Một số lưu ý về hiệu lực thỏa thuận trọng tài theo luật trọng tài Trung Quốc

09:04 10/06/2021

Để tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài tại Trung Quốc, trước hết phải có thỏa thuận trọng tài có hiệu lực. Theo đó, cần lưu ý đến các quy định tại Luật trọng tài Trung Quốc về hiệu lực của thỏa thuận trọng tài, nhằm đảm bảo thỏa thuận trọng tài đã được lập không bị tòa án nhân dân có thẩm quyền của Trung Quốc tuyên vô hiệu, và tuyên tranh chấp đó không được giải quyết bằng trọng tài.

Theo khoản 3 điều 16 Luật trọng tài Trung Quốc, việc “lựa chọn hội đồng trọng tài” là một trong ba nội dung phải có trong thỏa thuận trọng tài, và phải ghi rõ trong thỏa thuận trọng tài, nếu không thỏa thuận trọng tài sẽ vô hiệu. 

Ảnh minh họa, Nguồn Internet
Ảnh minh họa, Nguồn Internet.

Pháp luật Việt Nam và pháp luật nhiều nước quy định đương sự của vụ tranh chấp có thể thỏa thuận đưa tranh chấp ra giải quyết bằng trọng tài tại tổ chức trọng tài nước ngoài hoặc trọng tài quốc tế, cho dù tranh chấp đó có yếu tố nước ngoài hay không. Nhưng pháp luật Trung Quốc lại chia ra thành “trọng tài trong nước” và “trọng tài nước ngoài”. Nếu một bên hoặc hai bên đương sự là người nước ngoài, người không có quốc tịch, doanh nghiệp hoặc tổ chức nước ngoài, hoặc giữa các bên đương sự mà pháp luật dân sự có quy định về việc lập, sửa đổi bổ sung, chấm dứt quan hệ dân sự giữa các bên tại nước ngoài, hoặc vật giải quyết trọng tài ở nước ngoài, là vụ kiện có yếu nước ngoài. Nếu không có một trong các yếu tố để xác định có yếu tố nước ngoài như đã nêu trên, thì sẽ là vụ việc trong nước, giải quyết bằng cơ chế trọng tài trong nước. Sự khác biệt này khi xác định hiệu lực của thỏa thuận trọng tài theo pháp luật Trung Quốc có ý nghĩa rất quan trọng. Vì theo pháp luật Trung Quốc, chỉ có đương sự của vụ việc có yếu tố nước ngoài mới được thỏa thuận đưa tranh chấp đó ra giải quyết bằng trọng tài tại tổ chức trọng tài nước ngoài, hoặc thỏa thuận địa điểm trọng tài ở nước ngoài. Nếu đương sự trong vụ kiện trọng tài trong nước nhưng thỏa thuận đưa tranh chấp đó ra giải quyết tại tổ chức trọng tài nước ngoài, hoặc thỏa thuận địa điểm tiến hành trọng tài ở nước ngoài, thì theo pháp luật Trung Quốc thỏa thuận trọng tài đó vô hiệu, nói cách khác, phán quyết trọng tài do tổ chức trọng tài nước ngoài lập trong trường hợp này, nếu xin công nhận và thi hành đối với bên bị thi hành có tài sản tại Trung Quốc sẽ bị Tòa án nhân dân có thẩm quyền của Trung Quốc từ chối công nhận và thi hành.

Về việc xác định đương sự là chi nhánh công ty, công ty con do doanh nhân nước ngoài thành lập tại Trung Quốc có yếu tố nước ngoài trong vụ kiện trọng tài với thể nhân hoặc pháp nhân Trung Quốc hay không, có thể xảy ra 2 kết quả khác nhau: Việc tiến hành trọng tài đối với tranh chấp giữa chi nhánh do doanh nhân nước ngoài thành lập tại Trung Quốc với thể nhân hoặc doanh nghiệp Trung Quốc, do chi nhánh không phải là một pháp nhân độc lập, do đó đương sự của vụ kiện trọng tài đó là công ty mẹ ở nước ngoài, nên có yếu tố nước ngoài, được xác định là vụ kiện trọng tài có yếu tố nước ngoài. Ngược lại, khi tiến hành trọng tài đối với tranh chấp giữa công ty con do thương nhân nước ngoài thành lập tại Trung Quốc với thể nhân hoặc doanh nghiệp Trung Quốc, do công ty con có tư cách pháp nhân độc lập, là công ty Trung Quốc, nên không có yếu tố nước ngoài, được xác định là vụ kiện trọng tài trong nước. Do đó, khi xác định đương sự của vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài hay không, phải xác định đương sự là công ty trong thỏa thuận trọng tài được thành lập theo pháp luật nước ngoài, mà không xem xét đến cổ đông hoặc thành viên công ty đó là cá nhân hoặc công ty nước ngoài. 

Một số lưu ý về hiệu lực thỏa thuận trọng tài theo luật trọng tài Trung Quốc. ẢNh minh họa. Nguồn: Internet
Một số lưu ý về hiệu lực thỏa thuận trọng tài theo luật trọng tài Trung Quốc. ẢNh minh họa. Nguồn: Internet.

Các trường hợp này không hiếm trong thực tiễn giải quyết trọng tài tại Trung Quốc. Ví dụ, Công ty A có tranh chấp với B là thể nhân Trung Quốc về việc chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản. Theo vụ kiện, Công ty A là công ty con có vốn đầu tư nước ngoài thành lập theo pháp luật Trung Quốc, mặc dù cổ đông là công ty nước ngoài, nhưng vụ kiện này vẫn xác định không có yếu tố nước ngoài, đương sự thỏa thuận đưa tranh chấp giải quyết trọng tài tại Trung tâm trọng tài quốc tế Hồng Kong (tức là tổ chức trọng tài nước ngoài), nên Tòa án tối cao Trung Quốc đã nhận định thỏa thuận trọng tài này vô hiệu do vi phạm chính sách công (bản án số 86, chung thẩm, ngày 26/8/2010 của Tòa án tối cao Trung Quốc).

Một ví dụ khác, một công ty Trung Quốc xin công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài, phán quyết này có yếu tố nước ngoài, các đương sự có thỏa thuận: Trường hợp phát sinh tranh chấp, hai bên AB trước hết sẽ thương lượng giải quyết thân thiện, trường hợp có phần tranh chấp không thỏa thuận thành thì sẽ giải quyết bằng trọng tài tại Trung tâm trọng tài thương mại Hàn Quốc. Khi phát sinh tranh chấp, do thương lượng không thành, một bên đương sự căn cứ thỏa thuận trọng tài nêu trên khởi kiện yêu cầu giải quyết bằng trọng tài tại Trung tâm trọng tài thương mại Hàn Quốc. Phán quyết trọng tài được lập sau phiên họp giải quyết tranh chấp, bên thắng kiện đã xin công nhận và thi hành phán quyết trọng tài này tại Tòa án nhân dân thành phố Bắc Kinh. Tòa án nhân dân thành phố Bắc Kinh nhận định: Pháp luật Trung Quốc không cho phép đương sự trong nước đưa tranh chấp của mình ra giải quyết tại trọng tài nước ngoài. Quy định trong hợp đồng liên quan đến thỏa thuận về việc đưa tranh chấp ra giải quyết trọng tài tại Trung tâm trọng tài thương mại Hàn Quốc đã vi phạm quy định liên quan của Bộ luật tố tụng dân sự nước CHND Trung Hoa, Luật trọng tài nước CHND Trung Hoa, do thỏa thuận trọng tài này vô hiệu, căn cứ quy định tại mục A khoản 1 điều 5, mục B khoản 2 điều 5 của Công ước công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài của Trung Quốc, do thỏa thuận trọng tài vô hiệu, vi phạm chính sách công, quyết định không công nhận và thi hành phán quyết trọng tài (bản án số 10670 ngày 20/01/2014 của Tòa án nhân dân thành phố Bắc Kinh).

Ngoài ra, một trong những vấn đề lưu ý trong thực tiễn là, Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc trong văn bản trả lời về việc xin ý kiến về hiệu lực của thỏa thuận trọng tài của bên được thi hành là Công ty C, bên bị thi hành là Công ty D đã nhận định: Vụ kiện có yếu tố nước ngoài, đương sự có thỏa thuận trọng tài: “Tranh chấp phát sinh từ hợp đồng do Viện trọng tài Phòng thương mại quốc tế (ICC) tiến hành trọng tài, địa điểm trọng tài tại Thượng Hải, Trung Quốc” là thỏa thuận trọng tài có hiệu lực. Nhưng đây chỉ là nhận định của Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc về hiệu lực của một thỏa thuận trọng tài cụ thể về việc đương sự của vụ kiện trọng tài có yếu tố nước ngoài có thể thỏa thuận đưa tranh chấp giải quyết trọng tài tại tổ chức trọng tài nước ngoài, nhưng địa điểm tiến hành trọng tài tại trung Quốc.

Tóm lại, trường hợp đương sự của vụ kiện là thể nhân hoặc doanh nghiệp Việt Nam muốn tiến hành trọng tài tại Trung Quốc, do quy định pháp luật về trọng tài giữa Việt Nam và Trung Quốc có những khác biệt, do đó cần tham vấn ý kiến chuyên sâu của luật sư để tránh gặp phải rủi ro pháp lý không cần thiết.

Luật sư Bùi Văn Thành – Trưởng Văn phòng Luật sư Mặt Trời Mới