Một nửa nền kinh tế nằm trong tình trạng phong toả 'nhẹ', Nhật Bản có nguy cơ lún sâu vào suy thoái

00:00 12/10/2020

Hiện tại, một nửa nền kinh tế Nhật Bản đã nằm trong phạm vi tuyên bố tình trạng khẩn cấp, khi chính phủ tăng cường các biện pháp đối phó với dịch bệnh. Động thái này khiến mối lo ngại về sản lượng kinh tế sẽ giảm tới 20% trong quý hiện tại trở nên sâu sắc hơn.

Thủ tướng Shinzo Abe đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp đối với Tokyo, Osaka và 3 thành phố khác, cho phép các chính quyền địa phương kêu gọi người dân ở nhà trong 1 tháng. Ngoài ra, ông cũng tiết lộ về việc tung gói kích thích trị giá gần 1 nghìn tỷ USD nhằm nỗ lực ngăn chặn tình trạng nền kinh tế "rơi tự do". 

Đẩy một phần lớn sản lượng và tiêu dùng quốc gia vào trạng thái phong toả "nhẹ", ông Abe có thể sẽ khiến tăng trưởng kinh tế sụt giảm – điều mà một số nhà phân tích cho biết thậm chí còn có ảnh hưởng nặng nề hơn so với khủng hoảng tài chính toàn cầu. Do vậy, điều cần thiết là phải cân bằng rủi ro đó trước mối đe doạ về số ca nhiễm tăng vượt tầm kiểm soát.

Mối lo ngại của các nhà hoạch định chính sách tăng lên được thể hiện qua quy mô ngày càng lớn của các biện pháp kinh tế của chính phủ, khi ông Abe phải đối mặt với một trong những khoảnh khắc quan trọng trong nhiệm kỳ dài kỷ lục của mình. Tokyo và 3 thành phố lân cận - Kanagawa, Chiba và Saitama, đóng góp 1/3 tổng GDP của cả nước, với sản lượng kinh tế tương đương Canada, chủ yếu là các ngành dịch vụ và bán lẻ.

Osaka là một địa điểm du lịch nổi tiếng, là trụ sở của các nhà sản xuất thiết bị và điện tử Panasonic, Keyence và Sharp. Gần với Osaka là Kobe và Fukuoka, một địa điểm mua sắm yêu thích đối với khách du lịch Trung Quốc và Hàn Quốc. Theo số liệu Bloomberg tổng hợp dựa trên dữ liệu của Văn phòng Nội các Nhật Bản, các khu vực nằm trong phạm vi tuyên bố tình trạng khẩn cấp chiếm khoảng 48% GDP của cả nước. 

Một nửa nền kinh tế nằm trong tình trạng phong toả nhẹ, Nhật Bản có nguy cơ lún sâu vào vũng bùn suy thoái bất chấp gói kích thích gần 1.000 tỷ USD - Ảnh 1.

Theo tuyên bố khẩn cấp, chính quyền các địa phương không được phép xử phạt người dân nếu họ không tuân theo yêu cầu ở trong nhà, như Paris. Do đó, tình trạng trì trệ trong hoạt động kinh tế có thể sẽ không quá cực đoan. Tuy nhiên, các nhà kinh tế học cho biết người dân sẽ chú ý đến những lời cảnh báo hơn yêu cầu trước đó.

Masamichi Adachi– kinh tế gia trưởng Nhật Bản tại UBS Securities, nhận định: "Người dân có thể sẽ thực hiện các yêu cầu của chính quyền cực kỳ nghiêm chỉnh." Ông dự đoán đà sụt giảm 18% hàng năm trong quý này có thể vẫn là quá lạc quan. Adachi cho hay: "Sẽ không có sự hồi phục theo hình chữ V, bởi người tiêu dùng sẽ thận trọng về việc ra khỏi nhà khi tình trạng khẩn cấp được ban bố. Hơn nữa, không ai có thể lường trước về làn sóng dịch bệnh thứ 2, thậm chí là thứ 3."

Tại Nhật Bản, tâm lý người tiêu dùng đã ở mức thấp nhất kể từ sau sự sụp đổ của Lehman Brothers, khi dịch bệnh bùng phát khiến thu nhập và việc làm bị cắt giảm. Phần lớn gói kích thích của ông Abe sẽ nhắm vào việc phát tiền mặt cho các hộ gia đình, lao động tự do với hộ kinh doanh 1 thành viên chịu ảnh hưởng vì dịch bệnh.

Một nửa nền kinh tế nằm trong tình trạng phong toả nhẹ, Nhật Bản có nguy cơ lún sâu vào vũng bùn suy thoái bất chấp gói kích thích gần 1.000 tỷ USD - Ảnh 2.

Ngoài ra, chi tiêu và hoạt động sản xuất cũng ở mức thấp sau khi thuế thương vụ tăng lên và một loạt cơn bão gây ra sự tàn phá vào cuối năm ngoái. Sự lo ngại ở đây là việc chuyển từ "thắt lưng buộc bụng" sang tình trạng "không một xu dính túi" có thể tạo tác động lâu dài cho xu hướng tiêu dùng, đối với một số người đang băn khoăn về việc nghỉ hưu.

 

Kinh tế gia của Citigroup - Kiichi Murashima, nhận định: "Ngay cả đối với những thành phố không nằm trong phạm vi ban bố tình trạng khẩn cấp, thì xu hướng chi tiêu cũng sẽ thay đổi đáng kể. GDP sẽ không hồi phục trở lại trước thời điểm trước khi quyết định tăng thuế được đưa ra vào quý cuối cùng của năm nay. Tác động của dịch Covid-19 sẽ không hề biến mất."

Một nửa nền kinh tế nằm trong tình trạng phong toả nhẹ, Nhật Bản có nguy cơ lún sâu vào vũng bùn suy thoái bất chấp gói kích thích gần 1.000 tỷ USD - Ảnh 3.

Số lượng ca nhiễm tiếp tục tăng lên tại khu vực sản xuất Aichi – trung tâm Nhật Bản. Toyota là công ty có trụ sở tại tỉnh này – nơi hoạt động sản xuất đóng góp tới 38% tổng sản lượng. Bởi vậy, tình trạng khẩn cấp sẽ khiến triển vọng tăng trưởng trở nên u tối hơn. 

Còn theo các chuyên gia của Goldman Sachs, ngay cả khi đã tung gói kích thích kỷ lục, sản lượng kinh tế Nhật Bản có thể sẽ chứng kiến mức giảm 25% trong quý này sau khi ông Abe tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở 1 số thành phố. 

Một nửa nền kinh tế nằm trong tình trạng phong toả nhẹ, Nhật Bản có nguy cơ lún sâu vào vũng bùn suy thoái bất chấp gói kích thích gần 1.000 tỷ USD - Ảnh 4.

Goldman Sachs ước tính tăng trưởng GDP Nhật Bản sẽ giảm 25% trong quý này.

Hai nhà kinh tế - Naohiko Baba và Yuriko Tanaka của Goldman Sachs, cho biết, việc kêu gọi người dân ở nhà không có ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng sẽ khiến chi tiêu tiêu dùng giảm 25% so với quý trước và chi tiêu kinh doanh cũng sụt giảm mạnh hơn nữa. Ngoài ra, nhóm kinh tế gia cũng dự đoán xuất khẩu của Nhật Bản giảm 60% trong thời gian này .

Các quan chức chính phủ và nhà sản xuất không quên về việc khủng hoảng tài chính đã khiến nền kinh tế Nhật Bản sụt giảm mạnh đến mức nào, thậm chí còn giảm sâu hơn Mỹ. Một lần nữa, cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu khiến hàng trăm nghìn việc làm bị mất đi sẽ cho thấy sự hồi phục trong nhu cầu sản xuất đến từ Nhật Bản có thể trở nên trì trệ. 

Hideo Kumano– kinh tế gia trưởng tại Dai-Ichi Life Research Institute và cựu quan chức của BOJ, cho hay: "Khi số lượng việc làm ở Mỹ sụt giảm, thì không còn nghi ngờ gì về hoạt động xuất khẩu của Nhật Bản cũng trở nên trì trệ. Chúng ta sẽ nhận thấy tác động của dịch bệnh sẽ di chuyển từ lĩnh vực dịch vụ sang sản xuất, bắt đầu vào mùa hè tới."  

Tham khảo Bloomberg