Một số chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

00:00 12/10/2020

Bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Việt Nam phấn đấu thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử; Kế hoạch thực hiện Hiệp định biện pháp ngăn chặn khai thác thủy sản bất hợp pháp; Hoàn thiện tài liệu trình Quốc hội; Sửa đổi Danh sách Ủy viên UB Quốc gia ASEAN 2020; là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật

Thủ tướng bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

Tại Quyết định 756/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Hoàng Giang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình nhiệm kỳ 2016 - 2021, giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Ông Nguyễn Hoàng Giang sinh năm 1971, quê quán thành phố Hải Phòng.

Ông Nguyễn Hoàng Giang từng đảm nhiệm các chức vụ: Phó Giám đốc Sở Thương mại Hải Phòng; Phó Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng; Phó Vụ Trưởng Vụ Kinh tế - Văn phòng Trung ương Đảng; Vụ Trưởng, Thư ký Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình.

Việt Nam phấn đấu thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản.

Mục tiêu cơ bản đến năm 2025

Phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động với 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

100% cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư, Đất đai, Đăng ký doanh nghiệp, Tài chính, Bảo hiểm được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc; từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế xã hội; phấn đấu Việt Nam thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).

Về phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, mục tiêu đến năm 2025 là kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI), thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh (GCI), thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo (GII)...

Mục tiêu cơ bản đến năm 2030

Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp 100% trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. 100% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh; 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước)...

Ngoài ra, Việt Nam đặt mục tiêu thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).

Về phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số, mục tiêu đến năm 2030, phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang; phổ cập dịch vụ mạng di động 5G; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%. Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI).

Quyết định nêu rõ, nhiệm vụ, giải pháp tạo nền móng chuyển đổi số là chuyển đổi nhận thức; kiến tạo thể chế; phát triển hạ tầng số; phát triển nền tảng số; tạo lập niềm tin, bảo đảm an toàn, an ninh mạng; hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số.

Về nhiệm vụ, giải pháp phát triển Chính phủ số là phát triển Hạ tầng chính phủ số phục vụ cơ quan nhà nước trên cơ sở kết hợp thế mạnh của Mạng Truyền số liệu chuyên dùng, mạng Internet, trung tâm dữ liệu của cơ quan nhà nước để phục vụ kết nối liên thông, xuyên suốt 4 cấp hành chính...

Đẩy mạnh triển khai các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án phát triển Chính phủ điện tử; xây dựng Cổng dữ liệu quốc gia; áp dụng công nghệ mới nhất về truyền thông xã hội (Social), cung cấp thông tin, dịch vụ hành chính công một các đơn giản, thuận tiện trên di động (Mobile); phát triển, hoàn thiện hệ thống Cổng Dịch vụ công quốc gia kết nối với Cổng dịch vụ công…

Kế hoạch thực hiện Hiệp định biện pháp ngăn chặn khai thác thủy sản bất hợp pháp

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp quốc (FAO) đến năm 2025.

Kế hoạch thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng là cơ sở pháp lý để tổ chức, thực hiện kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của các tàu đánh bắt thủy sản, tàu vận chuyển, chuyển tải thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc khai thác từ nước ngoài cập cảng Việt Nam để nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh thủy sản qua lãnh thổ Việt Nam.

Đồng thời, thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của quốc gia thành viên theo quy định của Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng; phối hợp với các quốc gia thành viên và cộng đồng quốc tế quản lý, phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu và xóa bỏ các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) phù hợp với các quy định của quốc tế và khu vực, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên toàn cầu.

Quản lý khai thác, bảo vệ, phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái biển; khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” theo khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam.

Kế hoạch đề ra các nhiệm vụ như: Tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng cho các tổ chức, cá nhân có liên quan; đào tạo, tập huấn, hội thảo nâng cao năng lực cho thanh tra viên tại cảng, cán bộ thanh tra, tổ chức quản lý cảng để thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng; rà soát, chỉ định và công bố cảng chỉ định cho tàu nước ngoài cập cảng; hoàn thiện khung pháp lý, chính sách của Việt Nam đảm bảo tuân thủ Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng và các biện pháp, công cụ quốc tế liên quan; thiết lập cơ chế báo cáo, giám sát, trao đổi thông tin, giải quyết tranh chấp để thực thi Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng.

Giải pháp thực hiện là phải tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp, chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân, tổ chức quản lý cảng thông qua các chương trình đào tạo nghề nghiệp, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ; ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông, viễn thám để triển khai thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan; đàm phán đa phương để gia nhập các diễn đàn nghề cá quốc tế và khu vực; xây dựng quy chế phối hợp hành động giữa các lực lượng chức năng với chính quyền các cấp để kịp thời pháp hiện, xử lý các hành vi vi phạm các quy định về Biện pháp quốc gia có cảng; rà soát, hoàn thiện khung pháp lý, chính sách, các quy trình có liên quan…

Hoàn thiện tài liệu trình Quốc hội

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Giao thông vận tải hoàn thiện nội dung tài liệu, báo cáo trình Quốc hội.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì đối với các nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đối với các nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA); Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì hoàn thiện hồ sơ Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.

Bộ Nội vụ chủ trì hoàn thiện Báo cáo của Chính phủ về việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 580/2018/UBTVQG14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Sửa đổi Danh sách Ủy viên UB Quốc gia ASEAN 2020

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 vừa ký quyết định sửa đổi Danh sách Ủy viên Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020.

Cụ thể, sửa đổi Danh sách Ủy viên Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 như sau: Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn thay ông Lê Quang Hùng.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thành lập Ủy ban Quốc gia chuẩn bị và thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 của Việt Nam, Ủy ban có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết các vấn đề liên quan đến nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.

Đồng thời giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối, phối hợp giữa các bộ, cơ quan, địa phương liên quan trong việc giải quyết những vấn đề liên quan; giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương liên quan trong việc thực hiện các nhiệm vụ, vấn đề liên quan đến nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam./.

P.V