Mọi nẻo đường đều dẫn đến nền tài chính phi tập trung

00:00 12/10/2020

Vì sao tài chính phi tập trung (Decentralized Finance) được cho là tương lai của kinh tế thế giới và thị trường tài chính toàn cầu?

Khái niệm tài chính phi tập trung (DeFi) ngày càng được nhắc đến khá nhiều, đặc biệt nở rộ phong trào ứng dụng công nghệ DeFi tạo ra các xu hướng công nghệ tài chính mới với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, định chế tài chính… DeFi dần được đánh giá là tương lai của kinh tế thế giới và thị trường tài chính, thay thế cho tài chính tập trung (CeFi – Centralized Finance) vốn có nhiều khiếm khuyết, thậm chí cả fintech nếu không bắt kịp hoặc kết hợp để trở nên hoàn hảo hơn.

Mọi nẻo đường đều dẫn đến nền tài chính phi tập trung - ảnh 1

DeFi được kỳ vọng giải quyết được các hạn chế lớn nhất của tài chính truyền thống là sự tập trung quyền lực khiến mọi người bị phụ thuộc.

CeFi là mô hình tài chính truyền thống (traditional finance), nơi các tổ chức, thị trường cũng như công cụ tài chính luôn tồn tại trung gian có quyền quản lý tập trung, cung cấp các sản phẩm - dịch vụ bằng cách nắm giữ (hoặc ủy thác) các loại tài sản. Chẳng hạn người dân ủy thác tiền cho ngân hàng giữ, các sàn giao dịch nắm chứng khoán nhà đầu tư, các quỹ nắm tiền của nhà đầu tư. Thậm chí CeFi còn bao gồm những mô hình lừa đảo như ponzi hay đa cấp để huy động tiền hoặc nhận ủy thác vốn…

DeFi từ sơ khai là những tài sản số (digital assets), hợp đồng tài chính thông minh (financial smart contracts) và ứng dụng phi tập trung (DApps) nhưng nay đã phát triển thành một hệ sinh thái với nền tảng quy mô ngày càng đầy đủ các cấu trúc hoàn chỉnh.

Là nền tảng tài chính phi tập trung, DeFi dựa trên hệ sinh thái các mạng chuỗi khối (blockchain), trong đó các tổ chức, thị trường hay các công cụ tài chính được quản lý phi tập trung. Mỗi cá nhân kiểm soát tài sản mà không cần bên thứ ba, có thể truy cập bất kỳ ở đâu, khi nào mà không bị chi phối bởi cá nhân hay tổ chức tập trung quyền lực nào.

DeFi không tạo ra hệ thống tài chính mới mà là dân chủ hóa hệ thống hiện có và làm cho nó công bằng hơn, nhờ sử dụng các giao thức mở kết hợp với dữ liệu để tăng cường sự minh bạch và hiệu quả cho hệ thống. Đặc tính không ủy thác (non-custodial) giúp DeFi tạo ra các công cụ tài chính mở (open finance), là nền tảng cho một hệ sinh thái dịch vụ tài chính minh bạch, nguồn mở, không cần cấp quyền. Người dùng toàn quyền kiểm soát tài sản của mình đồng thời tương tác với hệ sinh thái trên nền mạng ngang hàng (P2P) hoặc các ứng dụng phi tập trung (DApps).

Nhờ tính mở DeFi tạo nên sự khác biệt với hệ thống tài chính truyền thống vốn phụ thuộc vào các bên trung gian nhằm tìm kiếm lợi nhuận, nên dịch vụ của CeFi thường khó cung cấp tới các cộng đồng thu nhập thấp. Tuy nhiên với DeFi thì phạm vi ứng dụng rộng khắp do không có trung gian nên các loại chi phí giảm đáng kể và những người có thu nhập thấp cũng có thể sử dụng được nhiều sản phẩm từ mọi loại hình dịch vụ tài chính.

Với tất cả các thuộc tính trên, DeFi được kỳ vọng giải quyết được các hạn chế lớn nhất của tài chính truyền thống là sự tập trung quyền lực khiến mọi người bị phụ thuộc, nếu xảy ra sự cố do tính tập trung sẽ là một rủi ro lớn. Trên nền DeFi ngày càng sản sinh ra các ứng dụng phổ biến.

Hoạt động vay và cho vay phi tập trung có nhiều lợi thế so với hệ thống tín dụng truyền thống, nhờ khả năng giao dịch tức thời, khả năng thế chấp bằng tài sản số mà không cần kiểm tra lịch sử tín dụng. Do sản phẩm và dịch vụ này được xây dựng trên các blockchain công khai nên chúng không cần đến sự tin cậy và sự đảm bảo vốn sử dụng cho tài chính tập trung (CeFi). Hoạt động này cũng giảm rủi ro từ đối tác đồng thời giảm chi phí vay và cho vay với tốc độ nhanh hơn và dĩ nhiên sẽ tiếp cận được nhiều người dùng hơn.

Thị trường phi tập trung rộng lớn Các loại hình kinh doanh tập trung sẽ dần bị thay thế bởi hệ sinh thái phi tập trung. Nhờ loại bỏ trung gian, người mua và người bán có thể giao dịch trực tiếp giúp các loại chi phí giảm đáng kể; do không cần bảo trì hệ thống tập trung, các chi phí vận hành cũng theo đó giảm đi. Tính minh bạch của DeFi cũng giúp giảm các xung đột pháp lý, giảm các loại hình lừa đảo…

Dù vậy DeFi cũng không phải “thuốc tiên” bởi những nhược điểm chưa giải quyết được và nhiều thách thức phía trước, có thể kể:

Hiệu suất còn kém: Các mạng tập trung thường nhanh hơn các mạng blockchain, do đó cần phải tối ưu các ứng dụng DeFi một cách phù hợp.

Tạo rắc rối mới: Lỗi từ trung gian sẽ không có nhưng các lỗi phát sinh sẽ bị đẩy sang người dùng. Một khi có lỗi, hậu quả sẽ nghiêm trọng do việc điều chỉnh giảm lỗi này không đơn giản vì các hệ blockchain có tính bất biến. Vì thế có thể phải tối ưu một dạng mạng khác thay thế hoặc chuyển đổi, tuy vậy đây lại là một thách thức vì những công nghệ dạng này chưa phổ biến.

Hệ sinh thái đang ở giai đoạn phát triển: Trải nghiệm người dùng còn kém, do đó chưa có sự đa dạng. Nhiều tiêu chuẩn - chuẩn mực chưa có, sản phẩm còn ít nên việc xây dựng sản phẩm còn nhiều khó khăn do thiếu các công cụ cũng như còn phải tương thích với hệ sinh thái DeFi.

Tính thanh khoản và sự phổ biến: Đây là mấu chốt trong ngành tài chính và hiện hầu như DeFi chưa thể cạnh tranh nổi với CeFi. Dù tăng ở cấp số nhân thì người dùng cho các ứng dụng này vẫn còn thấp nên hệ sinh thái DeFi cần nhiều lợi ích đồng thời giảm thiểu tối đa các điểm yếu để thu hút người dùng.

Vậy DeFi là một xu hướng “sớm nở tối tàn” hay sẽ mở ra một “cuộc cách mạng mới”. Trong bối cảnh các ngân hàng đua nhau in tiền như hiện nay nhưng nền kinh tế vẫn trì trệ, tiền vật lý ngày càng bộc lộ điểm yếu trong bối cảnh kinh tế số được đề cập nhiều như một trong các giải pháp khả dĩ.

Các ngân hàng trung ương cũng đã nhận ra điều này nên đã và đang xây dựng các kế hoạch tài chính mới như nghiên cứu phát hành tiền điện tử quốc gia (CBDC) từ các nước lớn như các nước châu Âu, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc và cả Thái Lan, Campuchia… cho thấy kỷ nguyên kinh tế mới. DeFi trở thành nền tảng quan trọng giúp thúc đẩy kinh tế và tài chính 4.0.

DeFi tập trung vào việc xây dựng các dịch vụ tài chính tách biệt với hệ thống tài chính truyền thống. Điều này sẽ cho phép một hệ thống tài chính cởi mở hơn và có khả năng ngăn chặn các phân biệt đối xử trên toàn cầu. Dù hiện vẫn còn nhiều vấn đề nhưng hệ sinh thái DeFi tăng trưởng gấp gần 20 lần trong hai năm qua cho thấy sự thay đổi của thị trường tài chính cũng như thương mại quốc tế.

Và nếu thành công, DeFi sẽ lấy quyền lực từ các tổ chức tập trung đặt vào tay cộng đồng người dùng trên toàn hệ sinh thái. Điều đó cho thấy tiềm năm của DeFi. Một khi những nhược điểm sớm được khắc phục thì DeFi sẽ nhanh chóng sánh cùng CeFi, thậm chí vượt trội hơn trong tương lai.

Suy cho cùng mọi con đường đều dẫn đến nền tài chính phi tập trung. 2020 có thể là năm bắt đầu kỷ nguyên mới của nền kinh tế thế giới với sự mở rộng của DeFi và các công nghệ ứng dụng từ nó.

Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng