Luật pháp phải phù hợp với thực tế

00:00 12/10/2020

"Tôi rất mong muốn các nhà làm Luật đi xuống cơ sở để xem thực tiễn đang diễn ra như thế nào, từ đó thiết kế Luật phù hợp với đòi hỏi của cuộc sống". Đây là quan điểm của ông Nguyễn Văn Đệ, Uỷ viên UBTW MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam xung quanh Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Lao động năm 2012.


Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam

Chúng tôi phải phạm Luật để cứu người

Dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận và cho ý kiến tại Kỳ hợp thứ 8, Quốc hội khóa XIV thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhân dân cử tri cả nước, các tổ chức quốc tế có liên quan, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp và người lao động. Sau nhiều lần lấy ý kiến góp ý, Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) thực tế vẫn còn gây tranh cãi và có nhiều ý kiến khác nhau về: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa, tiền lương làm thêm giờ, tuổi nghỉ hưu,… Nếu không xem xét, nghiên cứu thấu đáo để áp dụng vào thực tiễn sẽ có nguy cơ tạo nên rào cản, trở thành bước thụt lùi của nền kinh tế, tạo tư duy bảo thủ, lạc hậu làm nản lòng doanh nghiệp.

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đề nghị giảm giờ làm việc từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần. Đây là xu hướng chung của thế giới khi nền kinh tế đã phát triển. Còn đối với Việt Nam, trình độ phát triển,năng suất lao động, thu nhập GDP bình quân đầu người còn thấp, nếu áp dụng quy định này sẽ không phù hợp với thực tiễn của nền kinh tế Việt Nam và bối cảnh doanh nghiệp còn khó khăn. Từ đó gây tác động xấu đến nền kinh tế đất nước và doanh nghiệp.

Là doanh nghiệp kinh doanh liên quan đến lĩnh vực y tế tư nhân, tôi thấy có nhiều điểm còn rất phi thực tế. Gần đây, Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực chúng tôi cấp cứu 1.500 người ngộ độc thức ăn từ khu công nghiệp. Số bệnh nhân này gấp 5 lần số giường của bệnh viện, đó là chưa nói đến những bệnh nhân đang điều trị. Lương tâm của thầy thuốc và nhà quản lí không thể từ chối 1.500 bệnh nhân đang ngấp nghé giữa cái sống và cái chết. Tất cả bác sỹ, y tá, điều dưỡng phải tập trung tận tâm cứu người. Đặc biệt, để duy trì một khối lượng công việc điều trị, chăm sóc bệnh nhân ngày càng tăng như hiện nay, các cơ sở y tế tư nhân thường xuyên phải tuyển dụng, đào tạo đội ngũ nhân viên y tế và người lao động, gây phát sinh chi phí hàng nghìn tỷ đồng. Điều này hoàn toàn không khả thi trong điều kiện hiện ngành y tế đang khan hiếm nhân lực trầm trọng, dễ tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở y tế trong hoạt động tuyển dụng nhân sự y tế, nhất là nhân lực y tế có trình độ kỹ thuật cao. Nếu các bệnh viện thực hiện theo quy định giờ làm việc của Luật thì chúng tôi không tiếp nhận bệnh nhân, không cứu người nữa hay sao? Đương nhiên các bệnh viện sẽ không bao giờ từ chối cứu người, chăm sóc bệnh nhân, và vì thế chúng tôi vi phạm pháp luật. Tôi rất muốn các đại biểu Quốc hội trả lời giúp chúng tôi câu hỏi này. 

Hơn nữa, nếu Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) được thông qua với khung giờ làm thêm là 400 giờ thì tất cả các nhân viên y tế sẽ có nguy cơ vi phạm các quy định của Bộ luật Lao động, và chúng tôi có thể bị thanh tra phạt bất kỳ lúc nào.

Bên cạnh đó, ngoài thời gian trực theo quy định, các cán bộ y bác sỹ còn phải thường xuyên thực hiện xử lý khẩn cấp những sự cố yêu cầu về thời gian dài nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe bệnh nhân. Có những ca phẫu thuật đòi hỏi đội ngũ y bác sỹ phải làm việc từ 10h đến 12h liên tục, thậm chí không được nghỉ để ăn uống. Có những trường hợp cấp cứu người bệnh trong đêm, những dịch bệnh nguy hiểm đến tính mạng người bệnh cần được kiểm soát, điều trị liên tục dài ngày.

Những thời điểm đó, đội ngũ y bác sỹ không thể lấy lý do vì khung thời gian làm việc chỉ có 400 giờ mà từ chối cứu chữa bệnh nhân. Do vậy, nếu quy định giờ làm thêm là 400 giờ/năm được thông qua và không có quy định đặc thù đối với lĩnh vực y tế đồng nghĩa với việc đội ngũ y, bác sỹ phải đứng trước sự lựa chọn hoặc “chấp nhận vi phạm quy định luật pháp để cứu chữa người bệnh” hoặc “buộc phải từ chối cứu chữa tính mạng người bệnh để không vi phạm quy định về giờ làm thêm”.


Các bác sỹ, y tá có thể phải phạm Luật Lao động để cứu người

Do vậy, đối với lĩnh vực y tế, chúng tôi đề nghị Quốc hội nghiên cứu sửa đổi quy định về thời giờ làm thêm tối đa trong năm theo hướng: không quy định khung giờ làm việc đối với lĩnh vực y tế. Nên quy định khi người lao động làm thêm giờ vào ngày nào thì được trả lương làm thêm tính theo ngày đó.

Dự thảo Luật sửa đổi có nhiều điểm mâu thuẫn với thực tế

Thị trường lao động là một trong những nhân tố đầu vào cơ bản của mọi nền kinh tế nhưng từ đề xuất “tăng ngày nghỉ, giảm giờ làm” cho thấy, Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này can thiệp quá sâu, quá thô bạo, quá chi tiết vào quan hệ lao động. Tư duy này không có tính thị trường, không đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế.

Với cách tiếp cận ở góc độ sợ người lao động bị bóc lột quá mức, làm quá nhiều giờ làm việc đã thể hiện một cách rõ nét Nhà nước đã can thiệp sâu vào mối quan hệ giữa chủ sử dụng lao động và người lao động, không tôn trọng quyền tự quyết của người lao động.

Thay vì can thiệp, điều quan trọng là Nhà nước cần quan tâm đến việc thực thi hợp đồng/khế ước lao động giữa người chủ sử dụng lao động và người lao động chứ không phải nhà nước ngồi nghĩ thay người lao động và giới chủ về giờ làm thêm hay tiền lương.

Bên cạnh đó, ngay trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này, cả Chính phủ và Quốc hội đều đồng thuận tăng tuổi nghỉ hưu cho người lao động, nam lên 62, nữ lên 60. Điều này đồng nghĩa với tinh thần phải gia tăng lao động, khi thời kỳ dân số vàng đang trôi qua. Vậy vì sao một mặt phải đòi hỏi những người lao động phải “tăng tuổi nghỉ hưu”, và mặt khác lại đòi “tăng ngày nghỉ, giảm giờ làm”. Đây là những mâu thuẫn lớn của dự thảo luật cần được Quốc hội xem xét và nghiên cứu kỹ trước khi bấm nút thông qua.

Theo thống kê, GDP/người của Việt Nam năm 2018 là 2.551 USD đứng thứ 131, chỉ cao hơn Campuchia và Myanmar nhưng thấp hơn cả Lào (129). Còn Thái Lan gấp Việt Nam 3,2 lần, Malaysia gấp 5 lần, trong khi hầu hết các nước vẫn duy trì thời gian làm việc 48 giờ/tuần. Việt Nam là nước đang phát triển, do vậy, nếu giảm 4 giờ làm việc trong 1 tuần có nghĩa là giảm 8,3% lượng của cải vật chất mà các đối tượng chịu tác động của Bộ luật Lao động đóng góp vào GDP cho xã hội, tức là sẽ giảm GDP và GDP/người.

Vì vậy, tôi rất mong muốn các nhà làm Luật đi xuống cơ sở để xem thực tiễn đang diễn ra như thế nào, từ đó thiết kế Luật phù hợp với đòi hỏi của cuộc sống.

Minh Hiền (ghi)