Lưu ý cho doanh nghiệp xuất khẩu mỳ ăn liền sang EU trong 2022

11:12 24/12/2021

EU (Liên minh châu Âu) là khu vực không chỉ có thu nhập bình quân đầu người lớn bậc nhất thế giới mà còn nổi tiếng bởi sự khó tính về các sản phẩm nhập khẩu và mỳ gói không phải là ngoại lệ. Khía cạnh tin tức dưới đây đề cập đến là thông tin về kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong mặt hàng này khi xuất khẩu sang EU.

1 siêu thị tại Châu Âu
1 siêu thị tại Châu Âu. (Ảnh: Bognor Regis)

Theo tổng hợp, Ủy ban châu Âu vừa qua đã công bố thông báo Quy định số (EU) 2021/2246 về việc sửa đổi Quy định (EU) 2019/1793 trong việc áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp một số thực phẩm được nhập khẩu vào EU.

Cụ thể, đối với Việt Nam thì tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật với các loại rau thơm, quả và thực phẩm như sau:

- Rau mùi: 50%

- Húng quế: 50%

- Bạc Hà: 50%

- Rau mùi tây: 50%

- Đậu bắp: 50%

- Hạt tiêu: 50%

- Thanh long: 20%.

- Mì ăn liền : 20%

Quy định này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ 20 kể từ ngày 17/12/2021.

Theo đó, dự kiến kể từ ngày 6 tháng 1 năm 2022 thì mỳ ăn liền của Việt Nam sẽ chịu tần suất kiểm tra là 20% với dư lượng của Ethylene Oxide (tổng cộng của cả ethylene oxide và 2-chloro-ethanol, vì đều được đề cập là ethylene oxide). Với việc mỳ ăn liền là sản phẩm tổng hợp thì trong trường hợp sản phẩm có thêm trứng hoặc mỡ động vật, doanh nghiệp cần thêm chứng thư từ Cục Thú y. Nếu trong trường hợp thuần túy các sản phẩm từ thực vật thì cần liên hệ với Cục Bảo vệ thực vật để lấy chứng thư.

Giới chuyên môn tại EU đã có những lời khuyên bổ ích cho doanh nghiệp Việt bao gồm, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm là bắt buộc đối với các nhà nhập khẩu các mặt hàng kể trên. Để thực hiện nghĩa vụ này, doanh nghiệp phải ghi lại nguồn gốc của sản phẩm và có thể truy suất xuất xứ cho tất cả các mặt hàng trên. Doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần chuẩn bị giấy tờ chứng minh xuất xứ cũng cần thiết để các nhà nhập khẩu được hưởng mức thuế phù hợp.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt cũng cần làm quen với các thủ tục và xem các mẹo của CBI để tổ chức công việc xuất khẩu của các doanh nghiệp đi trước sang châu Âu. Trong trường hợp thiếu thông tin, việc không tuân thủ các quy trình phù hợp có thể làm giảm và trì hoãn các đơn đặt hàng, tăng chi phí và dẫn đến các hành động của các cơ quan thực thi châu Âu.

Đặc biệt, doanh nghiệp cũng cần đảm bảo rằng các tài liệu đi kèm (chẳng hạn như Vận đơn) tương ứng chính xác với các sản phẩm thực phẩm có trong chuyến hàng, bao gồm khối lượng và trọng lượng được chỉ định, loại và kích cỡ, số lượng pallet và hộp. Cuối cùng bạn phải kiểm tra lại các tài liệu cần thiết để làm thủ tục hải quan trong công cụ Access2Markets của Liên minh châu Âu. 

Phương Trinh