mất đến 7 ngày như trước.

Mua cổ phiếu quỹ ở mức giá thấp, đặc biệt là khi mức giá đó bị ảnh hưởng nhiều bởi các yếu tố tâm lý, có thể mang lại lợi ích bất ngờ đối với doanh nghiệp, cổ đông. Trong ngắn hạn, hoạt động mua lại giúp doanh nghiệp trấn an cổ đông, thông qua hành động cụ thể, rằng cổ phiếu đã đủ hấp dẫn. Về dài hạn, khi cổ phiếu có thể đạt lại được những mức cao trước đây, doanh nghiệp có cơ hội thu được thặng dư khi bán ra trở lại. Động thái mua cổ phiếu quỹ cũng là một dấu hiệu, nhưng không phải là đảm bảo, rằng doanh nghiệp hoàn toàn dư dả nguồn lực ngay giữa lúc kinh doanh khó khăn.

Ông Phan Dũng Khánh, Trưởng Bộ phận phân tích Công ty Chứng khoán Maybank KimEng cho rằng, việc doanh nghiệp rót tiền mua cổ phiếu quỹ như một phản xạ tự nhiên trong bối cảnh này. Nhưng xét cho cùng thì việc gì cũng có tính hai mặt nếu mục đích không rõ ràng. Trong trường hợp doanh nghiệp dư dả về tiền mặt thì động thái này đươc xem là tích cực, tuy nhiên khi không dư dả về tiền mặt mà “thể hiện” tinh thần cứu giá có thể sẽ vướng rủi ro.

“Có thể để trấn an cổ đông nhiều doanh nghiệp chấp nhận mua lại cổ phiếu quỹ trong bối cảnh thiếu hụt tiền mặt. Nguồn tiền để thực hiện có thể là đi vay hoặc lấy từ hoạt động kinh doanh khác tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp. Rủi ro trên sàn là rất nhiều nên các doanh nghiệp sử dụng “đòn bẩy” vẫn phải trông đợi vào may mắn”, ông Phan Dũng Khánh chia sẻ.

Bước đi chống thâu tóm

Trên thực tế, các doanh nghiệp tính đến chuyện mua lại cổ phiếu quỹ khi giá cổ phiếu giảm mạnh sâu. Việc mua lại cổ phiếu quỹ giúp bình ổn giá thị trường và gia tăng giá trị cho cổ đông. Mua cổ phiếu quỹ làm giảm lượng cổ phiếu đang lưu hành cũng là cách để doanh nghiệp gia tăng tỷ lệ sinh lời trên mỗi cổ phiếu, làm cho kết quả kinh doanh hàng năm được nhìn lại dưới một góc độ tốt hơn.

Động thái mua cổ phiếu quỹ cũng là một biện pháp giúp doanh nghiệp tránh khỏi các thế lực khác gom mua cổ phiếu khi giá lao dốc để thao túng, nắm quyền kiểm soát công ty. Thậm chí, đây cũng có thể là bước đệm cho doanh nghiệp thực hiện giảm vốn điều lệ thông qua việc mua và sau đó hủy số cổ phiếu quỹ đã mua.

Nguồn: Thống kê trên sàn HOSE, HNX

Diễn biến trên thị trường chứng khoán những ngày vừa qua cũng phần nào cho thấy sự phòng vệ kỹ càng của doanh nghiệp. Có thể thấy, không chỉ doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ mà không ít người nội bộ, người có liên quan cũng đang rục rịch gom.

Đáng chú ý có thể kể đến việc con trai của Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long đăng ký mua 20 triệu cổ phiếu HPG, thương vụ trị giá hàng trăm tỉ đồng trong bối cảnh Covid-19 đã có những ảnh hưởng đáng kể lên doanh nghiệp này mà điển hình là việc làm chậm tiến độ dự án Nhà máy Hòa Phát Dung Quất.

Một số thương vụ lớn khác, như Chủ tịch Novaland Bùi Thành Nhơn muốn mua thêm 5 triệu cổ phiếu NVL, sau khi vừa thực hiện xong đợt mua 9,4 triệu cổ phiếu; Chủ tịch HĐQT Cơ Điện Lạnh REE Nguyễn Thị Mai Thanh đăng ký mua 15 triệu cổ phiếu REE; một Phó tổng giám đốc Nhựa An Phát Xanh đăng ký mua đến 5 triệu cổ phiếu AAA; hay một loạt lãnh đạo của TTC Land đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu SCR…

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán liên tục có những phiên bán tháo do những lo ngại về sự ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc giá cổ phiếu được sử dụng làm tài sản thế chấp lao dốc trở thành mối quan tâm của không ít nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư cá nhân nắm giữ trái phiếu.

Những điều lo ngại trên là có cơ sở khi trong lịch sử từng có những trường hợp các nhà băng phải bán giải chấp cổ phiếu để thu hồi nợ vay. Điển hình, Ngân hàng Bản Việt từng giải chấp 2,62 triệu cổ phiếu HNG của Hoàng Anh Gia Lai Agrico. Cùng với đó, ACB cũng giải chấp 5,82 triệu cổ phiếu HNG. Hiện nay về đánh giá rủi ro với các nghĩa vụ vay trên việc đảm bảo bằng trái phiếu, các nhà băng cũng phần nào thận trọng hơn.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam và toàn cầu đang phủ một màu tối thì vẫn chưa có gì chắc chắn cho những diễn biến tiếp theo. Trường hợp cổ phiếu HNG được Hoàng Anh Gia Lai mang đi thế chấp là bài học nhãn tiền, vì vậy các biện pháp phòng vệ là điều các doanh nghiệp cần phải cân nhắc.

V. Dũng