Một số hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực xuất khẩu lao động

10:20 14/12/2020

Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2020 với 8 chương, 74 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 đã bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trên cơ sở kế thừa quy định của luật hiện hành, phù hợp với thực tiễn.

Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2020 với 8 chương, 74 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.
.

Lần sửa đổi này đã bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trên cơ sở kế thừa quy định của luật hiện hành, phù hợp với thực tiễn.

Các hành vi cấm được quy định tại điều 7 của Luật gồm: Lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo, cung cấp thông tin gian dối hoặc dùng thủ đoạn khác để lừa đảo người lao động; Lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức xuất cảnh trái phép, mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc thực hiện hành vi khác trái pháp luật.
Cùng đó là các hành vi khác như: Phân biệt đối xử; Xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người lao động; Lợi dụng hoạt động chuẩn bị nguồn, tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài để thu tiền của người lao động trái pháp luật; Thu tiền môi giới của người lao động; Thu tiền dịch vụ của người lao động không đúng quy định của Luật này, áp dụng biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác ngoài ký quỹ và bảo lãnh quy định tại Luật này.
Ngoài ra, điều 7 còn cấm thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng mà không có giấy phép; sử dụng giấy phép của doanh nghiệp khác hoặc cho người khác sử dụng giấy phép của doanh nghiệp để hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Hành vi bị cấm còn có giao nhiệm vụ thực hiện hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho chi nhánh của doanh nghiệp không đúng quy định của Luật này.
Luật cũng cấm đi làm việc ở nước ngoài hoặc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng mà vi phạm đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của người lao động và cộng đồng hoặc không được nước tiếp nhận lao động cho phép.
Điều 7 còn có quy định cấm đi làm việc ở nước ngoài hoặc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đối với các công việc được liệt kê cụ thể, trong đó có công việc mát-xa tại nhà hàng, khách sạn hoặc trung tâm giải trí; Công việc phải tiếp xúc thường xuyên với chất nổ, chất độc hại trong luyện quặng kim loại màu (đồng, chì, thủy ngân, bạc, kẽm), tiếp xúc thường xuyên với măng-gan, đi-ô-xít thủy ngân; Công việc tiếp xúc với nguồn phóng xạ hở, khai thác quặng phóng xạ các loại; Công việc săn bắt thú dữ, cá sấu, cá mập; Công việc liệm, mai táng tử thi, thiêu xác chết, bốc mồ mả.
Khoản 13 điều 7 cấm đi làm việc ở nước ngoài hoặc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ở các khu vực đang có chiến sự hoặc đang có nguy cơ xảy ra chiến sự; Khu vực đang bị nhiễm xạ; Khu vực bị nhiễm độc; Khu vực đang có dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm.
Vẫn theo đại diện cơ quan soạn thảo thì Luật bổ sung quy định nâng cao điều kiện hoạt động dịch vụ và trách nhiệm của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức thực hiện hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bổ sung một số trường hợp doanh nghiệp dịch vụ bị thu hồi giấy phép khi nội dung kê khai trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép là giả mạo; không đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian 24 tháng liên tục.
Được bổ sung còn có quy định về chuẩn bị nguồn lao động nhằm tạo điều kiện và cho phép doanh nghiệp được chủ động chuẩn bị nguồn lao động trước khi đăng ký hợp đồng cung ứng lao động nhưng gắn với các điều kiện cụ thể để hạn chế tình trạng đào tạo, bổ túc kỹ năng nghề… tràn lan, không sát với khả năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, tránh lãng phí xã hội.
Luật cũng bổ sung quy định cụ thể hơn về tiền dịch vụ và các nguyên tắc cụ thể thu tiền dịch vụ, nguyên tắc xác định mức trần tiền dịch vụ doanh nghiệp được phép thu của người lao động. Doanh nghiệp dịch vụ phải chi trả toàn bộ thù lao theo hợp đồng môi giới đối với bên nước ngoài tiếp nhận lao động và không được yêu cầu người lao động hoàn trả một phần khoản tiền này.
Đức Anh