Lùm xùm... chuyện nhà ở xã hội ở Đắk Lắk

16:24 01/04/2021

Dự án phát triển nhà ở xã hội tại phường Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột dành cho cán bộ, công chức, viên chức được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt năm 2016. Dự án có tổng diện tích hơn 1,6 ha, quy mô 180 căn hộ, trong đó 140 căn hộ là để bán còn 40 căn hộ để cho thuê. Tổng kinh phí để thực hiện dự án là 108 tỷ đồng từ nguồn vốn Nhà nước ngoài ngân sách. Chủ đầu tư là Quỹ Đầu tư phát triển Đắk Lắk. Khởi công tháng 6/2017, đến tháng 12/2020, dự án khánh thành và đi vào hoạt động.

01 căn hộ tại dự án nhà ở xã hội ở Dak Lak đã được rao bán trên mạng xã hội (facebook, zalo...) với giá cao hơn giá trị được mua cả trăm triệu đồng.
01 căn hộ tại dự án nhà ở xã hội ở Đắk Lắk đã được rao bán trên mạng xã hội (facebook, zalo...) với giá cao hơn giá trị được mua cả trăm triệu đồng..

Đối tượng mua hoặc thuê nhà là cán bộ, công chức, viên chức đang công tác ở các cơ quan, đơn vị nhưng chưa có đất thổ cư, chưa có nhà ở hoặc có nhà nhưng diện tích nhà ở bình quân dưới 10m2/người. Giá bán của căn hộ trung bình là 10 triệu đồng/m2. Giá cho thuê là 48.000 đồng/m2/tháng.

Tuy mới đưa vào sử dụng, nhưng thời gian gần đây, nhiều căn hộ tại dự án nhà ở xã hội này đã được rao bán trên mạng xã hội (facebook, zalo...) với giá cao hơn giá trị được mua cả trăm triệu đồng.

Trước thông tin này, ông Nguyễn Toàn Thắng - Phó Giám đốc Quỹ đầu tư Phát triển tỉnh Đắk Lắk đã thừa nhận là có tình trạng nhà ở xã hội dành cho cán bộ bị rao bán. Do đó, Quỹ đã có văn bản lưu ý việc bán lại căn hộ vào thời điểm này là không phù hợp với hợp đồng mua bán đã ký và quy định về pháp luật về nhà ở xã hội.

Theo ông Thắng, nếu không còn nhu cầu sử dụng thì phải liên hệ với đơn vị để thỏa thuận chấm dứt hợp đồng mua bán. Từ 5 năm trở lên, người mua nhà mới được phép bán lại nhà. Do đó việc rao bán nhà ở xã hội tại dự án này cho mọi đối tượng thời điểm này là vi phạm.

"Nếu phát hiện có việc bán lại căn hộ thì người mua nhà đã ký hợp đồng với chủ đầu tư phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật", ông Thắng khẳng định.

Thực tế cho thấy là trong những ngày gần đây, trước thông tin báo chí đăng tải và dư luận quan tâm nhiều đến chuyện nhà ở xã hội bị rao bán ở Đắk Lắk thì lại xuất hiện thông tin một số cán bộ, công chức đang công tác tại nhiều đơn vị sự nghiệp ở tỉnh Đắk Lắk đã tự nguyện trả lại nhà ở xã hội mà mình đã thuê hoặc mua trước đó vì nhiều lý do khác nhau (!?)

Xác nhận với báo chí vào ngày 30/3, ông Nguyễn Toàn Thắng - Phó Giám đốc Quỹ đầu tư Phát triển tỉnh Đắk Lắk cho biết đã có 9 cán bộ, công chức xin trả lại nhà ở xã hội khi không còn nhu cầu. Các đơn vị có cán bộ, công chức xin trả lại nhà đã mua gồm: Văn phòng UBND tỉnh Đắk Lắk, Sở Xây dựng, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Kho bạc Nhà nước tỉnh Đắk Lắk… 

Rất nhiều chuyện “lùm xùm” liên quan đến Dự án nhà ở xã hội ở Đắk Lắk đang được dư luận quan tâm, cần phải sớm được cơ quan chức năng làm sáng tỏ.
Rất nhiều chuyện “lùm xùm” liên quan đến Dự án nhà ở xã hội ở Đắk Lắk đang được dư luận quan tâm, cần phải sớm được cơ quan chức năng làm sáng tỏ..

Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chánh Văn phòng Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết: "Sau khi thực hiện các thủ tục mua nhà, tôi nhận được thông tin chuẩn bị chuyển công tác xuống huyện. Một số người tới hỏi mua lại với giá cao hơn giá đã mua từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng. Tuy nhiên, tôi không muốn trục lợi chính sách nên trả lại chứ không bán".

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong số những người đã mua nhà ở xã hội thuộc Dự án phát triển nhà ở xã hội tại phường Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột (Khu dân cư Km 4-5), có nhiều người đang công tác Văn phòng UBND tỉnh Đắk Lắk; Văn phòng UBND thành phố Buôn Ma Thuột; Sở Xây dựng tỉnh Đắk Lắk; Kiểm toán Nhà nước khu vực XII; Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông và Nông nghiệp Phát triển nông thông tỉnh Đắk Lắk (Ban A)... Riêng Văn phòng UBND tỉnh Đắk Lắk có 6 cán bộ, công chức thuê, mua nhà; Sở Xây dựng tỉnh Đắk Lắk có 8 cán bộ, công chức thuê, mua nhà; Kiểm toán Nhà nước khu vực XII (đóng chân trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột) cũng có 7 cán bộ, công chức mua, thuê nhà... 

Hiện nay, dư luận đang rất quan tâm rằng có hay không việc nhà ở xã hội thuộc Dự án phát triển nhà ở xã hội tại phường Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột dành cho cán bộ, công chức, viên chức đang công tác ở các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk (nhưng chưa có đất thổ cư, chưa có nhà ở hoặc có nhà nhưng diện tích nhà ở bình quân dưới 10m2/người) lại bị đem bán cho những người khá giả? Và những người đã có đất ở, nhà ở có diện tích hơn 10m2/người mà vẫn mua được nhà ở xã hội thì họ là những ai, làm việc gì, ở đâu?  Và nếu đó là những cán bộ, công chức, viên chức thì họ có xứng đáng là công bộc của dân, xứng đáng là những người nêu gương để dân tin, yêu nữa không?... Những câu hỏi này là có cơ sở. Bởi ngay sau khi những căn nhà ở xã hội vừa được đưa vào sử dụng thì người dân đã được tận mắt nhìn thấy rất nhiều xe ôtô đắt tiền đứng sừng sững ngày đêm ở dưới sân của các khu nhà. Hình ảnh này đã làm nhiều người xầm xì là “Ôi! Họ... phải mua nhà, thuê nhà ở xã hội mà lại có ôtô xịn và nhiều ôtô đến thế? Thực sự là họ có khó khăn không? Toàn là đại gia thôi....” (!)     

Trước những “lùm xùm” nói trên, ngày 31/3 một lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk xác nhận với báo giới là đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, xử lý việc rao bán nhà ở xã hội được lan truyền trên mạng xã hội.

Theo đó, UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Đắk Lắk chủ trì, phối hợp với các đơn vị, như: Sở Xây dựng, Công an tỉnh kiểm tra, rà soát, qua đó kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đơn vị và cá nhân có liên quan đến việc tiếp tay, môi giới, móc nối hay thực hiện sai quy định về việc thẩm định, xét duyệt hồ sơ mua nhà ở xã hội (nếu có) để báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 10/4/2021.

Dư luận vẫn đang chờ lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk công khai, minh bạch những thông tin trên!

 Nhóm phóng viên Tây Nguyên