“Mở lối” xuất khẩu bất động sản tại chỗ

00:00 12/10/2020

Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép các tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu các bất động sản (BĐS) du lịch tại Việt Nam.

Giới chuyên gia cho rằng, đây là hướng đi tích cực, nhưng phải tính chuyện đường dài, tránh kiểu “ăn xổi ở thì”.

Trong nhà chưa tỏ…

Khoảng thời gian từ nửa cuối năm 2019 đến nay vốn được xem là giai đoạn khó khăn đối với phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng. Vụ đổ vỡ cam kết chi trả lợi nhuận tại dự án Cocobay Đà Nẵng không chỉ khiến hàng trăm khách hàng phải ôm cục tức nợ nần, mà cả các đại gia “lắm tiền nhiều của” cũng lâm vào ảnh “trở bạn thành thù”.

Có thể thấy, “chuyến tàu” mang tên BĐS du lịch nghỉ dưỡng (condotel) đã chuyển bánh và “nối toa” khá dài trước những sự cố như cocobay. Theo số liệu từ Hiệp hội BĐS Việt Nam, đến nay quy mô thị trường BĐS du lịch vào khoảng 23 tỷ USD, với khoảng 82.900 căn hộ du lịch, 28.099 biệt thự du lịch và 15.663 căn nhà phố.

Còn theo số liệu của Bộ Xây dựng công bố mới đây thì cả nước hiện có 30.000 cơ sở lưu trú du lịch, với khoảng 39.100 căn hộ du lịch (condotel). Trong đó, có 48 dự án BĐS nghỉ dưỡng đang được triển khai xây dựng, với 18.549 căn hộ du lịch và 3.359 biệt thự du lịch. Theo báo cáo của 34 tỉnh, thành phố gửi về Bộ Xây dựng ghi nhận trong quý 1/2020 có 5 dự án BĐS được cấp phép đầu tư, với 4.512 căn hộ du lịch và 476 biệt thự du lịch.

Trong khi các bộ, ngành còn đang tiếp tục “tranh luận” về pháp lý cho Condotel thì loại hình BĐS du lịch nghỉ dưỡng vẫn hình thành bất chấp những khó khăn chung của thị trường. Như vậy có thể thấy, nhu cầu của thị trường cho phân khúc này là có thật và theo nhiều chuyên gia nhận, việc xúc tiến cho phép người nước ngoài mua BĐS du lịch nghỉ dưỡng là một giải pháp phù hợp.

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Vũ Xuân Thiện, Cục phó Cục Quản lý Nhà và Th trường BĐS – Bộ Xây dựng, nhận định hiện lượng tồn kho trên thị trường BĐS hiện ở mức hơn 20%, chủ yếu tập trung vào phân khúc cao cấp và BĐS du lịch nghỉ dưỡng.

Trong thực tế, lượng tồn kho có thể còn lớn hơn nhiều con số 20% do số liệu trên còn chưa tính đến lượng nhà ở, BĐS, mà người dân đã đóng góp một phần (BĐS hình thành trong tương lai).

… ngoài ngõ khó thông

Khi sức cầu BĐS trong nước đang bị “đứng hình” do dịch COVID-19 cùng nhiều yếu tố khác thì các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, việc cho phép bán BĐS du lịch nghỉ dưỡng cho người nước ngoài sẽ góp phần hút dòng vốn ngoại, giúp “phá băng” thị trường này.

Ông Vũ Xuân Thiện cho rằng, không có lý do gì mà không cho người nước ngoài, Việt kiều mua nhà, mua đất, thậm chí là mua 2- 3 căn để họ có thể tặng, cho người khác.

Đồng quan điểm, GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cũng cho rằng cần thiết cho người nước ngoài, Việt kiều mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam bởi hiện chúng ta vẫn cấp phép đầu tư các khu đô thị lớn hàng trăm ha cho người nước ngoài, thậm chí dự án hàng trăm triệu USD vẫn được sang nhượng. Do đó, việc không cho người nước ngoài chuyển nhượng một ngôi nhà vài nghìn USD là không thỏa đáng.

Mặc dù ủng hộ cho phép người nước ngoài mua bán BĐS du lịch nghỉ dưỡng, nhưng giới chuyên gia lo ngại, nếu kiểm soát không tốt, việc cho người nước ngoài mua và sở hữu BĐS du lịch có thể sẽ ảnh hưởng đến an ninh trật tự và quốc phòng. Th tế cho thấy, vừa qua, Bộ Quốc phòng cũng đã cảnh báo về tình trạng người nước ngoài “núp bóng” người Việt để sở hữu BĐS ven biển đã diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là những thị trường lớn như Đà Nẵng, Nha Trang…

Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, bên cạnh những lợi ích thì việc sở hữu BĐS du lịch của người nước ngoài cũng cần được kiểm soát chặt chẽ, tránh trường hợp tạo nên tổ hợp ảnh hưởng đến vấn đề an ninh quốc gia hoặc các vị trí xung yếu.

Do đó, cần sớm có quy định cụ thể về vấn đề này, như người nước ngoài được mua BĐS du lịch ở những nơi nào? được sở hữu bao nhiêu năm?...

Như vậy, có thể thấy việc xem xét cho phép người nước ngoài sở hữu BĐS du lịch nghỉ dưỡng chỉ như động thái “mở cửa”; còn khách hàng, đối tác, tiền có vào hay không thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là vấn đề pháp lý.

Lê Sáng