“Mẹ đẻ” của ngành Internet Trung Quốc

16:36 23/03/2021

Trái ngược với ngày nay ngành Internet đất nước tỷ dân phần lớn là nam giới, người sáng lập công ty Internet đầu tiên của Trung Quốc Yinghaiwei lại là một phụ nữ tên Zhang Shuxin được mệnh danh là “Mẹ đẻ của ngành Internet Trung Quốc”.

Zhang Shuxin
Zhang Shuxin. (Ảnh: internet)

Đưa Internet đến với Trung Quốc

Zhang Shuxin sinh năm 1963, là người gốc Phủ Thuận ở Đông Bắc Trung Quốc. Khi còn nhỏ, bà đã đọc cuốn sách tiểu thuyết khoa học viễn tưởng có tên "Little Smart Wandering the Future". Đây là tác phẩm của Ye Yonglie và đã để lại ấn tượng sâu sắc cho Zhang lúc bấy giờ: Hóa ra khoa học sẽ mang lại sự thay đổi lớn cho cuộc sống, vậy thì với sự tiến bộ của khoa học, tương lai sẽ phát triển như thế nào?

Với sự ham học hỏi và lòng nhiệt thành đối với khoa học, Zhang Shuxin đã được nhận vào Khoa Hóa học của Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc năm 1981. Cô hy vọng rằng mình có thể trở thành Madame Curie của Trung Quốc. Ở trường đại học, Zhang Shuxin đã làm việc chăm chỉ và đạt thành tích tốt, trở thành nữ chủ tịch hội đồng sinh viên nữ đầu tiên trong lịch sử trường. Nhưng sau năm năm, Zhang đột nhiên phát hiện ra rằng, trên thực tế, tính cách của mình không thích hợp để trở thành một nhà hóa học. Cô yêu tự do, thích tưởng tượng và những điều mới mẻ. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp, Zhang Shuxin từ bỏ sự nghiệp hóa học của mình và trở thành một phóng viên của Tạp chí Khoa học Trung Quốc.

Sau 3 năm làm việc, Zhang Shuxin đã là phóng viên xuất sắc nhất của tờ "Tin tức Khoa học Trung Quốc", nhưng cô xin nghỉ việc và chuyển sang Học viện Khoa học Trung Quốc. Tại đây,  Zhang đã được mở rộng tầm mắt. Cô tham gia nghiên cứu chiến lược doanh nghiệp có cơ hội gặp gỡ rất nhiều “huyền thoại kinh doanh” của vô số công ty. Được khơi nguồn cảm hứng, năm 1992, Zhang Shuxin quyết định thành lập công ty riêng. Năm 1994, cô đến Hoa Kỳ để khám phá Internet.

Có thể nói, Internet lúc bấy giờ giống như một đứa trẻ sơ sinh khi mới chỉ có 1 triệu người dùng Internet ở Hoa Kỳ và Trung Quốc vừa mới tham gia với đường truyền chuyên dụng quốc tế 64K. Làm một phép so sánh đơn giản thì băng thông rộng ngày nay ít nhất là từ 100 megabit, gấp 1600 lần tốc độ 64K ngày ấy. Zhang Shuxin đặt tên công ty là Ying Haiwei, từ đồng âm với tiếng Anh là xa lộ thông tin.

"Xa lộ thông tin" của Trung Quốc 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet)

Đầu năm 1995, Zhang Shuxin xin làm dịch vụ Internet ở Bộ Bưu chính Viễn thông Trung Quốc. Đơn đăng ký đã được chấp thuận. Zhang xây dựng một trang web có tên "Yinghaiwei Time and Space". Tất nhiên, trong thời đại mà lĩnh vực Internet vẫn còn rất hoang sơ, sản phẩm của Zhang đã ngay lập tức trở thành một “cú hit” và mức độ phổ biến đối với những người chơi Internet đã tăng vọt.

Cuối năm 1995, Ying Haiwei dựng một bảng quảng cáo khổng lồ gần khu dân cư Zhongguancun, Bắc Kinh với nội dung: “Trung Quốc cách xa lộ thông tin bao xa?”. Câu trả lời là 1500 mét về phía bắc cũng chính là bảo tàng giáo dục khoa học mạng thuộc sở hữu của Zhang và mở cửa miễn phí cho người dân đến tham quan và sử dụng mạng với mục đích học tập.

Zhang Shuxin sử dụng tài nguyên truyền thông sẵn có của công ty lập nên các chuyên mục trên các phương tiện thông tin lớn nhằm phổ biến kiến thức và văn hóa Internet. Đồng thời, cô cũng nhấn mạnh đất nước Trung Quốc muốn đạt được sự trỗi dậy thì ngành công nghiệp thông tin là một cơ hội quan trọng. Có thể nói, nhiều người Trung Quốc bắt đầu bước vào thế giới Internet sau khi theo dõi Ying Haiwei.

Dự án đốt tiền

Ying Haiwei đã gặt hái được nhiều thành công và trở thành người khổng lồ Internet đầu tiên của Trung Quốc. Tuy nhiên, Zhang Shuxin đã có một bước đi sai lầm khi đầu tư vào Công nghệ thông tin. Ying Haiwei được cho là quá tham vọng khi tham gia vào gần như toàn bộ ngành CNTT từ cơ sở hạ tầng đến nền tảng, từ trò chơi nghe nhìn đến diễn đàn xã hội và thậm chí muốn tham gia vào thương mại điện tử. Đây đều là những dự án “đốt tiền” điển hình như bộ tứ “China Telecom + Sina + Tencent + Taobao Mall” đã ngốn không biết bao tiền của. Cứ như vậy, công ty của Zhang dần trở nên mất phương hướng và chỉ đạt được 60 nghìn người đăng ký trên tổng số cả nước là 250 nghìn người.

Nhưng trên tất cả, thứ mà Zhang và Ying Haiwei còn thiếu chính là tư duy người dùng, lấy người dùng làm trung tâm vốn là điều cốt lõi của Internet ngày nay. Ví dụ, công ty sử dụng trình duyệt để mở một trang web khác nhưng lại gây bất tiện đối với người sử dụng. Mặc dù nhận được nhiều phản hồi nhưng Ying Haiwei vẫn không thay đổi với lí do công ty đã dành rất nhiều nhân lực và nguồn lực tài chính để phát triển phần mềm đặc biệt này trước đó và không thể tùy tiện vứt bỏ. Vì vậy, vào tháng 7 năm 1996, một làn sóng tẩy chay diễn đàn Yinghaiwei Space-Time nổi lên. Tuy nhiên Ying Haiwei đã có động thái được xem như “từ chối giao tiếp” với người dùng khi thành lập đội “cảnh sát” Internet để “dẹp loạn” trên diễn đàn. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet)

Vào tháng 4 năm 1996, “Yahoo” được niêm yết trên sàn Nasdaq ở Hoa Kỳ và giá cổ phiếu  đã tăng vọt từ 13 đô la lên 43 đô la. Bỏ lỡ cơ hội trở thành “Yahoo Trung Quốc”, Ying Haiwei không còn khả năng chuyển đổi và đứng nhìn những đối thủ cạnh tranh tham gia vào ngành công nghiệp Internet. Các nhà đầu tư không mấy mong đợi tình hình của Yinghaiwei bất ngờ bãi nhiệm Zhang Shuxin khỏi vị trí chủ tịch. 

Câu chuyện về Zhang Shuxin không còn dài với cái kết chẳng mấy tốt đẹp. Tuy nhiên không thể phủ nhận rằng Zhang là người đã truyền cảm hứng và mang Internet tới cho Trung Quốc và cô cũng tiếc rằng đã không nhận ra được đặc thù của ngàng Internet sớm hơn. Những kinh nghiệm, bài học quý báu từ những người tiên phong đã trở thành nhiều “gia tài” quý giá cho các công ty sau này bước vào lĩnh vực Internet.

TL