Mặt bằng bán lẻ vẫn còn nhiều thách thức

00:00 12/10/2020

Để duy trì được các hoạt động kinh doanh tại các trung tâm thương mại và siêu thị bán lẻ trước tác động của đại dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, kế hoạch kinh doanh, định vị thương hiệu, định vị khách thuê cần áp dụng các công cụ tiếp thị hỗn hợp, đa dạng hóa sản phẩm…

Trước những tác động sâu rộng của đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu, ngành công nghiệp bán lẻ đang phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn, đặc biệt là các siêu thị và trung tâm thương mại (TTTM).

Chưa hết ế ẩm

Khảo sát một số TTTM như Lotte, The Garden, Vincom Nguyễn Chí Thanh, IPH Xuân Thuỷ…, dễ nhận thấy là mặc dù các cửa hiệu đã mở gần hết, nhưng khách đến rất thưa thớt. Các cửa hàng đều trong cảnh đìu hiu khi lượt khách xem hàng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Chị Nguyễn Thu Thuỷ - chủ một cửa hàng đồ chơi và quần áo trẻ em ở TTTM IPH Xuân Thuỷ (Cầu Giấy) cho biết, cửa hàng đã mở trở lại từ đầu tháng 5 nhưng lượng khách mua hàng và đến xem giảm rõ rệt, doanh thu tháng 5 chỉ bằng 30% so với tháng trước khi có dịch.

Tình cảnh cũng tương tự ở TTTM The Garden Mễ Trì, khi hầu hết các cửa hàng quần áo thời trang, mỹ phẩm có doanh thu tháng 5 chỉ bằng 40 - 50% so với trước khi dịch bệnh xảy ra.

Trong thời gian gần đây, thị trường chứng kiến sự "ra đi" của các chi nhánh thuộc nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực bán lẻ, như Auchan, Parkson… Nguyên nhân do sự thay đổi thị hiếu của người mua, sự cạnh tranh thị trường khi rất nhiều trung tâm mua sắm đã được xây dựng thành công với mô hình mới, hợp thời, bắt kịp xu thế cùng với các khách thuê/thương hiệu hấp dẫn...

Tuy nhiên, theo Savills Việt Nam, nhìn tổng quan từ thị trường bán lẻ nói chung, với dân số gần 100 triệu người, nhưng tỷ lệ dân số trẻ có mức thu nhập trung bình ngày một cao và tỷ lệ dân số sống ở thành thị đông, Việt Nam vẫn được coi là một trong những điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư các TTTM.

Để thích ứng với thị hiếu biến đổi thường xuyên của người tiêu dùng, các ngành hàng trong ngành bán lẻ luôn cần sự đổi mới và sáng tạo. Trong đó có sự cải tiến, phát triển của nhiều nhà bán lẻ và chủ đầu tư phát triển bất động sản trong sản phẩm của mình để thu hút khách hàng.

Theo bà Trần Thị Thu Hà - Quản lý Bộ phận cho thuê bán lẻ, Savills Việt Nam, hiện các TTTM hay chuỗi siêu thị bán lẻ vẫn có thể thành công tại thị trường Việt Nam nếu thực hiện một chiến lược phát triển đúng đắn.

Bởi thực tế trên thị trường còn nhiều mô hình bán lẻ đang hoạt động tốt như Takashimaya tại TP.HCM, Robins tại Hà Nội. Các công ty này đang có những bước cải tiến về hình thức, mô hình và cách thức hợp tác với các khách thuê khác nhau để phù hợp với thị trường. Hay như TTTM Parkson trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1, TP.HCM với vị trí đắc địa cùng với kế hoạch cải tạo xây dựng và trang trí, vẫn đang thu hút nhiều khách thuê. Đặc biệt trong đó là Uniqlo đã mở cửa hàng đầu tiên tại thị trường Việt Nam trước đây.

17-6-TTTM-the-Garden-van-vang-7767-8922-

Trong tháng 5, nhiều TTTM vẫn vắng khách

Phải thay đổi chiến lược kinh doanh

Một số chuyên gia cho rằng, ở mảng thương hiệu thời trang lớn vẫn tập trung vào cả bán hàng trực tuyến và bán tại các cửa hàng truyền thống. Tuy nhiên, đối với ngành thời trang (cao cấp, trung cấp, thương hiệu lớn), doanh số tại các cửa hàng vẫn chiếm ưu thế so với bán hàng trực tuyến, với 70 - 80% tổng doanh thu.

Chính vì vậy, các thương hiệu lớn đã thay đổi mô hình nhằm đáp ứng với nhu cầu này để có nhiều sự tương tác hơn với khách hàng, như việc thiết kế, trang trí các mô hình đặc sắc tại cửa hàng, cung cấp trải nghiệm độc quyền cho khách hàng khi họ mua sắm tại cửa hàng, đào tạo nhân viên, tăng cường khuyến mãi, mời KOL (người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng tới một nhóm người) đến cửa hàng…

“Đây chính là cơ hội dành cho các TTTM và siêu thị bán lẻ có thể tồn tại và phát triển, đặc biệt ở dòng sản phẩm cao cấp và trung cấp trong thời gian tới”, bà Trần Thị Thu Hà nhìn nhận.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, trong phân khúc bán lẻ, hầu hết các TTTM và cả siêu thị lẻ đều có chính sách hỗ trợ khách thuê với việc giảm giá mặt bằng từ 30 - 100% để giữ chân khách thuê. Tuy nhiên, vẫn có nhiều khách hàng trả lại mặt bằng.

Trước đó, theo nhận định của CBRE, nếu kiểm soát được dịch bệnh trong quý II/2020, tỷ lệ trống tại khu vực trung tâm sẽ được giữ ổn định đến cuối năm và tỷ lệ trống tại khu ngoài trung tâm có thể sẽ tăng nhẹ 1 - 2 điểm phần trăm. Trường hợp dịch bệnh kéo dài tới tháng 9/2020, tỷ lệ trống sẽ tăng ở cả hai thị trường, trong đó tỷ lệ trống tại khu ngoài trung tâm sẽ tăng mạnh hơn, từ 5 - 7 điểm phần trăm, đồng thời nguồn cung tương lai tại TP.HCM sẽ giảm 76% và có thể sẽ không có thêm dự án mới tại Hà Nội.

Ts. Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, nếu Covid-19 kéo dài lâu hơn trên phạm vi toàn thế giới, khả năng cao nhiều thương hiệu sẽ rơi vào tình trạng phá sản, dẫn tới việc bỏ mặt bằng kinh doanh, các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ có thể phải đối mặt với việc phá sản. Trừ một số ngành như chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp, sản phẩm thiết yếu, dịch vụ giao hàng siêu thị, mặt hàng ăn uống bình dân…

Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, theo Ts. Sử Ngọc Khương, chiến lược kinh doanh là yếu tố then chốt dẫn đến thành công của các nhà phát triển TTTM.

“Đó sẽ là những kế hoạch kinh doanh, định vị thương hiệu, định vị khách thuê hoặc áp dụng các công cụ tiếp thị hỗn hợp, đa dạng hóa sản phẩm… Bên cạnh đó là việc kết hợp và tăng cường mua bán online để đảm bảo được doanh thu và chi phí hoạt động của các doanh nghiệp đó tại thị trường Việt Nam”, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam nhận định.

Phạm Minh