Mộc Truly Hue’s: Sau bước chạy đà là tăng tốc

10:01 20/04/2021

Có thể nói, sự phát triển công nghiệp hoá - điện đại hoá đất nước dẫn đến nhóm ngành sản xuất theo phương thức truyền thống có thể thực sự lao đao. Tuy nhiên, khi nhìn từ một góc độ khác, ngành truyền thống lại đang đứng trước một cơ hội mới để phát triển. Bởi lẽ, đây là thời cơ tốt để người tiêu dùng hiểu hơn, trân trọng hơn với sản phẩm truyền thống, cũng là cơ hội quảng bá của mình.

 

Những gói quà mè xững chứa đựng câu chuyện về văn hóa Huế, về hồn Huế để thêm yêu mảnh đất cố đô phần nào.

Thoát khỏi điểm rơi của thị trường

Thị trường nhóm nghề truyền thống, cụ thể là sản xuất thủ công mỹ nghệ được đánh giá là chuyển biến tương đối tích cực trong nhiều năm trở lại đây. Cụ thể, theo cục Xúc tiến thương mại, các sản phẩm thủ công của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam giai đoạn 2015-2019 tăng trung bình 9,5%/năm, từ 1,62 tỷ USD (2015) lên đến 2,23 tỷ USD (2019).

Song nhiều doanh nghiệp lại tỏ ra lo ngại năm 2020 - 2021 sẽ trở thành điểm rơi khi dịch Covid bùng phát và đã để lại nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, tin vui dành cho các doanh nghiệp sản xuất ngành nghề truyền thống, đơn vị dành sự quan tâm cho lĩnh vực này. Mới đây, theo thống kê của Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, cứ 1 triệu USD xuất khẩu của ngành thủ công mỹ nghệ mang lại lợi nhuận gấp 5-10 lần so với ngành khai thác; giải quyết việc làm từ 3 đến 5 ngàn lao động, nhóm hàng thủ công mỹ nghệ được xếp vào nhóm sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu lớn và có tỉ suất lợi nhuận cao.

Chúng ta thấy tín hiệu rõ rệt nhất, nhiều người trẻ đã khởi nghiệp trên chính quê hương của mình như để giữ lại “cái hồn” của dân tộc. Và một trong số đó không thể không nhắc tới dự án Mộc Truly Hue’s. Đây là tên dự án được Fouder Phạm Thị Diệu Huyền giới thiệu tại cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019. Trong 6 giải chính của cuộc thi năm đó, Mộc Truly Hue’s  đã xứng đáng được xướng tên ở giải A. 

Diệu Huyền - Founder Mộc Truly Hue’s tự tay thử nghiệm ướp trà vào búp sen trong vùng nguyên liệu sen của chính mình mỗi ngày.

Trước khi bắt đầu với Mộc Truly Hue’s, Founder Phạm Thị Diệu Huyền có 6 năm kinh nghiệm khởi nghiệp kinh doanh với Gác Măng Rê – quán café mang phong cách Retro và bán các sản phẩm đặc trưng của Huế. Quá trình dài hơi đó, là thời gian để Mộc Truly nghiên cứu xem thị phần của khách hàng, xem xét phương án nào sẽ phù hợp với sản phẩm truyền thống. Đã từng chứng kiến nhiều làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, dù sản phẩm đó rất tốt. Nhiều nghệ nhân phải bỏ cái tranh thêu, cái đồ làm gốm, hay những bức tranh Đông hồ vì không có đầu ra thật đau xót.

Ðể thích ứng với tình trạng quà cáp tràn ngập thị trường, cũng là gói kẹo, gói bánh mè xửng đó phải chuyển hướng bằng cách thay đổi giá trị tinh thần cho sản phẩm... Kết quả là Mộc Truly chinh phục được cả thị trường thế giới. Cũng không chịu ngồi một chỗ chờ cơ hội, Mộc Truly rất tích cực tham gia các hội chợ trong nước để tìm bạn hàng, tìm hiểu nhu cầu để thay đổi sản phẩm cho phù hợp. Thực tế này cho thấy vấn đề quyết định trong sự hồi sinh của mỗi nghề truyền thống là khả năng nắm bắt nhu cầu thị trường, để có những thay đổi, thích ứng phù hợp nhằm đáp ứng được đòi hỏi của thị trường trong nước và quốc tế.

Khi thông suốt, dự án Mộc Truly Hue’s được Huyền ấp ủ trong ba đã được ra đời, với phương châm “giữ gìn tinh hoa ẩm thực huế và phát triển sản phẩm cổ truyền”. Giá trị đổi mới sáng tạo của Mộc Truly là đổi mới toàn bộ mẫu mã bao bì đóng gói của các sản phẩm đặc trưng của Huế, thân thiện với môi trường, thiết kết đẹp mắt và giá cả phù hợp, tăng giá trị tinh thần cho sản phẩm. Bằng cách đưa chất liệu màu sắc, mô-tip của văn hóa Huế vào họa tiết, mẫu mã bao bì và những câu chuyện văn hóa liên quan. Mộc Truly Hue’s đang có các loại sản phẩm như: Kẹo, bánh mứt, trà. Riêng bánh, kẹo và mứt, chủng loại rất phong phú: Kẹo cau, kẹo kéo, kẹo gừng, mè xửng, bánh in, bánh lọc, bánh ép, mứt gừng, mứt nghệ, mứt vỏ thanh trà…

Với tất cả các yếu tố trên, chúng ta có cơ sở để tin rằng những ngành nghề truyền thống như Mộc Truly sẽ không có điểm rơi sâu như thời gian trước đây nữa. Và chính bản thân những dự án quay về với giá trị xưa thì chính họ cũng có những giải pháp tương ứng để thích ứng kịp thời với nhu cầu hiện đại. 

  Những hộp trà sen được vẽ thủ công rất tỉ mỉ.

Đà phát triển của Mộc Truly’s Hue    

“Giai đoạn 2018 - 2020 Thủ tướng đã phê duyệt chương trình “mỗi xã một sản phẩm” gọi tắt là OCOP. Với hàng nghìn làng nghề truyền thống và nhiều mặt hàng nông sản, đặc sản cấp quốc gia, cấp vùng miền nếu khai thác, phát huy tốt sẽ góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương. Chính vì thế Mộc Truly đã thấy được cơ hội và tầm phát triển của doanh nghiệp mình”, Huyền chia sẻ.

Đây có thể coi là làn gió mới, tạo sức bật cho sản phẩm truyền thống của quê hương. Nhưng ngoài giá trị kinh tế thì dự án này đem lại một giá trị nhân văn sâu sắc, có tác động sát sườn tới văn hoá cố đô một thời lừng danh.

Bên cạnh đó, câu chuyện về thị trường và quy mô vẫn liên quan biện chứng đến nhau. Nếu tăng quy mô sẽ đối mặt với lượng tiêu thụ. Không tăng quy mô thì giá thành sẽ khó có thể giảm xuống thấp. Để hồi sinh và phát triển một cách bền vững, quảng bá là rất cần thiết. Mộc Truly đã táo bạo thử với sản phẩm sen Huế.

Bởi các sản phẩm từ sen Huế, như hạt sen, tim sen, trà hoa sen… rất được ưa chuộng. Đáng tiếc, sen Huế chỉ khai thác được 1 mùa trong năm nên chưa đạt hiệu quả như mong muốn trong việc quảng bá hình ảnh, nâng tầm thương hiệu. Cụ thể, mỗi mùa sen chỉ có thể kéo dài khoảng 3-4 tháng, nhưng với việc áp dụng công nghệ vào trồng sen, Mộc Truly có thể kéo dài mùa sen tới 6 tháng. Để khắc phục hạn chế này, Mộc Truly Hue’s áp dụng phương pháp sấy lạnh thực phẩm – một trong những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay về chế biến thực phẩm sau thu hoạch để những sản phẩm từ sen Huế sẽ xuất hiện trong cả 4 mùa. Và khi đến Huế, bất cứ lúc nào du khách cũng cảm nhận được hương vị từ sen Huế.

Những “gói trà sen bằng giấy craft” nghe thật quen nhưng cũng lạ với chúng ta. Quen vì sen là một thứ không còn xa lạ gì với Huế, nhưng lạ vì lần đầu tiên hàng loạt gói trà sen được gói bằng giấy craft chở cả những câu chuyện văn hoá trong thức quà ấy. Chỉ có sen Huế mới diễn tả hết được cái thơm, cái ngọt ngào, cái tình trong từng búp sen mà thôi. Những buổi sáng sớm trong đầm sen, những bông sen hồng với sen trắng cổ sáng nào tới tay khách cũng còn đọng sương như thể muốn lưu giữ những khoảng khắc đẹp nhất từ sen. Mộc Truly còn phát triển đa dạng mô hình kinh doanh thêm tranh sen, khung tranh sen nhà Mộc được làm từ lá sen Huế, giữ gần như nguyên bản hình dạng, độ dày gân lá, độ mềm dai tự nhiên. Khung tranh gồm màu nguyên bản hoặc màu nhuộm nghệ thuật kèm toan vẽ giúp quý khách đỡ mất thời gian loay hoay tìm kiếm một bảng màu thích hợp. 

 Tranh sen làm từ lá sen, được Mộc Truly giữ nguyên bản và độ dày của gân lá

Tất cả hoạt động trên đã được khách hàng đồng điệu và ủng hộ mạnh mẽ. Mộc mạc đúng chất Huế trong sản phẩm nhưng không “mộc” ở định hướng đổi mới phát triển. Trong sự cộng cảm, hòa hợp thiêng liêng của mảnh đất Cố đô, cùng tấm lòng trăn trở khôi phục nét đẹp văn hóa Việt. Mộc Truly đã và đang tiếp tục hành trình gắn kết yêu thương, tình người bằng những giá trị truyền thống. Chính sự đồng cảm của mọi người với từng món quà sẽ giúp những thành viên Mộc Truly góp phần dịch chuyển cơ cấu lao động địa phương và tăng tốc trên con đường phát huy giá trị truyền thống của dân tộc.

Kiều Oanh