Moblie, E-sport, Livestream định hình bối cảnh khởi nghiệp ngành game của Đông Nam Á

23:48 28/08/2021

Đại dịch đã gây ra nhiều thay đổi trong hành vi và những tiến bộ công nghệ thúc giục các công ty chuyển đổi chiến lược kiếm tiền, kế hoạch quảng bá và thiết kế trò chơi. Theo báo cáo gần đây của Golden Gate Ventures, trong 10 năm tới, truyền thông và giải trí sẽ trở thành một trong những lĩnh vực hấp dẫn đầu tư nhất ở Đông Nam Á. Trong lĩnh vực giải trí, game là ngành công nghiệp lớn nhất, rộng mở nhất trên toàn cầu.

Axie Infinity, một trò chơi blockchain do công ty khởi nghiệp Sky Mavis của Việt Nam phát triển
Axie Infinity, một trò chơi blockchain do công ty khởi nghiệp Sky Mavis của Việt Nam phát triển. (Ảnh: e27)

Tính đến năm 2021, ngành này đạt quy mô khủng ba tỷ người chơi, tương đương với gần 40% dân số thế giới. Newzoo dự báo thị trường game toàn cầu dự kiến ​​sẽ đạt doanh thu 175,8 tỷ đô la Mỹ trong năm nay. Riêng khu vực Đông Nam Á dự kiến tăng trưởng trung bình 8,5% mỗi năm, theo nghiên cứu của Research And Markets. Vậy đâu là xu hướng chính trong ngành công nghiệp đang bùng nổ này?

Được xếp hạng đứng đầu về tốc độ tăng trưởng toàn cầu năm 2019, nhờ mức độ thâm nhập cao của điện thoại thông minh, trò chơi trên thiết bị di động (game mobile) trong khu vực Đông Nam Á đã ghi nhiều dấu ấn mạnh mẽ. Tình hình tích cực được đẩy mạnh hơn nữa trong những năm gần đây do các hạn chế và đóng cửa đất nước kéo dài do Covid-19 gây ra.

Theo công ty tư vấn ứng dụng di động Annie, người dùng trên toàn thế giới đã tải xuống trò chơi nhiều hơn 30% trong quý 1 năm 2021 so với quý 4 năm 2019. Chi tiêu cho trò chơi di động cũng đạt mức kỷ lục 1,7 tỷ đô la Mỹ mỗi tuần trong quý 1 năm 2021, tăng 40% so với mức trước đại dịch . Thêm vào đó, các thị trường mới nổi như Việt Nam và Philippines đã chứng kiến ​​mức tăng trưởng hơn 50% trong chi tiêu của người tiêu dùng cho các trò chơi trên thiết bị di động.

Karam Malhotra, đối tác kiêm phó chủ tịch toàn cầu tại SHAREit Group cho biết: “Chơi game mobile trên mạng xã hội nổi lên như một xu hướng đáng chú ý thúc đẩy sự phát triển của thể thao điện tử (e-sport). Cùng với môi trường sinh lợi và các chính sách đổi mới mở rộng của chính phủ, thể thao điện tử trong khu vực có cơ hội tỏa sáng”. Theo một nghiên cứu được công bố trên Research And Markets, vì người dân không thể đến và xem trực tiếp các môn thể thao ở sân vận động nên lượng người xem thể thao điện tử ở châu Á đã tăng lên 618,4 triệu người vào năm 2020, tăng 21% so với năm 2019.

Thể thao điện tử trở thành xu hướng chủ đạo khi nền tảng phát trực tiếp có trụ sở tại Singapore, Bigo đã ký một thỏa thuận với Bộ Thông tin và Phát thanh Truyền hình Pakistan và Garena khởi động một sáng kiến ​​nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện cho các game thủ trẻ tham gia vào ngành. Người chơi sử dụng các nền tảng phát trực tiếp toàn cầu như Bigo Live để quan sát, giới thiệu, kết nối và tạo nội dung phát trực tuyến trò chơi trong thời gian thực. Một số trò chơi được hưởng ứng nhiều nhất trên Bigo Live là Bang Bang (MLBB), PlayerUnknown’s Battleground (PUBG), Free Fire, Fortnite, Call of Duty và Valorant.

Mike Ong, Phó chủ tịch Bigo nhận định: “Phát trực tiếp không chỉ là hình thức phổ biến nơi người chơi có thể theo dõi và tham gia các sự kiện e-sport mà còn là một nền tảng quan trọng trong xây dụng và kết nối game thủ với cộng đồng”. Ong lưu ý: “Người dùng đang chuyển sang trải nghiệm xã hội ưu tiên video, chẳng hạn như phát trực tiếp. Chúng tôi nhận thấy sự thay đổi hướng tới trải nghiệm chân thực khi người dùng bắt đầu tìm kiếm nội dung sống động từ game thủ hơn là kịch bản có sẵn của các nhà sản xuất”. Theo Bigo, Indonesia, Việt Nam và Thái Lan là những tên tuổi quốc gia hàng đầu về phát trực tiếp trò chơi.

Những hành vi thay đổi của người dùng này cũng làm tăng nhu cầu về trải nghiệm chơi game được hỗ trợ bởi công nghệ. Đặc biệt, những tiến bộ ngày càng tăng của công nghệ blockchain trong những năm gần đây là động lực tích cực của trò chơi dựa trên blockchain ở Đông Nam Á. Axie Infinity, một trò chơi blockchain do công ty khởi nghiệp Sky Mavis của Việt Nam phát triển vào năm 2018, đã trở thành trò chơi dựa trên NFT đầu tiên được phát triển tại khu vực. Vào tháng 8, công ty khởi nghiệp đã thông báo rằng trò chơi thu hút số lượng người dùng kỷ lục đạt 800.000 người hoạt động hàng ngày trong tháng 7 và sẽ sớm đạt mốc một triệu. Kể từ đó, sự kết hợp giữa trò chơi và công nghệ blockchain trở nên phổ biến và thu hút các khoản đầu tư.

Đầu năm nay, My DeFi Pet, trò chơi do studio Việt Nam Topebox phát triển, cũng đã nhận được khoản đầu tư 1 triệu đô từ Axia8 Ventures, OKEx Blockdream Ventures và OKEx. Sở hữu các tính năng tài chính phi tập trung (DeFi) và mã thông báo không thể thay thế (NFT), trò chơi cho phép người chơi kiếm được mã thông báo trong khi chơi, nhận phần thưởng bằng cách tham gia các sự kiện và kiếm lợi nhuận từ giao dịch các nhân vật.

Mới tháng trước, Virtently Human Studio, công ty sở hữu nền tảng đua ngựa ảo Zed Run đã huy động được 20 triệu đô la Mỹ trong vòng Series A do công ty đầu tư tập trung vào truyền thông và công nghệ TCG Capital Management dẫn đầu, bên cạnh Andreessen Horowitz và Red Beard Ventures. Các giao dịch này thể hiện sự “thèm muốn” của các nhà đầu tư đối với các công ty đứng giữa ngã ba của giải trí, trò chơi và NFT.

Không chỉ giới hạn nguồn vốn từ các VC thông thường, ngay cả các nhà đầu tư tiền điện tử bán lẻ cũng đang đặt cược vào mã thông báo quản trị của game để thúc đẩy sự phát triển. Mã thông báo của Axie Infinity hiện có giá trị khoảng 70 đô la Mỹ/mã so với giá chỉ 3-4 đô la Mỹ một tháng trước. Malhotra của SHAREit phân tích: “Blockchain đang thay đổi cơ chế kiếm tiền vàtrò chơi di động, cho phép người chơi kiếm tiền từ trải nghiệm chơi game của riêng họ với NFT, không giống như chơi game truyền thống tạo thành một khu vực đầy cơ hội mới”.

Là một trường hợp thành công nổi bật, Giám đốc điều hành Sky Mavis, Trung Nguyễn cho biết Axie Infinity kết hợp cả thiết kế game và thiết kế tiết kiệm. Với mô hình “chơi để kiếm tiền”, người chơi có thể xác minh quyền sở hữu đối với tài sản kỹ thuật số, tạo giá trị kỹ thuật số bằng mã thông báo cho các vật phẩm ảo, sau đó giao dịch hoặc chuyển đổi chúng sang nội tệ. “Tuy nhiên, vẫn có một số mâu thuẫn giữa việc thiết kế các trò chơi blockchain và các trò chơi thông thường khác” anh Trung nói. “Trong khi các trò chơi thông thường nhằm mục đích tối đa hóa doanh thu đơn phương cho nhà phát triển, một nền tảng phi tập trung của trò chơi blockchain hoạt động như một nền kinh tế thực sự, nơi hệ sinh thái được mở rộng bằng cách tối đa hóa tổng giá trị tạo và giao dịch trong ứng dụng của người dùng”. Theo quan điểm của anh, cân bằng những xung đột này bằng cách thiết kế lối chơi hấp dẫn và đảm bảo nền kinh tế trong trò chơi lành mạnh sẽ giúp bảo mật và mở rộng cơ sở người dùng.

Theo nghĩa rộng hơn, việc dân chủ hóa trải nghiệm chơi game cho mọi người đã trở thành xu hướng quan trọng nhất có thể thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực này trong những năm tới. Malhotra khẳng định: “Chúng tôi đang dân chủ hóa trải nghiệm chơi game trên thiết bị di động cho thế hệ millennials, đó có thể là game thủ tầm chung, chuyên nghiệp hay đơn giản là một ‘tay mơ’”.

TL (theo e27)