Lực lượng lao động quý III năm 2020 phục hồi nhanh hơn ở khu vực nông thôn và lao động nữ

00:00 12/10/2020

Sáng 6/10, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê họp báo về tình hình lao động việc làm quý III và 9 tháng năm 2020.

Lực lượng lao động quý III năm 2020 phục hồi nhanh hơn ở khu vực nông thôn và lao động nữ. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Phát biểu tại buổi họp báo, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh: “Trong quý III, những ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của dịch COVID-19 đều có dấu hiệu tăng trưởng trở lại. Tình hình lao động, việc làm và thu nhập của người lao động quý III năm 2020 cũng được cải thiện so với quý trước, tuy nhiên các chỉ số về lao động, việc làm và thu nhập của người lao động quý III và 9 tháng vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước”.

Theo bà Hương, dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng khắp toàn cầu đã ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới khiến nền kinh tế toàn cầu gần như “chạm đáy” vào quý II.

Đến thời điểm giữa tháng 9, khi các nền kinh tế tái khởi động sau phong tỏa do dịch COVID-19, dự báo về tăng trưởng kinh tế thế giới có những dấu hiệu khả quan hơn. Trong nước, dịch bệnh tái phát với diễn biến phức tạp đã làm tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực chậm lại. Tình hình đứt gãy thương mại quốc tế gây ra những hệ lụy tới hoạt động sản xuất và xuất, nhập khẩu của Việt Nam.

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 9 năm 2020, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,…; trong đó, 68,9% người bị giảm thu nhập (với mức giảm thu nhập nhẹ), gần 40% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và khoảng 14% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 với 68,9% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 66,4% lao động bị ảnh hưởng; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 27%.

Lực lượng lao động tăng trở lại sau khi ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục vào quý II năm 2020 nhưng vẫn chưa thể khôi phục về trạng thái của cùng kỳ năm trước

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý III năm 2020 là 54,6 triệu người, tăng 1,4 triệu người so với quý trước nhưng vẫn thấp hơn 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Điều này cho thấy, sau khi ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục vào quý II năm 2020, thị trường lao động đang có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên vẫn chưa thể khôi phục về trạng thái của cùng kỳ năm trước.

Bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và Lao động cho biết, tính chung 9 tháng năm 2020, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 54,4 triệu người, giảm 1,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước và giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn.

Trong giai đoạn 2016-2019, trung bình mỗi năm lực lượng lao động 9 tháng đầu năm tăng 1%. Nếu lực lượng lao động 9 tháng năm 2020 duy trì tốc độ tăng như giai đoạn 2016-2019 và không có dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam sẽ có thêm 1,8 triệu lao động. Nói cách khác, dịch COVID-19 có thể đã tước đi cơ hội tham gia thị trường lao động của 1,8 triệu người.

Lực lượng lao động quý III năm 2020 phục hồi nhanh hơn ở khu vực nông thôn và lao động nữ. Cụ thể, so với quý trước, lực lượng lao động tại khu vực nông thôn tăng 3,0%, cao hơn 0,8 điểm phần trăm so với mức tăng của khu vực thành thị; lực lượng lao động nữ tăng 4,1%, cao hơn 2,6 điểm phần trăm so với mức tăng của lực lượng lao động nam.

Tính chung 9 tháng năm 2020, lao động tại khu vực nông thôn và lao động nữ vẫn là những nhóm chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất bởi tác động của dịch COVID-19 với mức giảm của lực lượng lao động thuộc hai nhóm này so với cùng kỳ năm trước lần lượt là 3,2% và 2,3%.

Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, tính đến tháng 9 năm 2020, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến người lao động đang làm việc trong hầu hết các ngành, trong đó một số ngành có tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng lớn như: ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí (88,6%), dịch vụ lưu trú và ăn uống (81,7%), vận tải kho bãi (79,7%), hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (72,7%), công nghiệp chế biến chế tạo (70,1%), bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô và xe máy (68,5%), giáo dục đào tạo (68,5%), hoạt động kinh doanh bất động sản (67,8%).

Lao động có việc làm tăng so với quý trước chủ yếu ở nhóm lao động phi chính thức; tốc độ tăng của lao động phi chính thức cao hơn so với tốc độ tăng của lao động chính thức. 

Cũng tại buổi họp báo, bà Valentina Barcuci, Phó Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam cho biết, dữ liệu thống kê là giải pháp giúp chúng ta có câu trả lời về tình hình lao động và việc làm; đồng thời, giúp nhìn lại ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến người lao động như thế nào trong những tháng qua.

Quý III, thị trường lao động của Việt Nam có nhiều cải thiện, tuy nhiên, chưa quay trở lại như trước đây. Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam mong muốn tiếp tục hợp tác với Tổng cục Thống kê trong điều tra lao động và việc làm trong thời gian tới.

Tính đến tháng 9 năm 2020, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,… Trong đó, 68,9% người bị giảm thu nhập (với mức giảm thu nhập nhẹ), gần 40,0% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và khoảng 14,0% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh. Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 68,9% lao động bị ảnh hưởng; tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 66,4% lao động bị ảnh hưởng; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 27,0%.

Gia Gia