Máy ATM phòng dịch Covid-19 dùng năng lượng mặt trời, sản phẩm sáng tạo của học sinh THPT tỉnh Quảng Ngãi

22:22 01/03/2021

Tại trường THPT Trần Quốc Tuấn, Quảng Ngãi từ máy ATM phát gạo, các nữ sinh đã nâng cấp thành “ATM phòng dịch Covid-19”, với 4 chức năng: rửa tay sát khuẩn, phát mỳ tôm, phát gạo, phát khẩu trang.

Hơn 2 tháng qua, trước cổng Trường THPT Trần Quốc Tuấn (Quảng Ngãi) được đặt một máy ATM đa năng phòng dịch Covid-19 hết sức độc đáo khiến nhiều học sinh thích thú. Máy ATM có 4 chức năng: rửa tay sát khuẩn, phát mỳ tôm, gạo và khẩu trang. Hằng ngày, các em học sinh xếp hàng để rửa tay sát khuẩn, nhận khẩu trang trước khi vào trường. Đặc biệt là các em học sinh khi có nhu cầu cũng được nhận mỳ tôm và gạo. 

Tác giả sản phẩm này đó là các em Võ Lê Xuân Thủy và Hồ Nguyễn Minh Thư (học sinh lớp 12C2, Trường THPT Trần Quốc Tuấn) đã nghiên cứu, sáng tạo ra Máy ATM “4 trong 1”
Tác giả sản phẩm này đó là các em Võ Lê Xuân Thủy và Hồ Nguyễn Minh Thư (học sinh lớp 12C2, Trường THPT Trần Quốc Tuấn) đã nghiên cứu, sáng tạo ra Máy ATM “4 trong 1”.

Sau gần 3 tháng mày mò nghiên cứu, máy ATM đa năng của 2 em Thủy và Thư đã hoàn thành đúng vào thời điểm dịch Covid-19 lại bùng phát ở một số tỉnh, thành phía Bắc. Hai cô nữ sinh đã đưa máy ATM đặt ở trường học để giúp phòng ngừa dịch bệnh cho học sinh và giáo viên.Hai nữ sinh Võ Lê Xuân Thủy và Hồ Nguyễn Minh Thư. Em Thủy tâm sự, đầu năm ngoái, em có tham gia chế tạo máy ATM phát gạo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trong dịch Covid-19 cùng các cựu học sinh của trường. Thủy nhận thấy máy ATM phát gạo được chế tạo trong thời gian ngắn nên chưa hoàn thiện, máy hoạt động không ổn định. Lúc này, Thủy đã lên ý tưởng cùng cô bạn Minh Thư để nghiên cứu, cải tiến ATM gạo thành máy ATM đa chức năng giúp chống dịch Covid-19. Ý tưởng của 2 nữ sinh trên đã được tập thể giáo viên nhà trường tạo điều kiện, ủng hộ và hỗ trợ nhiệt tình.

Thủy bộc bạch: “Chúng em rất mừng, vì đến nay máy ATM vẫn hoạt động tốt, không gặp trục trặc, cho dù có hàng trăm học sinh rửa tay sát khuẩn, nhận nhu yếu phẩm hàng ngày”.

Theo Minh thư, máy ATM khá nhỏ gọn với chiều cao 2m, dài 1,5m, dùng khung nhôm và thép. Máy có băng tải cấp tự động khẩu trang, mỳ tôm, gạo; thiết bị phun nước sát khuẩn tay, bộ phận khay chứa nhu yếu phẩm; bộ cảm biến; mạch điện điều khiển máy. Người dùng chỉ cần đứng gần, bộ phận cảm biến sẽ nhận diện. Trong vòng một giây, nước sát khuẩn, mỳ tôm, gạo, khẩu trang sẽ tự động được đẩy ra ngoài.

Thư chia sẻ, để chế tạo chiếc máy này, ngoài thiết bị ATM có sẵn, hai nữ sinh mua thêm thiết bị điện tử và đặt gia công khung máy cho các chức năng còn lại.

Thư cho chúng tôi biết thêm: “Để hoàn thành máy, chúng em còn nghiên cứu tài liệu trong và ngoài nước để chế tạo. Ngoài ra, máy còn sử dụng một đoạn code do cô giáo Nguyễn Thị Mai hướng dẫn chúng em làm. Sau gần 3 tháng đã hoàn thiện chiếc máy với kinh phí khoảng 6-7 triệu đồng”,

Máy ATM dễ tháo rời, chạy bằng pin năng lượng mặt trời

Điều đặc biệt ở chiếc máy ATM “4 trong 1” này đó là chạy bằng pin năng lượng mặt trời, máy được trang bị đèn led, hệ thống camera giám sát.Máy ATM sử dụng bộ phận cảm biến, chỉ cần khua tay thì nước sát khuẩn, khẩu trang, gạo và mỳ tôm sẽ ra.

Ngoài ra, máy còn có ưu điểm là dễ dàng tháo lắp các bộ phận. Khi có nhu cầu sử dụng 1 trong 4 chức năng (rửa tay sát khuẩn, phát mỳ tôm, gạo, khẩu trang), thì chỉ cần tháo rời 1 bộ phận này ra. Lúc này, máy ATM và bộ phận được tháo ra vẫn hoạt động bình thường.“Chúng em đã trang bị thêm đèn led để máy có thể hoạt động vào buổi tối. Ngoài ra, chúng em lắp thêm pin năng lượng mặt trời cho máy ATM, để tránh trường hợp mất điện, máy vẫn có thể hoạt động”, hai cô bé chia sẻ.

“Chúng em đã nâng cấp phần phát gạo thành máy bán gạo. Khi người mua có nhu cầu, thì chỉ cần nhét tiền vào (mặc định 10 ngàn đồng) thì máy chảy ra khoảng 2kg gạo. Thời gian tới, chúng em tiếp tục nghiên cứu để máy ATM hiện đại và hữu ích hơn với người dùng”, Thư nói thêm.

Cô giáo Nguyễn Thị Mai là giáo viên hướng dẫn cho biết, khi Thủy và Thư có ý tưởng cải tiến máy đã kịp thời động viên, khích lệ các em bắt tay vào làm. “Thời gian tới, tôi và các em sẽ tiếp tục nghiên cứu, để giúp máy ATM hiện đại và hữu ích hơn”, cô Mai chia sẻ.

Có thể nói, chiếc máy ATM đa năng là sản phẩm sáng tạo của các nữ sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường rất cần được nhân rộng và cấp bằng sáng chế để kịp thời động viên các em.

PV