Lý do doanh nghiệp công nghệ Việt trở thành đối tác của Amazon Web Services

22:01 23/04/2021

Khi trở thành đối tác trong mạng lưới của Amazon Web Services, doanh nghiệp sẽ tăng khả năng mở rộng tệp khách hàng, được hỗ trợ về mặt kinh doanh, nghiệp vụ, kỹ thuật, truyền thông,…từ ông lớn trong mảng điện toán đám mây trên thế giới.

 

Lý do doanh nghiệp công nghệ Việt trở thành đối tác của Amazon Web Services?
Ông Stanley Chan, Giám đốc phụ trách các đối tác công nghệ của AWS.
Amazon Web Services (AWS) là nền tảng điện toán đám mây toàn diện, cung cấp hơn 200 dịch vụ đầy đủ cho hàng triệu khách hàng trên thế giới. Vài năm trở lại đây, AWS đã triển khai chương trình mạng lưới đối tác APN (AWS Partner Network) - Cộng đồng các đối tác toàn cầu sử dụng Amazon Web Services để xây dựng các giải pháp và dịch vụ cho khách hàng.

Theo tiết lộ, có tới hơn 90% công ty trong Fortune 100 sử dụng các giải pháp và dịch vụ AWS từ các đối tác trong mạng lưới APN này. Ở Việt Nam, những tập đoàn lớn như Masan, Vietjetair hay những tập đoàn đa quốc gia lớn của nước ngoài hoạt động tại Việt Nam như Samsung đều sử dụng sản phẩm của các đối tác trong mạng lưới APN này.

Trong một buổi trao đổi với báo chí đầu tháng 4 vừa qua, ông Stanley Chan, Giám đốc phụ trách các đối tác công nghệ của AWS trong mạng lưới APN tại khu vực Đông Nam Á đã có những chia sẻ rõ hơn về chương trình này.

Theo ông Stanley Chan, mạng lưới đối tác APN chia làm 2 loại quan hệ đối tác như sau:

1. Đối tác tư vấn: Đây là các công ty cung cấp dịch vụ tư vấn về công nghệ thông tin, tích hợp hệ thống, phát triển ứng dụng…cho khách hàng.

2. Đối tác công nghệ: Đây là các nhà phát triển phần mềm, các nhà cung cấp giải pháp hệ thống, cơ sở dữ liệu, phần cứng…Có thể kể đến một số tên tuổi trên thế giới như Salesforce, Cisco, Siemens…hay tại Việt Nam là FPT Telecom, Kiu Global…

Đại diện AWS cho biết, doanh nghiệp sẽ không phải trả bất cứ chi phí gì khi gia nhập mạng lưới APN. Để bắt đầu, AWS sẽ cung cấp cho doanh nghiệp các công cụ kỹ thuật cũng như các khóa học để họ tự phát triển giải pháp kinh doanh hoặc giải pháp công nghệ của riêng mình. Tiếp theo, AWS giúp doanh nghiệp xác định xem họ mạnh ở lĩnh vực gì, họ có thể đào sâu phát triển, tạo ra những khác biệt gì trên thị trường. Từ đó, AWS hỗ trợ đối tác APN trong hoạt động phát triển kinh doanh và bán hàng.

Riêng với các đối tác công nghệ, AWS có khu chợ Marketplace tương tự như Amazon.com. Tại đây, đối tác APN có thể bày bán sản phẩm của chính họ cũng như mua sản phẩm từ 1.500 đối tác khác, hoặc trải nghiệm nhiều chương trình dùng thử miễn phí.

Ông Stanley Chan khẳng định: "AWS luôn luôn cam kết nỗ lực để hỗ trợ đối tác phát triển và thành công, giúp họ phát triển kiến thức chuyên môn về điện toán đám mây để phục vụ những khách hàng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở trong khu vực và trên toàn thế giới".

Lý do doanh nghiệp công nghệ Việt trở thành đối tác của Amazon Web Services? - Ảnh 1.

Bà Hồng Trần, CEO TechX

Tại Việt Nam, một trong những đối tác tư vấn tiêu biểu thuộc mạng lưới APN là TechX, startup công nghệ chuyên về điện toán đám mây được thành lập vào tháng 2/2020. Sau 6 tháng kể từ khi thành lập, CEO Hồng Trần cho biết, TechX đã trở thành đối tác tư vấn cấp cao trong mạng lưới APN và được phía AWS hỗ trợ trên nhiều khía cạnh như sau:

Thứ nhất: AWS cung cấp kinh phí để TechX phát triển hai sản phẩm quan trọng của mình là khu chợ ứng dụng XCloud Web Services và nền tảng chăm sóc khách hàng Xconnect Customer 360 Real Time.

Thứ hai: AWS tạo điều kiện để khách hàng của TechX trải nghiệm miễn phí các dịch vụ điện toán đám mây, đồng thời hỗ trợ TechX trong quá trình xây dựng thương hiệu và phát triển kinh doanh. Đặc biệt phía TechX cũng hoàn toàn sử dụng các công cụ marketing do phía AWS cung cấp thay vì phải tự dùng kênh marketing riêng của chính mình.

Kết quả là chỉ sau hơn 1 năm thành lập, TechX đã được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn như TNEX - Ngân hàng số đầu tiên tại Việt Nam của MSB, FE CREDIT, VIB, Sovico, HDBank,…

Ông Stanley Chan nhìn nhận trong năm 2021, TechX vẫn là một trong những đối tác hàng đầu của APN nhưng ông hy vọng sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp Việt cùng gia nhập mạng lưới này để khai phá tiềm năng thị trường.

"Chúng tôi coi thị trường Việt Nam vẫn là một thị trường mới nổi. Với sự hỗ trợ của các đối tác quan trọng như TechX, chúng tôi đã bắt đầu có được những khách hàng lớn trong lĩnh vực ngân hàng, dịch vụ tài chính và một số khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chỉ đang ở gian đoạn đầu về sử dụng công nghệ điện toán đám mây, vì vậy chúng tôi cần nhiều hơn nữa những đối tác như TechX để cùng nhau phát triển thị trường, đưa những giải pháp ưu việt về điện toán đám mây tới tay khách hàng".

 Ánh Dương (Theo Nhịp Sống Kinh Tế)