Luật Đất đai còn nhiều bất cập, yếu về quy hoạch và quản lý nhà nước

00:00 12/10/2020

Tiếp cận đất đai là lĩnh vực phát sinh nhiều vướng mắc và thường xuyên nhận được nhiều kiến nghị từ phía các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Qua kết quả kiểm toán năm 2017, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ 5 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc tiếp cận đất đai của người dân và doanh nghiệp để thực hiện các dự án đầu tư, kinh doanh sản xuất do các cơ quan Trung ương ban hành, gồm: Luật Đất đai năm 2013; Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước; Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BTNMT-BTP ngày 04/4/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp; Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất, quy định chi tiết phương pháp định giá đất, xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất, định giá đất cụ thể và tư vấn xác định giá đất; Thông tư số 219/2013/TT BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT) và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật thuế GTGT. Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ 7 văn bản quy phạm pháp luật do các địa phương ban hành.

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo "Pháp luật và thực tiễn về tiếp cận đất đai của doanh nghiệp Việt Nam" diễn ra sáng nay (27/6), tại Hà Nội, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Tư pháp phối hợp tổ chức, GS,TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường, cho rằng: Luật Đất đai 2013 có rất nhiều điều khoản "bó" hơn Luật Đất đai 2003. Ví dụ: Luật quy định doanh nghiệp sở hữu đất ở có thời hạn, theo thời hạn dự án. Vì vậy, doanh nghiệp muốn xây dựng nhà ở cho thuê phải đi thuê đất nhà nước chứ không thể sử dụng đất ở của họ để xây dựng. "Quy định này đã thu hẹp sự phát triển phân khúc nhà ở cho thuê, đây là điểm bất lợi cho thị trường", ông Võ nói. "Tương tự một doanh nghiệp muốn xây dựng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp sẽ không còn cửa, vì doanh nghiệp chỉ được sử dụng đất có thời hạn".

GS, TSKH Đặng Hùng Võ - Ảnh: ĐẶNG TUÂN

Hoặc có quy định theo ông Võ là "vi hiến": Luật quy định dự án treo được gia hạn 24 tháng, sau đó tiếp tục treo thì nhà nước thu hồi đất và tài sản đã đầu tư trên đất. Ông Võ phân tích: "Đây là quy định vi hiến. Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương về vấn đề đất đai lại quy định theo hướng đối với dự án treo sẽ áp dụng biện pháp đánh thuế, xử phạt cao. Nhưng luật không đi theo hướng của Nghị quyết, quy định tịch thu là không ổn, vì đất đai sở hữu toàn dân có thể tịch thu, còn tài sản trên đất không thể tịch thu. Hiến pháp đã quy định nhà nước không quốc hữu hóa bất cứ tài sản của ai hình thành hợp pháp".

Khoảng trống lớn nhất của Luật Đất đai là câu chuyện biến vốn đất thành vốn tài chính. "Đây là khâu yếu nhất của Luật Đất đai 2013, chưa đáp ứng được thực tế", ông Võ nói.

Ông La Văn Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Công sản, Bộ Tài chính, nhận định: Khâu yếu của chúng ta hiện nay là khâu quy hoạch và quản lý nhà nước về sử dụng đất đai. Từ việc lập quy hoạch đến công bố công khai, trong Luật quy định là việc quy hoạch phải được lập và công bố công khai, nhưng cho đến nay chúng ta vẫn chưa làm được điều này.

Cũng theo ông Thịnh, về quản lý nhà nước, đặc biệt quản lý nhà nước về đất đai, cũng chưa theo kịp với sự biến đổi của thực tiễn, đó là sự phát triển quá nhanh của nền kinh tế Việt Nam, trong đó có những biến động về đất đai, thiếu tính định hướng thị trường. Đặc biệt về thông tin giữa những người sử dụng đất, vì đất đai có tính lịch sử… dẫn đến sự hiểu biết trong dân chưa thấu đáo, chưa đầy đủ, chưa đúng, hoặc hiểu lầm, gây bức xúc trong nhân dân nhiều năm qua.

Đỗ Thảo