M&A: Mảnh đất rộng cho nhà tư vấn nội

00:00 12/10/2020

Hoạt động M&A diễn ra sôi động ở hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt ở ngành bán lẻ, sản xuất hàng tiêu dùng, bất động sản, tài chính và nông nghiệp, đây là cơ hội lớn cho các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn – công ty chứng khoán.

Thị trường M&A tiếp tục bùng nổ

Theo thống kê, tổng số lượng giao dịch và giá trị giao dịch tăng trưởng trung bình lần lượt khoảng 22% và 15% giai đoạn 2007 - 2017.

Tổng giá trị M&A tại Việt Nam năm 2016 đạt 5,8 tỷ USD, năm 2017 ước tính đạt khoảng 8 tỷ USD. Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường M&A sôi động nhất khu vực châu Á. 

Xu hướng M&A trong giai đoạn nửa cuối năm 2018 và dài hạn hơn vẫn được các công ty chứng khoán nhìn nhận tiếp tục sôi động, được chia làm hai nhóm chính: Thứ nhất, M&A các tập đoàn kinh tế nhà nước cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.

Đây vẫn là nhóm thu hút dòng tiền lớn nhất với sự tham gia rất tích cực của cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các nhà đầu tư nước ngoài đã có thời gian hoạt động ở Việt Nam chiếm ưu thế trên sân chơi này.

Thứ hai là M&A các tập đoàn và công ty tư nhân quy mô vừa và nhỏ hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực sản xuất, bán lẻ, dịch vụ tài chính và lương thực. Đây là sân chơi mà hầu như các nhà đầu tư nước ngoài chiếm ưu thế và có sự hoạt động tích cực từ các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư lần đầu ở thị trường Việt Nam.

Diễn đàn M&A Việt Nam thường niên lần thứ 10 - năm 2018, do Báo Đầu tư và AVM Vietnam phối hợp tổ chức, sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị GEM (TP.HCM) vào thứ Tư, ngày 8/8/2018.

Với chủ đề “Bước ngoặt mới - Kỷ nguyên mới”, Diễn đàn sẽ nhìn lại chặng đường 10 năm hoạt động M&A tại Việt Nam, trao đổi những cơ hội và chiến lược M&A tại Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

Diễn đàn gồm các hoạt động chính sau:
• Hội thảo M&A với các diễn giả hàng đầu Việt Nam và quốc tế;
• Đêm Gala Diner vinh danh Thương vụ M&A tiêu biểu 2017 - 2018 và Thương vụ của thập kỷ;
• Phát hành Đặc san “Một thập kỷ M&A tại Việt Nam & cơ hội M&A 2018 - 2019” ;
• Khoá đào tạo quốc tế Chiến lược M&A để tăng trưởng đột phá.

Giai đoạn nửa đầu năm 2018 đã trôi qua với những thương vụ M&A đình đám như sáp nhập PG Bank vào HDBank, CTCP Đầu tư và phát triển Nguyễn Kim thâu tóm CTCP Dược Lâm Đồng, The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., Ltd., nâng tỷ lệ sở hữu từ 49,89% lên 50,89% tại CTCP Nhựa Bình Minh.

Ông Khổng Phan Đức, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Công thương (Vietinbank Securities) nhận định, trong năm 2018 và các năm tiếp theo, hoạt động M&A sẽ tiếp tục sôi động.

Năm 2018 là năm mà các doanh nghiệp và cơ quan hữu quan đẩy mạnh triển khai hoạt động thoái vốn nhà nước theo Quyết định 58/2016/QĐ-TTg và Quyết định 1232/QĐ-TTg.

Theo đó, vốn nhà nước tại các tổng công ty lớn thuộc Bộ Công thương, các tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng… sẽ được Nhà nước thoái.

Lượng tài sản này được bán ra sẽ tạo ra những cơ hội rất lớn cho hoạt động M&A. Các tổng công ty này đã được các nhà đầu tư trong và ngoài nước chú ý từ lâu và chắc chắn họ sẽ không bỏ qua cơ hội này.

Tuy nhiên, việc thoái vốn của Nhà nước được thực hiện theo quy định khá chặt chẽ và phức tạp, nên có thể thời gian thực hiện kéo dài.

Vì vậy, quá trình thoái vốn của Nhà nước sẽ còn tiếp tục trong vài năm tới, tạo ra sự hấp dẫn về dài hạn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Lĩnh vực bất động sản cũng được các nhà đầu tư (đặc biệt là nhà đầu tư ngoại) quan tâm.

Cũng theo ông Đức, thị trường bất động sản sau một khoảng thời gian tăng nóng đã bắt đầu có xu hướng ổn định trở lại. Đây sẽ là giai đoạn thích hợp để các nhà đầu tư tìm kiếm, thâu tóm các dự án để phát triển trong dài hạn.

Bên cạnh đó, lĩnh vực bán lẻ, tài chính… sẽ tiếp tục được các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. Nền kinh tế Việt Nam đã trải qua giai đoạn khó khăn, chuyển sang giai đoạn tăng trưởng ổn định, những doanh nghiệp đã tồn tại được trong giai đoạn khó khăn nhất vừa qua sẽ bắt đầu mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh của mình, một trong những cách mở rộng nhanh và hiệu quả nhất là thâu tóm, sáp nhập với các doanh nghiệp cùng ngành.

Ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán MBS cho rằng, với các kết quả tích cực từ kinh tế vĩ mô, sự cam kết đổi mới và tính thị trường của nền kinh tế, các cơ chế chính sách của Chính phủ ngày càng tạo điều kiện thu hút các dòng vốn ngoại, cải cách hệ thống doanh nghiệp nhà nước thông qua cổ phần hóa… sẽ góp phần tạo động lực cho làn sóng M&A trong nước và quốc tế tại Việt Nam.

“Thị trường M&A sẽ tiếp tục bùng nổ về số lượng và quy mô giao dịch trên các ngành kinh tế chủ chốt”, ông Hà nói.

Mảnh đất màu mỡ cho khối công ty chứng khoán

Theo ông Hà, là tổ chức trung gian thị trường, các công ty chứng khoán đang đón nhận các cơ hội rất lớn trong cung cấp dịch vụ tư vấn M&A.

Các công ty chứng khoán Việt Nam đang thể hiện vai trò chủ động và tích cực tham gia vào các giao dịch M&A thông qua việc cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính doanh nghiệp và tư vấn M&A.

Ông Hà chia sẻ, MBS đang thực hiện tư vấn một số thương vụ M&A trong lĩnh vực ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), dầu khí, vận tải, cảng biển, bệnh viện, thực phẩm - đồ uống, vật liệu cơ bản, năng lượng (thủy điện và năng lượng mới), tài chính - bảo hiểm.

Không chỉ thực hiện tư vấn cho các công ty trong nước, MBS cũng thực hiện các hợp đồng tư vấn M&A cho các tập đoàn, quỹ đầu tư nước ngoài trong quá trình tìm kiếm các cơ hội đầu tư và hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam.

Thực tế, hoạt động M&A phát triển đang tạo ra cơ hội lớn cho nhiều công ty chứng khoán. Tại Vietinbank Securities, ông Đức cho biết, Công ty đang thực hiện hàng trăm hợp đồng tư vấn mỗi năm cho các đơn vị thuộc Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải…

Bên cạnh đó, đối tác The Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ, Ltd.(BTMU) đang kết nối các nhà đầu tư ngoại tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam và trong hoạt động đó, Vietinbank Securities đóng vai trò như một nhà tư vấn bên bán.

Từ đầu quý IV/2017 đến nay, Vietinbank Securities đã tư vấn thâu tóm một dự án cảng trị giá hơn 16 triệu USD cho một nhà đầu tư trong nước và tư vấn bán dự án bất động sản trị giá hơn 100 triệu USD cho đối tác nước ngoài.

Ngoài ra, Vietinbank Securities đã ký hợp đồng ủy thác và đang thu xếp bán nhà máy chế biến khoáng sản trị giá trên 50 triệu USD và triển khai nhiều thương vụ M&A khác có quy mô nhỏ hơn.

Ông Tống Minh Tuấn, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, cơ hội của các công ty chứng khoán trong lĩnh vực tư vấn M&A là rất hứa hẹn. Nhìn chung, các công ty chứng khoán vẫn tập trung ở vai trò tổ chức tư vấn cho bên bán.

Cơ hội sẽ rộng mở hơn nếu các công ty này tích cực phối hợp cùng các định chế tài chính trong và ngoài nước trong việc tham gia tư vấn M&A.

Một số công ty chứng khoán có thế mạnh trong lĩnh vực tư vấn như Chứng khoán Bản Việt, Chứng khoán VPBank (VPBS), Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng nhìn nhận, cơ hội đang rất rộng mở để tham gia tư vấn M&A.

Theo VPBS, Công ty đang thực hiện các dịch vụ tài chính như thu xếp vốn, bảo lãnh phát hành, hoạt động M&A doanh nghiệp, tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp, cơ cấu lại vốn, nợ trong từng giai đoạn, không chỉ là các thương vụ trong nước mà mở rộng ra phạm vi quốc tế

Năm 2017, doanh thu từ hoạt động tư vấn tài chính của VPBS đạt hơn 280 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm 2016.

Năm 2017, BVSC cũng tư vấn thành công nhiều thương vụ lớn như sáp nhập CTCP Đường Biên Hòa (BHS) vào CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT) với giá trị thương vụ 9.874 tỷ đồng, đặc biệt là dự án tư vấn chuyển nhượng vốn Nhà nước tại Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với giá trị chào bán lên tới 109.972 tỷ đồng.

Ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc BVSC cho biết, Công ty đặt mục tiêu đẩy mạnh dịch vụ tư vấn, một trong năm nghiệp vụ chính của một công ty chứng khoán.

Trong năm 2018, BVSC đặt mục tiêu doanh thu hoạt động này sẽ tăng khoảng 30% so với kết quả năm 2017. Đây là mức tăng trưởng dự kiến cao nhất so với các hoạt động môi giới, tự doanh, lưu ký.

Những “nút thắt” cần tháo gỡ cho M&A bùng nổ

Trong quá trình tư vấn cho các bên, MBS cho rằng, ở Việt Nam hiện vẫn chưa có các văn bản pháp lý hướng dẫn chi tiết và quản lý các hoạt động M&A.

Các nhà đầu tư và các doanh nghiệp trong nước và quốc tế khi tham gia vào giao dịch M&A sẽ phải tìm hiểu và áp dụng các luật và các văn bản hướng dẫn luật khác nhau, như Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Cạnh tranh, Luật Đầu tư và các luật chuyên ngành đối với các ngành đặc thù. Do vậy, theo ông Trần Hải Hà, thúc đẩy cải cách hệ thống pháp luật được xem là cách hữu hiệu để tạo “cú huých” cho thị trường M&A Việt Nam.

Với định hướng thu hút mạnh mẽ hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh thị trường vốn trong nước phát triển, Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2015/NĐ-CP về việc nới “room” cho nhà đầu tư ngoại trong việc mua cổ phần trên thị trường chứng khoán.

Trong thời gian tới, Chính phủ cũng đang cân nhắc mở rộng các ngành nghề mà nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia đầu tư tại Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Khổng Phan Đức, để thuận lợi hơn nữa cho hoạt động M&A, Chính phủ cần tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai cơ chế nới room.

Về vấn đề chuyển vốn đầu tư, cần đơn giản hóa hơn nữa các thủ tục hành chính, đẩy nhanh thời gian xem xét và phê duyệt hồ sơ. Những cải cách mạnh mẽ sẽ giúp Việt Nam thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn nữa.

Ông Tống Minh Tuấn lại cho rằng, ở mỗi nhóm có những nút thắt riêng và có hướng tháo gỡ riêng. Đối với thoái vốn và cổ phần hóa các tập đoàn kinh tế và công ty nhà nước, VCBS cho rằng, quá trình này cần diễn ra một cách minh bạch và đẩy mạnh hơn.

Điểm khó khăn chính cho các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, đó là khối lượng thông tin và thời gian tiếp cận thông tin với các doanh nghiệp nhà nước. 

Trong khi đó, đối với các tập đoàn và công ty khối tư nhân thì nút thắt cơ bản nhất vẫn nằm ở cách thức vận hành và quản trị doanh nghiệp còn nhiều yếu kém.

Vì vậy, các nhà đầu tư thường phải mất thêm thời gian để tiến hành tái cấu trúc vận hành và tài chính sau khi thâu tóm. Đây là một trong những thách thức các nhà đầu tư nước ngoài trong việc đi đến quyết định thâu tóm.

Hải Vân